Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ Hôn nhân

Một phần của tài liệu Hủy việc kết hôn trái pháp luật qua thực tiễn xét xử tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (Trang 62)

6. Kết cấu của luận văn

3.2.1.Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh quan hệ Hôn nhân

gia đình, đặc biệt là các quy định về vấn đề hủy việc kết hôn trái pháp luật

Như đã phân tích trên, hiện nay hệ thống pháp luật Việt nam quy định về vấn đề hủy việc kết hôn trái pháp luật vẫn còn một số điểm hạn chế nhất định. Một số quy định không có tính khả thi trên thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Chính vì vậy, những thiếu sót, bất cập đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình giải quyết các vụ việc về Hôn nhân và gia đình nói chung và vấn đề hủy việc kết hôn trái pháp luật nói riêng tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền tại Thừa thiên Huế. Đồng thời, những hạn chế nói trên cũng dẫn tới việc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng không được đảm bảo, đặc biệt là đối với quyền lợi của phụ nữ và trẻ em – những đối tượng thường chịu nhiều thiệt thòi trong các trường hợp kết hôn trái pháp luật

bị xử lý. Để hạn chế các trường hợp kết hôn trái pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả giải quyết án hôn nhân và gia đình, theo chúng tôi, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành cần quy định về vấn đề hủy việc kết hôn trái pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể và có hệ thống hơn, tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật có hiệu quả, làm cơ sở pháp lý cho việc vận dụng giải quyết các trường hợp hủy việc kết hôn trái pháp luật một cách thống nhất. Trong đó, hệ thống pháp luật cần điều chỉnh giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình 2000, chủ thể có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm người “bị cưỡng ép”; “bị lừa dối” kết hôn. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2000/NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì kết hôn vi phạm tính tự nguyện bao gồm các hành vi ép buộc, cưỡng ép, lừa dối chủ thể kết hôn. Trên thực tế, việc kết hôn thiếu tính tự nguyện do chủ thể bị cưỡng ép, lừa dối, ép buộc là tương đối phổ biến trong số các vụ việc yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật tại Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, việc kết hôn vi phạm điều kiện về tính tự nguyện ngày càng gia tăng và mang tính chất phức tạp hơn trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh hội nhập kinh tế - quốc tế như hiện nay. Trong đó, nhiều trường hợp kết hôn do trước đó bị các đối tượng môi giới hôn nhân hoặc bản thân người kết hôn lừa dối sau khi kết hôn sẽ bảo lãnh ra nước ngoài; bị cha mẹ ép buộc kết hôn để “xuất ngoại” với mong muốn sẽ tìm được cơ hội việc làm, thay đổi đời sống kinh tế cho bản thân và gia đình…Như vậy, với quy định trên, chỉ có hai chủ thể bị cưỡng ép và bị lừa dối kết hôn mới có quyền tự mình yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Trong khi đó, chủ thể bị ép buộc kết hôn lại không có sự điều chỉnh của pháp luật. Như vậy, nếu áp dụng các quy định của pháp luật, quan hệ hôn nhân của chủ thể bị ép buộc kết hôn chỉ có thể bị hủy khi các chủ thể khác như bố mẹ, con của các bên kết hôn, Hội liên hiệp phụ nữ hoặc các

chủ thể có quyền khác yêu cầu. Điều này là chưa hợp lý. Do đó, theo chúng tôi, việc quy định quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật theo Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình cần quy định “Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối, bị ép buộc kết hôn theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật”. Có như vậy, việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mới thực sự bảo đảm, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thứ hai, cũng theo quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 “Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 9 và điều 10 của Luật.”. Như đã phân tích trên, việc quy định quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật của Viện kiểm sát là căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 28 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989. Theo đó, “đối với việc vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động, kết hôn trái pháp luật, xác định cha, mẹ cho người con chưa thành niên ngoài giá thú, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người chưa thành niên hoặc của người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, nếu không có ai khởi kiện thì Viện kiểm sát có quyền khởi tố.” Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 có hiệu lực thay thế Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989 thì Viện kiểm sát không còn thẩm quyền nói trên. Như vậy, quy định giữa Luật Hôn nhân và gia đình 2000 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 đã có sự bất nhất về vấn đề này, dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất trên thực tế. Đồng thời, việc trao thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật cho Viện kiểm sát theo Luật hôn nhân và gia đình 2000 không có tính thực thi. Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng tôi cho rằng cần quy định thống nhất về quyền yêu cầu của Viện

kiểm sát. Theo đó, đối với các vụ việc dân sự thì Viện kiểm sát không có thẩm quyền yêu cầu. Với quy định trên sẽ tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền và cũng phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan điều chỉnh về vấn đề này.

Thứ ba, về quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật của Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em không còn là cơ quan tồn tại với tư cách là một đơn vị độc lập. Lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em được giao cho cơ quan chủ quản trực tiếp là phòng Lao động – thương binh và xã hội. Như vậy, pháp luật nên có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể vấn đề này trong đó xác định rõ Phòng Lao động – thương binh và xã hội có hay không có thẩm quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho sự tham gia của cơ quan có chức năng tong việc ngăn chặn các trường hợp kết hôn trái pháp luật tồn tại và duy trì trên thực tế, ảnh hưởng đến quan hệ hôn nhân và gia đình nói riêng và sự tiến bộ của toàn xã hội nói chung.

Thứ tư, căn cứ quy định tại Điều 28 và Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, hủy việc kết hôn trái pháp luật là một trong những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Như vậy trình tự thủ tục giải quyết loại việc này sẽ tuân theo những quy định chung về giải quyết việc dân sự. Nghĩa là đối với việc giải quyết các quan hệ nhân thân giữa vợ chồng; quan hệ cha mẹ và con cái; quan hệ tài sản không có tính tranh chấp. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các trường hợp yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, không chỉ đơn thuần giải quyết quan hệ hôn nhân mà bên cạnh đó, những tranh chấp phát sinh đối với việc trong nom, nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, tranh chấp về tài sản diễn ra tương đối phổ biến. Như vậy, đối với những trường hợp này, Tòa án nhân dân có thẩm quyền chỉ giải quyết quan hệ hôn

nhân còn những tranh chấp khác phải hướng dẫn đương sự khởi kiện bằng một vụ án khác. Thực tiễn trên đặt ra một số vướng mắc, gây khó khăn cho bản thân các đương sự đồng thời dẫn đến hiệu quả giải quyết án hôn nhân gia đình của các cơ quan có thẩm quyền không cao. Bởi cùng một quan hệ pháp luật nhưng chúng ta phải giải quyết nhiều lần, tốn kém thời gian và kinh phí của cơ quan chức năng lẫn ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân. Theo chúng tôi, hệ thống pháp luật điều chỉnh về vấn đề hủy việc kết hôn trái pháp luật cần thiết phải phân định rõ các trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật đâu là việc dân sự, đâu là vụ án dân sự. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân có thẩm quyền có thể áp dụng các quy định của pháp luật Tố tụng dân sự để giải quyết một cách nhanh gọn, có hiệu quả, tránh sự phiền nhiễu không đáng có cho công dân, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách thủ tục tư pháp của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Hủy việc kết hôn trái pháp luật qua thực tiễn xét xử tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (Trang 62)