Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục - đào tạo và ý nghĩa của nó ở nước ta (Trang 55)

- Trung với nước, hiếu với dân

1.2.3Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng

Với sách lược đại đoàn kết, Người đã vận động tổ chức toàn dân diệt giặc dốt. Coi sự nghiệp giáo dục là của toàn dân, là sự kết hợp gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

1.2.3.1 Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng nói chung và sự nghiệp giáo dục nói riêng

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh có ý nghĩa chiến lược, nó là tư tưởng nhất quán và xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn lịch sử có thể điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp lực lượng cho phù hợp với đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết luôn là vấn đề sống còn của cách mạng. Hồ Chí Minh đã nêu ra những vấn đề có tính chân lý sau:"Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi"; "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" [35, 607].

“Người hiểu rằng mọi sức mạnh cần thiết để chiến tháng kẻ thù đế quốc chính là ở trong sự đoàn kết đó”. [1, 44]

Trong buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3/3/1951, Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng công bố trước toàn thể dân tộc: "Mục tiêu của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm 8 chữ là đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc". [31, 183]. Người chỉ ra nhiệm vụ của tuyên huấn "Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến thì nhiệm vụ của tuyên huấn là làm sao cho

đồng bào dân tộc hiểu được mấy việc. Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà " [36, 130].

Đoàn kết dân tộc không chỉ là mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc mà còn là đòi hỏi khách quan của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, đưa những đòi hỏi khách quan, tự phát của nhân dân thành những đòi hỏi tự giác, có tổ chức, trở thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì hạnh phúc con người. Khái niệm Dân, Nhân dân mà Hồ Chí Minh dùng là để chỉ mọi con dân nước Việt,

Mỗi một người con rồng cháu tiên không phân biệt tôn giáo, dân tộc, lứa tuổi, giàu nghèo. Như vậy, Dân, Nhân dân, dân chúng,...vừa là tập hợp đông đảo quần chúng, vừa được hiểu là mỗi con người Việt Nam cụ thể, và cả hai đều là chủ thể của đại đoàn kết dân tộc. Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ "Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ" [32, 438]. Khái niệm "ta" ở đây muốn nói số đông của dân trong xã hội, trong đó vừa có Đảng, vừa có mọi người dân nước Việt tham gia. Khái niệm đại đoàn kết dân tộc của Người là một khái niệm rộng và nó xuyên suốt trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

Muốn thực hiện đại đoàn kết dân tộc thì phải:

Kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc, khoan dung, độ lượng với con người. Theo Hồ Chí Minh, ngay cả những người lầm đường lạc lối mà biết hối cải, chúng ta vẫn kéo họ về phía dân tộc,

đoàn kết là không định kiến, không khoét sâu cách biệt (Người đã lấy hình tượng năm ngón tay của một bàn tay để chỉ sự đoàn kết rộng rãi).

Phải đoàn kết đại đa số nhân dân trong đó, công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đây chính là gốc của sự đoàn kết. Người cho rằng liện minh công - nông là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất. Về sau, Người thêm: lấy liên minh công - nông - lao động trí óc làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân. Đây cũng là sự phát triển và cụ thể hoá về lực lượng trong đại đoàn kết dân tộc và vai trò dẫn đường của tri thức.

Đại đoàn kết dân tộc là phải biến thành sức mạnh vật chất, có tổ chức là Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay từ khi tìm thấy con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã chú ý đến việc đưa quần chúng nhân dân vào tổ chức yêu nước phù hợp với giai cấp, giới, ngành nghề, lứa tuổi, tôn giáo và phù hợp với sự phát triển của phong trào cách mạng. Đó là hội hữu ái hay tương trợ, công hội, nông hội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, Phật giáo cứu quốc,... Mặt trận dân tộc thống nhất là nơi quy tụ các tổ chức và cá nhân yêu nước bao gồm cả những người Việt Nam ở nước ngoài mà tấm lòng vẫn hướng về quê hương, đất nước.

Mặt trận dân tộc thống nhất qua từng thời kì cách mạng đã có những tên gọi khác nhau như sau: Hội phản đế đồng minh (1930), Mặt trận dân chủ(1936), Mặt trận nhân dân phản đế (1939), Mặt trận Việt Minh (1941), Mặt trận Liên Việt (1946), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955 cho đến nay). Dù tên gọi có khác nhau nhưng thực chất chỉ là một tổ chức chính trị rộng rãi, tập hợp đông đảo các giai tầng dân tộc, tôn giáo, đảng phái trong và ngoài nước vì lợi ích dân tộc.Theo Hồ Chí Minh thì Mặt trận dân tộc thống nhất phải được xây dựng theo ba nguyên tắc sau đây:

Một là phải được xây dựng trên nền tảng công - nông và lao động trí óc.

Hai là hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ lấy lợi ích tối cao của dân tộc và lợi ích cơ bản của nhân dân làm cơ sở để củng cố và mở rộng Mặt trận (lợi ích tối cao của dân tộc là Tổ quốc độc lập thống nhất; là dân giàu, nước mạnh.) Các lợi ích phải hài hoà giữa chung và riêng. Nguyên tắc hiệp thương dân chủ là cùng nhau bàn bạc để đi đến thống nhất.

Ba là đoàn kết lâu dài, chặt chẽ thực sự chân thành thân ái giúp đỡ nhau. Tại Đại hội thống nhất mặt trận Việt Minh - Liên Việt tháng 3 - 1951, Người nói: "Trong Đại hội này, chúng ta có đại biểu đủ các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc..., thật là một gia đình tương thân tương ái. Chắc rằng sau Đại hội, mối đoàn kết thân ái sẽ phát triển và củng cố khắp toàn dân"[31, 182]

Theo Người, đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau trên lập trường thân ái vì nước vì dân. Đảng ta đã luôn luôn đấu tranh trên hai mặt trận chống những khuynh hướng hẹp hòi coi nhẹ việc tranh thủ những lực lượng có thể tranh thủ được và chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết mà không có đấu tranh.

Thực hiện chiến lược đại đoàn kết trong từng thời kỳ dưới tên gọi khác nhau của Mặt trận. Cuộc chiến chống giặc dốt luôn trở thành phong trào được sự đồng tình tham gia của mọi tầng lớp xã hội, phong trào vượt mọi khó khăn. Đã có thời kỳ toàn dân vừa chống đói vừa đi học. Lực lượng nhà giáo được huy động tối đa, trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Nhà giáo đâu cần lương bổng, lớp học trong lúc khó khăn đâu cần bàn ghế. Nhà tù đế quốc cũng trở thành trường học. Trong kháng chiến chống Mỹ, dưới làn bom đạn huỷ diệt tưởng như có thể trở về thời kỳ đồ đá, song lời hiệu triệu của Hồ Chí Minh dù

khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt. Biết bao tấm gương nhà giáo và học sinh vẫn nở rộ trong vườn hoa ngành giáo dục- đào tạo. Hàng vạn con em nhân dân lao động vẫn được ra nước ngoài học tập đợi ngày thống nhất trở về xây dựng đát nước đàng hoàng to đẹp. "Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới".[37, 561]

Tóm lại, nước ta là một quốc gia đa dân tộc, nhiều tôn giáo... Nhưng với chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh đã tập hợp mọi lực lượng tham gia cách mạng trong mặt trận thống nhất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập trung ý chí, trao đổi dân chủ, hiệp thương thống nhất, vì vậy nước ta vẫn đảm bảo an ninh chính trị, không xẩy ra xung đột sắc tộc, tôn giáo, vùng miền...Mặt trận đã có vai trò to lớn trong giáo dục vận động mọi tầng lớp nhân dân bình đẳng cơ hội học tập ngay cả vùng giáo dân.

1.2.3.2. Dân chủ trong xây dựng pháp luật về giáo dục-đào tạo.

Kế tục truyền thống hiếu học của cha ông thể hiện qua các bộ luật, các hương ước làng xã về giáo dục phong kiến. Trong quá trình cách mạng, Hồ Chí Minh đã gián tiếp và trực tiếp chỉ đạo thực hiện tư tưởng giáo dục-đào tạo thể hiện qua các cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 5 năm 1941, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã chỉ ra những biến đổi của thế giới và Việt Nam đòi hỏi Đảng cần phải thay đổi chiến lược, từ cách mạng tư sản dân quyền nhằm giải quyết hai vấn đề phản đế và điền địa chuyển sang cách mạng giải phóng dân tộc, xác định phải đặt quyền lợi của bộ phận, của giai cấp dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trí thức bao gồm các nhà khoa học, giáo dục, văn nghệ sĩ, nhà báo, các nhà hoạt động xã hội v.v.. là một lực lượng quan trọng của cách mạng, cần được tập hợp trong mặt trận cứu nước (Việt Minh). Đảng cần phái cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá đặng gây một phong trào

văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc, chống lại văn hoá phát xít thụt lùi. Ở những đô thị văn hoá như Hà Nội, Sài Gòn, Huế phải gây ra những tổ chức văn hoá cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai đặng đoàn kết các nhà văn hoá và trí thức. Cùng với quyết định này Đề cương Văn hoá Việt Nam đã được thông qua (1943) là cương lĩnh văn hoá cả thời kỳ cách mạng dân tộc - dân chủ tuy ngắn gọn song nó đã thể hiện nguyên tắc văn hoá của dân tộc: Dân tộc- Khoa học- Đại chúng với chức năng nhận thức, khám phá và sáng tạo. Đề cương văn hoá đã thể hiện tư tưởng dân chủ về giáo dục- đào tạo, phát huy trong quá trình năng cao dân trí phục vụ cho cách mạng nước nhà.

Ngày 28/8/1945, dưới sự chủ trì của Bác, nội các Chính phủ lâm thời được triệu tập, gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngày 03/9/1945 tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính phủ, Bác Hồ đã đề ra nhiệm vụ cần kíp để cứu nguy dân tộc trước 3 thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Trong vòng 2 năm đầu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hồ Chủ Tịch đã ra nhiều sắc lệnh về công tác giáo dục-đào tạo. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải tiến hành cải cách giáo dục. Người thận trọng chỉ ra các bước: "Các ông về hoàn chỉnh đề án đi, làm sao cho hợp tình hình nước ta, ...rồi đưa ra Hội nghị văn hoá cứu quốc, trưng cầu ý kiến rộng rãi... Sau đó chính phủ sẽ duyệt kỹ..."[22, 14]. Cụ Chủ Tịch Chính phủ cách mạng căn dặn...."công việc cải cách liên quan đến hàng triệu con người, ở nhiều thế hệ không thể chưa nghiên cứu kỹ đã làm., làm rồi mới nghĩ, để rồi phải làm lại..." [20, 14]. Người kiên trì 3 phương châm: Dân tộc- Khoa học - Đại chúng. Nguyên tắc dân chủ đòi hỏi phải thống nhất các cấp, các ngành thành một hệ thống chung cho toàn quốc không phân biệt giàu nghèo.

Trong kháng chiến chống Pháp, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tạm thời rút về vùng Việt Bắc vừa đào tạo, vừa phục vụ kháng

chiến. Từ năm 1950, mặc dù có nhiều khó khăn, Nhà nước ta đã thực hiện cải cách giáo dục lần thứ nhất theo nguyên tắc “ Dân tộc - Khoa học - Đại chúng, phục vụ kháng chiến, kiến quốc kế thừa nền giáo dục Đông Dương thuộc Pháp (năm 1906 thành lập Đại học Đông Dương), bắt đầu xây dụng nền giáo dục của một nước độc lập. Trong thời kỳ cả nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa đấu tranh thống nhất nước nhà, hệ thống giáo dục của nước ta thực hiện cải cách giáo dục lần thứ 2 (1956) nhằm xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa. Và tiếp theo là cải cách giáo dục lần thứ 3 vào năm 1979 xây dựng một nền giáo dục Việt Nam thống nhất trên cả nước.

Những tư liệu này cùng với sự đóng góp của nhiều nhà khoa học đã là cơ sở cho việc xây dựng, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để định hình chiến lược giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đó là, Luật Giáo dục được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này thông qua (1998).

1.2.3.3 Dân chủ trong tổ chức, quản lý giáo dục-đào tạo

Hồ Chí Minh là mẫu mực trong công tác dân vận nhằm nâng cao dân trí. Người là tác giả của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vừa là Người trực tiếp làm dân vận để đưa đường lối đó trở thành hiện thực. Ở Người sự thành tâm với dân, gần gũi với dân, nói đi đôi với làm, vì nhân dân phục vụ đã có sức thu hút kỳ diệu với mọi tầng lớp nhân dân, mọi tôn giáo đảng phái, dân tộc trong và ngoài nước. Hệ thống quản lý giáo dục bao gồm đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy. Sự nghiệp giáo dục chỉ có thể hoàn thiện sứ mệnh của mình nếu hệ thống giáo dục đảm bảo bằng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy có đủ năng lực phẩm chất bao gồm: đạo đức, văn hoá, tầm nhìn lý luận, khả năng tác nghiệp và phong cách điều hành khả năng truyền đạt, dân chủ trong nghiên cứu khoa học thích hợp, nhạy cảm với từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Địa vị cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy trong hệ thống giáo dục rất quan trọng. Bác đã từng nói: "Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất." Người đánh giá anh chị em là những người "vô danh anh hùng". Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em"[29, 220]. Người căn dặn Thầy giáo phải thật thà yêu nghề của mình. .. nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, bởi vì không có thầy giáo thì không có giáo dục. Hồ Chí Minh có nghệ thuật sử dụng nhân tài và phát triển nhân tài. “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”[29, 99]. Người đã chọn cán bộ "đều là những người có tuổi tác, có danh vọng, đạo đức, một mặt có thể giúp ý kiến cho chính phủ, một mặt có thể điều khiển quốc dân" [29,193]. Đồng thời, việc chọn cử người công bộc cho dân cũng dựa trên cơ sở dân là gốc: "Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay" [20. 14].

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục - đào tạo và ý nghĩa của nó ở nước ta (Trang 55)