Cũng như hoạt động thanh toán quốc tế nói chung, ở đâu có phát sinh hoạt động XNK hàng hoá và dịch vụ, ở đó có yêu cầu tổ chức luồng chu chuyển tiền tệ và thực hiện thanh toán. Đối với hoạt động buôn bán qua biên
giới, việc tổ chức hoạt động thanh toán qua Ngân hàng đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Ngoài những ý nghĩa to lớn như hoạt động thanh toán quốc tế nói chung, thanh toán biên mậu còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khác, thể hiện ở các mặt sau:
a. Tổ chức thanh toán biên mậu qua Ngân hàng góp phần thực thi chức năng quản lý của nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ.
Với việc tổ chức thanh toán phục vụ hoạt động buôn bán qua biên giới, Ngân hàng đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ ở khu vực biên giới. Thanh toán qua biên mậu hạn chế sự thao túng của tư nhân trên thị trường tiền tệ khu vực biên giới, thanh toán biên mậu phát triển sẽ thu hẹp và xoá bỏ được chế sự thao túng của tư nhân trên thị trường tiền tệ khu vực biên giới, thực hiện vai trò quản lý của nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ - tín dụng. Sự hoạt động lành mạnh của thị trường tiền tệ sẽ góp phần tạo ra các hoạt động giao lưu thương mại thuận tiện, có sự điều tiết quản lý của Nhà nước, tạo môi trường tốt để phát triển quan hệ thương mại khu vực biên giới.
b. Thanh toán biên mậu qua Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới
Việc thanh toán xuất nhập khẩu không qua Ngân hàng, sẽ tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập khẩu, các hoạt động buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại có cơ hội phát triển mạnh. Đi cùng với nó là hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp hai bên, từ đó làm hạn chế qua hệ thương mại giữa hai nước. Thực hiện thanh toán qua Ngân hàng sẽ góp phần hạn chế hiện tượng tiêu cực, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động buôn bán qua biên giới.
c. Thanh toán biên mậu góp phần tích cực phát triển hoạt động buôn bán qua biên giới
Xét tầm quan trọng của thị trường các nước chung biên giới đối với nền ngoại thương Việt Nam, đặc biệt là thị trường Trung Quốc với hơn 1,3 tỷ dân, điều kiện trao đổi thuận tiện và tương đối dễ tính, đây là những thị trường hấp dẫn, lý tưởng đối với mọi thành phần kinh tế Việt Nam. Tổ chức hoạt động thanh toán qua Ngân hàng đáp ứng sự đòi hỏi cấp thiết của sự phát triển xuất nhập khẩu biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
d. Thanh toán biên mậu tạo tiền đề hình thành phương thức thanh toán của khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN
Thanh toán biên mậu bằng bản tệ cũng là sự thí điểm trong việc dùng đồng Việt Nam trong thanh toán xuất nhập khẩu với các nước chung biên giới, không có ngoại tệ tự do chuyển đổi trong thanh toán xuất nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ mạnh chi cho nhập khẩu hàng hoá.
Kế hoạch hình thành khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN vào năm 2015 đã đặt ra yêu cầu sử dụng một đồng tiền thanh toán riêng của các nước tham gia. Vấn đề hình thành đồng tiền chung Châu Á là vấn đề đã được đề cập khá nhiều trong các Hội nghị quốc tế và khu vực, kể từ sau cuộc khủng hoảng tiền tệ 1997-1998. Ý tưởng về việc hình thành đồng tiền chung châu Á (AS) là rất tích cực trong xu thế liên kết khu vực, một mặt thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng khả năng cạnh tranh, mặt khác sẽ giúp các quốc gia Châu Á hạn chế sự lệ thuộc quá nhiều vào USD và tránh được những biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế. Nhưng khó khăn lớn nhất cho việc ra đời AS là sự khác biệt lớn giữa các thành viên và cốt lõi của quá trình chuẩn bị cho aszone là đạt được sự thống nhất trong sự khác biệt quá lớn này. Do tính đa dạng về kinh tế, văn hóa, chính trị giữa các quốc gia Châu Á cũng hình thành nhiều cấp độ phát triển kinh tế khác nhau trong khu vực, tạo nên khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển của quốc gia. Chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế dẫn đến việc xác định khác nhau giữa các lợi ích và vấn đề ưu tiên trong hợp
tác. Khoảng cách chênh lệch trên cũng tạo bất lợi đối với các nước kém phát triển trong phân công lao động quốc tế, do các nước lớn có lợi thế hơn về vốn, công nghệ và khả năng cạnh. Đến nay, việc công bố sử dụng ACU (2006) khá tương tự như ECU, thành lập Quĩ châu Á, cho ra đời thị trường trái phiếu châu Á, qui định các điều kiện chuẩn bị gia nhập khu vực… dường như mô phỏng lại quá trình hình thành eurozone. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ eurozone, vấn đề nhất thể hoá tiền tệ, phối hợp chính sách tài khoá với một lộ trình phù hợp với xu thế quốc tế luôn thay đổi, phải được xử lý ngay trong quá trình chuẩn bị ra đời aszone. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của đồng tiền chung Châu Á. Trong tương lai, cùng với sự tăng cường thực lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, việc cho ra đời một đồng tiền chung trong khu vực là điều hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong tương lai.