Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử các

Một phần của tài liệu Hủy việc kết hôn trái pháp luật qua thực tiễn xét xử tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (Trang 34)

6. Kết cấu của luận văn

1.3.2.Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử các

trường hợp kết hôn trái pháp luật

Hôn nhân và gia đình là một trong những quan hệ cơ bản và quan trọng nhất trong các quan hệ xã hội hiện nay. Bởi, gia đình được xem là cái nôi sản sinh ra con người, nuôi dưỡng và giáo dục con người cho xã hội, muốn có một xã hội phát triển và lành mạnh thì cần phải có những con người tốt, muốn có những con người tốt phải có những gia đình tiến bộ. Nhận thức được tầm quan trọng đó nên trong quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, chế định về kết hôn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, để đảm bảo quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình thực thi nghiêm chỉnh trên thực tế, đối với các quan hệ hôn nhân trái pháp luật, việc áp dụng pháp luật cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

1.3.2.1. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa

Nguyên tắc này đòi hỏi mọi chủ thể đều có trách nhiệm đưa những yêu cầu của pháp luật vào thực tế cuộc sống; phải xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật; bất cứ chủ thể nào có hành vi vi phạm pháp luật đều bị áp dụng các chế tài xử lý. Đối với quan hệ hôn nhân và gia đình, đây là một quan hệ xã hội có tính chất đặc thù. Trong đó, các chủ thể được gắn kết với nhau bởi quan hệ tình cảm thân thuộc. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam quy định khá chặt chẽ về vấn đề này, trong đó, việc xác lập quan hệ hôn nhân luôn luôn phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định. Nếu có sự vi phạm một trong các điều kiện đó thì quan hệ hôn nhân ấy không được Nhà nước thừa nhận, buộc áp dụng các chế tài xử lý nhằm đảm bảo xây dựng gia đình xã hội chủ nghĩa bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ. Trên cơ sở đó, đối với các trường hợp vi phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp hủy việc kết hôn trái pháp luật. Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: “Theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 15 của Luật này,

Tòa án xem xét và quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi bản sao quyết định cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. Căn cứ vào quyết định của Tòa án, cơ quan đăng ký kết hôn xóa đăng ký kết hôn trong sổ đăng ký kết hôn”. Điều này cho thấy, Nhà nước ta kiên quyết bày tỏ thái độ phủ nhận đối với các quan hệ hôn nhân trái pháp luật trong xã hội hiện nay. Việc áp dụng chế tài này là thật sự cần thiết, bởi áp dụng hủy việc kết hôn trái pháp luật là một chế tài của Luật hôn nhân và gia đình, nhằm đảm bảo thực thi pháp luật trong thực tiễn. Từ đó, duy trì và củng cố chế độ hôn nhân và gia đình theo hướng bền vững và tiến bộ.Mặt khác, việc thực thi pháp luật chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp khuyến khích, giáo dục và cưỡng chế. Có như vậy mới đảm bảo việc chấp hành một cách nghiêm chỉnh pháp luật nói chung và pháp luật hôn nhân gia đình nói riêng trong cộng đồng dân cư.

1.3.2.2. Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng

Một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình đó là đảm bảo hôn nhân tự do thực sự, nghĩa là quan hệ hôn nhân ấy phải xuất phát trên cơ sở của sự tự nguyện giữa các bên. Đây là một trong những yếu tố cơ bản nhất nhằm đảm bảo cho việc xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững. Nguyên tắc này cũng chính là sự cụ thể hóa của Điều 64 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”. Trên cơ sở đó, Luật Hôn nhân và gia đình 2000 cũng quy định “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cảm trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn..Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.” (Điều 4); “Việc kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được lừa dối, ép buộc bên nào,không ao được cưỡng ép

hoặc cản trở” (Điều 9)...Như vậy, để đảm bảo nguyên tắc, nếu các bên có sự vi phạm thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng chế tài hủy việc kết hôn trái pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Hôn nhân và gia đình.

1.3.2.3. Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa

Nguyên tắc nhân đạo đòi hỏi luôn luôn phải đặt con người ở vị trí trung tâm trong mọi đường lối và chính sách phát triển. Việc áp dụng các biện pháp chế tài mặc dù nhằm đảm cho sự ổn định của xã hội song quan trọng hơn nó còn hướng con người trong xã hội ấy đến với cuộc sống lương thiện, tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật, về mặt nguyên tắc chung thì Nhà nước không công nhận đó là các quan hệ hôn nhân hợp pháp; không làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng của các bên kết hôn. Do đó, trên cơ sở áp dụng các quy định của pháp luật, khi có yêu cầu, Tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật đó. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp chế tài này có ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của bản thân các đương sự và con cái của họ. Vì vậy, khi xử lý các trường hợp kết hôn trái pháp luật, căn cứ vào từng hoàn cảnh, mức độ vi phạm cụ thể kết hợp với việc xem xét và đánh giá thực chất mối quan hệ tình cảm của các bên để Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định xử lý và áp dụng từng biện pháp khác nhau cho phù hợp. Vì thế, Nghị quyết số 02/HĐTP-TAND đã quy định, khi xem xét tất cả các yếu tố nói trên, Tòa án có thể quyết định cho các bên ly hôn, không công nhận là vợ chồng hoặc ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật, nhằm đảm bảo đường lối giải quyết đúng đắn, hợp tình, hợp lý, tránh những tác động xấu đối với các đương sự, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Một phần của tài liệu Hủy việc kết hôn trái pháp luật qua thực tiễn xét xử tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (Trang 34)