6. Kết cấu của luận văn
2.3.2. Do ảnh hưởng của phong tục tập quán
Phong tục tập quán là một trong những yếu tố tác động và chi phối đến quan hệ pháp luật mạnh mẽ nhất, đặc biệt là quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình Trong đời sống sinh hoạt của đồng bào ta nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, phong tục tập quán về hôn nhân và gia đình đã trở nên ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của mỗi người dân trong cộng đồng làng xã. Phong tục về hôn nhân và gia đình là thói quen đã thành nếp, hình thành trong những điều kiện kinh tế, xã hội nhất định, thể hiện đậm nét nếp sống, quan niệm của từng địa phương, dân tộc trong việc kết hôn, quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, quan hệ nuôi con nuôi, quan hệ khác về hôn nhân và gia đình, được các chủ thể sinh sống trong địa phương, dân tộc đó thừa nhận và tuân theo một cách tự giác[6, 18]. Con người bên cạnh việc chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật thì còn bị ảnh hưởng bởi các quy phạm đạo đức và phong tục tập quán khá rõ nét. Đặc biệt là ở những vùng có tính cộng đồng làng xã tương đối bền vững như những địa bàn dân tộc
thiểu số, miền núi rẻo cao, đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, quan điểm về hôn nhân và gia đình khá lạc hậu và chủ yếu tuân theo những quy định của phong tục tập quán đã hình thành và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân trước đó. Trong đó, tập tục “ bắt vợ”, kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định (tảo hôn) diễn ra khá phổ biến ở những cộng đồng dân cư của đồng bào dân tộc ít người. Ở Thừa Thiên Huế, nạn tảo hôn diễn ra phổ biến nhất là tại hai huyện Nam Đông và A Lưới. Quan niệm hôn nhân “tự nhiên” đã ăn sâu vào nếp nghĩ, trở thành một lề thói xấu chưa thể ngăn chặn được khiến cuộc sống của người dân nơi đây. Trình độ dân trí thấp, sự ảnh hưởng của tập quán kết hôn sớm vẫn còn nặng nề chính là nguyên nhân dẫn đến tập tục tảo hôn vẫn chưa được xóa bỏ. Bên cạnh đó, tình trạng kết hôn sớm còn do quan hệ tình dục và có thai trước hôn nhân đang có chiều hướng gia tăng; do tâm lý “nữ thập tam, nam thập lục” mà chưa dựng vợ gả chồng thì sau này sẽ khó để kiếm vợ chồng cho con.... Ngoài ra cũng còn tồn tại một số quan niệm như kết hôn sớm để có thêm nguồn nhân lực cho gia đình, để sinh đông con cháu cho gia đình, dòng họ, được chia tài sản, đất đai, nhà cửa. Quyết định số 08/2009/HNGĐ – ST ngày 12/5/2009 mà Tòa án nhân dân huyện A Lưới thụ lý giải quyết là một minh chứng rõ nét:
Hồ Thị Hoa (sinh năm 1994) trú tại Thôn 4, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới được gia đình tổ chức cưới hỏi và tiến hành đăng ký kết hôn với Hồ Văn Kim (1992) trú tại thôn 6, xã A Ngo, huyện A Lưới vào tháng 2/2009. Vào thời điểm kết hôn cả Hoa và Kim đều chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Hai bên gia đình đã được các tổ chức đoàn thể nhắc nhở và vận động nhiều lần, áp dụng nhiều biện pháp chế tài khác nhau như phạt vi phạm hành chính, cắt các nguồn trợ cấp xã hội…Vì vậy, tháng 4/2009 bố của Hồ Văn Kim là ông Hồ Văn Hơn đã yêu cầu Tòa án nhân dân huyện A Lưới giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật. Vào thời
điểm yêu cầu, Hồ Thị Hoa mới 15 tuổi, Hồ Văn Kim mới 17 tuổi nên theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân huyện A Lưới đã tuyên bố hủy việc kết hôn trái pháp luật.