Bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ của nhân viên trong dịch vụ bổ sung

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ bổ sung của Khách sạn Phương Đông (Trang 34)

Đối với các doanh nghiệp nói chung và với các khách sạn nói riêng thì nhân lực là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả sử dụng các yếu tố nguồn lực khác, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của khách sạn mà các khách sạn khác không thể sao chép được. Hiện nay, đội ngũ lao động dịch vụ bổ sung của Khách sạn Phương Đông còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ. Qua việc

nghiên cứu kết quả kinh doanh cho thấy năng suất lao động bình quân và mức lợi nhuận bình quân năm 2011 đều giảm so với năm 2010. Vì vậy việc nâng cao trình độ cho lao động dịch vụ bổ sung của Khách sạn Phương Đông về kinh nghiệm, kỹ năng, và trình độ ngoại ngữ là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ bổ sung của khách sạn.

Để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của lao động dịch vụ bổ sung đạt hiệu quả, khách sạn cần quán triệt các nội dung sau:

- Chi phí đào tạo: khách sạn cần tăng thêm kinh phí cho việc đào tạo để tổ chức được các khóa học chuyên ngành thật sự có ích cho lao động dịch vụ bổ sung. Từ trước tới nay, dịch vụ bổ sung trong Khách sạn Phương Đông vẫn thường bị coi nhẹ dẫn đến vẫn còn tư tưởng cho rằng việc cấp kinh phí đào tạo lao động thuộc bộ phận dịch vụ bổ sung là lãng phí. Từ đó ảnh hưởng không tốt tới chất lượng các khóa đào tạo và việc tổ chức đào tạo không đạt được kết quả như mong muốn.

- Thời gian đào tạo: thời gian đào tạo cho đội ngũ lao động dịch vụ bổ sung ở các cấp độ khác nhau là không giống nhau.

+ Đối với đội ngũ quản lý, khách sạn phải thường xuyên tổ chức các khóa học quản lý trong và ngoài nước cũng như các xu hướng dịch vụ trong khách sạn. Hình thức đào tạo này khá tốn kém nhưng lại rất cần thiết vì đội ngũ quản lý rất quan trọng trong việc phân ca, phân kíp, theo dõi, đánh giá trình độ nhân viên tác nghiệp, chỉ đạo thêm tay nghề cho nhân viên phục vụ đảm bảo cho quá trình phục vụ đạt hiệu quả cao.

+ Đối với nhân viên tác nghiệp, khách sạn có thể tổ chức các lớp đào tạo luân phiên hoặc tổ chức đào tạo vào thời gian trái vụ. Thời gian đào tạo cần được xác định hợp lý, tránh kéo dài mà không hiệu quả. Đồng thời, thời gian đào tạo phải đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của khách sạn. Đối với nhân viên mới thời gian đào tạo có thể lâu hơn nhân viên cũ.

- Nội dung đào tạo: nội dung đào tạo bao gồm những kỹ năng như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, nhân sự, quản lý, trình độ ngoại ngữ và tin học,...

+ Đối với đội ngũ quản lý cần được tăng cường đào tạo về công tác quản lý, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong mọi tình huống.

+ Đối với nhân viên tác nghiệp, khách sạn phải đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử, giao tiếp,...cũng như những nét văn hóa riêng của khách sạn.

- Đánh giá nhân viên sau khi kết thúc thời gian đào tạo: sau mỗi khóa đào tạo, khách sạn nên kiểm tra tay nghề của nhân viên để đảm bảo rằng việc đào tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, khách sạn phải thường xuyên tổ chức kiểm tra trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên định kỳ, ít nhất mỗi năm một lần.

Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo của khách sạn cũng phải quan tâm tới đời sống và môi trường làm việc của nhân viên dịch vụ bổ sung, khuyến khích tinh thần học hỏi và tự hoàn thiện kĩ năng làm việc của họ. Đồng thời, hoàn thiện các chính sách về nhân sự như khen thưởng, các chế độ phúc lợi xã hội,...

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ bổ sung của Khách sạn Phương Đông (Trang 34)