Giống như luật hình sự Việt Nam, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại một chương riêng - Chương 31 - của Bộ luật hình sự Liên bang Nga 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2004). Nhìn chung, chính sách hình sự đối với tội phạm hoạt động tư pháp thể hiện sự nghiêm khắc trong việc xử lý đối với các hành vi được xác định là tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp [39, tr.355].
Về cơ bản chương các tội xâm phạm tư pháp trong BLHS của Liên bang nga có số số lượng điều luật tương tự như Bộ luật hình sự năm 1999 của nước ta, Chương về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương 31của Bộ luật hình sự Liên bang Nga năm 2004 và có 23 Điều luật. Đa số các hành vi là tội phạm quy định trong BLHS năm 1999 nước ta đều được quy định trong Bộ luật hình sự Liên bang Nga năm 2004. Tuy nhiên, sau khi Liên bang Nga thực hiện đổi mới mô hình tố tụng của nước này từ tố tụng thẩm cứu, kế thừa của Liên Xô trước đây, sang mô hình tranh tụng, một số điều luật quy định về các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mới đã bổ sung để điều chỉnh đối với các hành vi tội phạm thường xuất hiện trong mô hình tố tụng mới. Đó là các tội can thiệp và gây ảnh hưởng đối với các nhân viên tư pháp, vu khống đối với nhân viên tư pháp, coi thường Tòa án, hay tội tiết lộ thông tin về vụ án. Mức hình phạt đối với các hành vi là tội phạm nêu trên nhìn chung là nghiêm khắc; cá biệt như tội gây ảnh hưởng đối với quá trình giải quyết vụ án có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Rõ ràng, với các nước theo mô hình tranh tụng, chính sách hình sự thể hiện không chỉ để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án được khách quan, công bằng, đúng đắn mà còn qua đó còn tăng vị thế và sự tôn nghiêm của các cơ quan tư pháp.
Trong chương 31 của BLHS Liên bang Nga có các tội phạm như sau: - Tội cản trở việc thi hành hoạt động tư pháp và cản trở hoạt động điều tra ban đầu
- Tội xâm phạm tính mạng của người đang tiến hành các hoạt động tư pháp hoặc đang tiến hành hoạt động điều tra ban đầu
- Tội đe dọa hoặc dùng vũ lực đối với những hoạt động tư pháp hoặc những hoạt động điều tra ban đầu
- Tội không tôn trọng tòa án
- Tội vu khống đối với thẩm phán, thành viên hội đồng thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, người đang điều tra, thư ký tòa án, chấp hành viên
- Tội truy cứu trách nhiệm hình sự bất hợp pháp - Tội miễn truy cứu trách nhiệm hình sự bất hợp pháp - Tội bắt giữ người trái pháp luật
- Tội bức cung và nhục hình - Đưa ra các chứng cứ giả
- Tội gợi ý hối lộ hoặc mua chuộc thương mại
- Tội đưa ra bản án, phán quyết hoặc các văn bản tư pháp mà rõ ràng là trái pháp luật
- Tội đưa tin báo sai sự thật
- Tội đưa ra lời khai gian dối, kết luận giám định sai của giám định viên, của chyên gia hoặc bản dịch sai
- Tội người làm chứng hay người bị hại từ chối đưa ra lời khai - Tội công bố các thông tin hoạt động điều tra ban đầu
- Tội tiết lộ các biện pháp an ninh cho thẩm phán, thành viên hội đồng thẩm phán và các thanh viên tham gia tố tụng
- Tội có hành vi bất hợp pháp liên quan đến tài sản bị kê biên, bị tạm giữ hoặc bị tịch thu
- Tội trốn khỏi nơi giam, giữ, nơi quản chế
- Tội không chấp hành bản án, quyết định của tòa án các văn bản tư pháp khác
- Tội che giấu tội phạm [39, tr. 355].
Như vậy, qua nghiên cứu các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương 31 BLHS Liên bang Nga ta thấy có nhiều quy định mang tính chất tương đồng như BLHS Việt Nam. Tuy nhiên, do tính chất của các hoạt động tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp xảy ra tại Liên bang Nga khác so với Việt Nam. Vì vậy, nên trong BLHS Liên bang Nga có quy định nhiều tội phạm mang tính chống đối, xâm phạm tới những người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp hơn ví dụ: Điều 294 Tội cản trở việc thi hành hoạt động tư pháp và cản trở hoạt động điều tra ban đầu; Tội xâm phạm tính mạng của người đang tiến hành các hoạt động tư pháp hoặc đang tiến hành hoạt động điều tra ban đầu; Tội đe dọa hoặc dùng vũ lực đối với những hoạt động tư pháp hoặc những hoạt động điều tra ban đầu. Điều này góp phần đấu tranh có hiệu quả hơn trong đấu tranh phòng chống tội xâm phạm hoạt động tư pháp ở Liên bang Nga hiện nay.