Chúng ta, từ trước đến nay, luôn dùng đến thuật ngữ truy cứu trách nhiệm hình sự trong các vụ án hình sự, nhưng chưa có một tài liệu chính thức nào giải thích, đưa ra khái niệm, nội dung và phạm vi của quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự này. Đây là công việc rất quan trọng và cần thiết bởi theo chúng tôi, đó là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để hiểu bản chất, nội dung và phạm vi của “thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”. Do vậy, chúng ta sẽ xem xét khái niệm truy cứu trách nhiệm hình sự trong phần dưới đây.
Khái niệm truy cứu trách nhiệm hình sự là một vấn đề hết sức phức tạp mà vẫn chưa được làm sáng tỏ bởi các cơ quan lập pháp. Dưới góc độ khoa học luật hình sự hiện nay của chúng ta, còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này; Chẳng hạn, có quản điểm cho rằng: “Truy cứu trách nhiệm hình sự là (hoạt động của Nhà nước thông qua các cơ quan của mình để buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện” [20], quan điểm khác lại cho rằng: “Truy cứu trách nhiệm hình sự là áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi ttố vụ án , khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt” [25], v.v…
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, trước hết phải khẳng định rằng: truy cứu trách nhiệm hình sự là một quá trình mà các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền đưa ra những nhận thức lý luận có tính lôgíc, trong hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự vào một vụ án cụ thể. Do đó chúng tôi đồng tình với TSKH. PGS. Lê Văn Cảm đã đưa ra định nghĩa khoa học của khái niệm này khá rõ ràng như sau:
“Truy cứu trách nhiệm hình sự là một quá trình nhận thức lý luận có tính lôgíc, là một trong những dạng của hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, cũng như pháp luật tố tụng hình sự và được tiến hành bằng việc ra một văn bản để xác định sự thật khách quan trong vấn đề trách nhiệm hình sự của người đã thực hiện hành vi mà tuy về mặt hình thức có dấu hiệu của hành vi nào đó bị luật hình sự cấm – tức là giải quyết một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội”
[2] . Như vậy, mục đích của quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội là nhằm trả lời cho câu hỏi: Người phạm tội có hay không phải chiu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi và hậu quả người đó gây ra?
Một yêu cầu cấp thiết và quan trọng ở đây là phải xác định phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự và phạm vi thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như mối liên quan giữa chúng. Như chúng ta đã biết, truy cứu trách nhiệm hình sự là quyền đồng thời là nghĩa vụ của các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền trong một vụ án hình sự. Một vấn đề rất quan trọng cần làm rõ ở đây là phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự (bắt đầu khi nào và kết thúc khi nào), nó có đồng nhất với phạm vi của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Trong các tài liệu pháp lý ở nước ta, khái niệm truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như nội dung, phạm vi của nó, mối quan hệ giữa phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự với phạm vi của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được đề cập đến không nhiều. Theo ý kiến chúng tôi, xuất phát từ bản chất của khái niệm truy cứu trách nhiệm hình sự dưới góc độ khoa học luật hình sự đã được đề cập ở phần trên, cho thấy những đặc điểm sau:
Thứ nhất, truy cứu trách nhiệm hình sự là một phạm trù có liên quan đến cả hai ngành luật hình sự và luật tố tụng hình sự. Khi chúng ta làm sáng tỏ vấn đề trách nhiệm hình sự của người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm nghĩa là chúng ta đã giải quyết về mặt nội dung – luật hình sự, còn khi chúng
ta xem xét quá trình truy cứu, giai đoạn thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng theo những bước nào nghĩa là chúng ta đã giải quyết về mặt hình thức – luật tố tụng hình sự.
Thứ hai, quá trìnhtruy cứu trách nhiệm hình sự này bắt đầu từ khi khởi tố vụ án hình sự và kết thúc khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng nghị. Từ đặc điểm thứ hai này cho thấy phạm vi của quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự có sự khác biệt với phạm vi của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự khác biệt đó thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, về thời điểm bắt đầu: Theo quy định của pháp luật, các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền của Nhà nước được quyền truy cứu trách nhiệm hình sự bắt đầu từ lúc có hành vi phạm tội xảy ra tức là cùng thời điểm bắt đầu với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình này bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (và trường hợp đặc biệt là phải có yêu cầu của người bị hại theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003) vì kể từ lúc đó các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền mới xác định được có dấu hiệu tội phạm, còn trước đó cho dù họ có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng họ chưa phát hiện ra hay chưa đủ chứng cứ để khởi tố vụ án thì quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội vẫn chưa thể bắt đầu.
Quyết định khởi tố vụ án hình sự này thuộc quyền của một trong các cơ quan sau: Cơ quan điều tra, thủ trưởng đơn vị Bộ đội biên phòng, Cơ quan hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và thủ trưởng các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử mà tuỳ theo từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể được quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Còn thời điểm bắt đầu của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999 là: “Từ ngày tội phạm được thực hiện”, điều này có nghĩa là: thời điểm bắt đầu của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ xảy ra các trường hợp hoặc là sớm hơn (Ví dụ: Nguyễn Văn A vì động cơ thù hận, ghen tuông đã giết Nguyễn Hoành B nhưng không ai biết, mãi đến hai tháng sau, cơ quan điều tra mới phát hiện ra và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Như vậy, thời điểm bắt đầu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự xảy ra sớm hơn thời điểm bắt đầu quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự là 2 tháng), hoặc là cùng thời điểm (Ví dụ: Nếu cũng trong trường hợp trên, vợ của Nguyễn Văn A đi làm về, núp ở sau cánh cửa và nhìn thấy chồng mình đang chôn xác Nguyễn Hoành B ở vườn, liền đi đến cơ quan công an tố giác ngay; thì thời điểm bắt đầu của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời điểm bắt đầu của quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự là trùng nhau).
Việc xác định giữa hai thời điểm này có sự trùng khớp với nhau hay không cũng là minh chứng cho việc các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền của Nhà nước có trách nhiệm đến đâu trong khi thực hiện công việc truy tìm, phát hiện ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi phạm tội trong xã hội hay chính là nhằm bảo vệ công lí của mình. Cụ thể là: nếu khoảng cách “ hiệu số” giữa hai thời điểm này (thời điểm bắt đầu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trừ đi thời điểm bắt đầu của quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự) ngày càng giảm đi và tiến dần tới bằng “không” thì chứng tỏ rằng: công tác truy tìm tội phạm và người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm của các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền ngày càng đạt kết quả tiến bộ. Còn nếu như khoảng cách “hiệu số” giữa hai thời điểm này (thời điểm bắt đầu thời hiệu, truy cứu trách nhiệm hình sự trừ đi thời điểm bắt đầu của quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự ) có nguy cơ ngày càng tăng lên thì đó là dấu hiệu
cảnh báo sự thiếu trách nhiệm trong khi thực hiện công việc của các cơ qua tư pháp hình sự có thẩm quyền của nhà nước.
Thứ hai, về thời điểm kết thúc: theo như định nghĩa về truy cứu trách nhiệm hình sự đã được đề cập ở trên thì hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự được tiến hành nhằm mục đích “xác định sự thật khách quan trong vấn đề trách nhiệm hình sự của người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (mà tuy về mặt hình thức có dấu hiệu của hành vi nào đó bị luật hình sự cấm)” [2]. Sự thật khách quan này có thể xảy ra ở một trong các tình huống sau đây: Người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đó được loại trừ tính chất tội phạm của hành vi hay nói cách khác người này không phạm tội nên không đặt ra vấn đề tráchnhiệm hình sự ở đây; Người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đó có tội và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm đã thực hiện nhưng tuỳ từng trường hợp cụ thể tương ứng mà người đó: 1) được miễn trách nhiệm hình sự; 2) được miễn hình phạt và (hoặc kèm theo việc áp dụng) biện pháp cưỡng chế về hình sự khác; 3) bị áp dụng hình phạt và (không kèm theo việc áp dụng) biện pháp cưỡng chế hình sự khác [2].
Điều này cho thấy thời điểm xác định được sự thật khách quan trong vấn đề trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà về mặt hình thức có dấu hiệu của hành vi nào đó bị luật hình sự cấm là tuỳ từng trường hợp mà khác nhau, căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự cụ thể tương ứng (giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố, giai đoạn xét xử) và do một trong các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền (cơ quan điều tra với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát hoặc Toà án) quyết định.
Còn thời điểm kết thúc thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là sau một khoảng thời gian nhất định được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999 (cụ thể: tại khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999
đã điều chỉnh bốn thời hạn khác nhau tương ứng với bốn loại tội phạm được phân loại tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 – năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng, mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), có nghĩa là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự kết thúc sau một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật, các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền chỉ có thể và phải căn cứ vào các thời hạn này để truy cứu trách nhiệm hình sự người đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm.
Như vậy, không phải lúc nào hai thời điểm kết thúc (của thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và của quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự) trùng khít lên nhau mà thường là có khoảng cách; Nếu khoảng cách “hiệu số” giữa hai thời điểm kết thúc này (thời điểm kết thúc thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trừ đi thời điểm kết thúc của quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự) là số âm, tức là khi chưa kết thúc quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội thì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, điều đó không chỉ chứng minh rằng các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền đã không kịp thời thực hiện được trách nhiệm của mình, mà còn cảnh báo cho chúng ta biết luật hình sự vẫn chưa đạt được hiệu quả của mình trong cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; Nếu khoảng cách “hiệu số” giữa hai thời điểm kết thúc này (thời điểm kết thúc thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trừ đi thời điểm kết thúc của quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự) là bằng không hoặc là số dương, tức là khi quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự chấm dứt ngay tại hoặc trước thời điểm chấm dứt thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, thì đó là dấu hiệu tốt cần phát huy vì nó thể hiện tinh thần trách nhiệm làm việc hết mình của các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền, thể hiện được hiệu quả của luật hình sự và biểu đạt được sự
lên án, sự phủ định của Nhà nước và toàn xã hội đối với người đã thực hiện tội phạm.
Thời hiệu và trách nhiệm hình sự là hai phạm trù có liên quan đến nhau. Thời hiệu là khoảng thời gian trong đó các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền của Nhà nước có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội và quyền thi hành bản án kết tội có hiệu lực pháp luật đối với người bị kết án. Còn trách nhiệm hình sự chính là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm mà cá nhân người phạm tội phải gánh chịu bằng việc phải chấp hành hình phạt và các biện pháp cưỡng chế hình sự khác theo quy định của Bộ luật hình sự. Về mặt nguyên tắc, mọi cá nhân thực hiện tội phạm đều phải chịu trách nhiệm hình sự trước Nhà nước, song luật hình sự được đặt ra không phải chỉ quy định hành vi này hay hành vi kia là tội phạm và buộc cá nhân người thực hiện tội phạm đó phải gánh chịu những hậu quả bất lợi từ phía Nhà nước, mà sự tồn tại của luật hình sự còn thể hiện mối quan hệ ràng buộc: cả hai chủ thể này đều phải làm tròn nghĩa vụ bổn phận của mình trong một khoảng thời gian mà pháp luật cho phép. Nếu không, vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội sẽ chấm dứt, thay vào đó chế định nhân đạo về thời hiệu sẽ được áp dụng. Đó chính là sự liên quan giữa hai phạm trù thời hiệu và phạm trù trách nhiệm hình sự – khi giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, chúng ta phải đặt nó trong một khoảng thời gian xác định, đó là thời hiệu.
Về mặt lôgíc, một người thực hiện tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, nhưng nếu hội đủ căn cứ pháp lý chung có tính chất bắt buộc và những điều kiện cần và đủ do luật định thì chế định nhân đạo do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được áp dụng và sự tồn tại của nó đồng nghĩa với việc chấm dứt truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm, hay nói cách khác là người
thực hiện tội phạm này được miễn việc truy cứu trách nhiệm hình sự , điều này cho thấy các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền của Nhà nước đã chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
Theo quan điểm của chúng tôi, tại sao lúc này chúng ta không đặt ra câu hỏi: nếu các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền khi hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự mà chưa hoàn tất công việc truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm thì kết quả là người phạm tội không bị truy