Làm công tác xuất bản, tôi thường được nhiều người nhất là cánh nhà báo, khi phỏng vấn tôi về thực trạng và hoạt động xuất bản, trong nhiều câu hỏi đặt ra bao giờ cũng có những câu đại loại như: “Bà có nghĩ rằng văn hóa đọc đang xuống cấp?” Rằng: “Bà nghĩ sao khi văn hóa đọc đang bị cạnh tranh bởi các phương tiện truyền thông và giải trí khác như truyền hình, internet, games…?”.
Bằng vào trải nghiệm nghề nghiệp, câu trả lời của tôi thường là KHÔNG!
1. Sản lượng sách mỗi năm mỗi tăng trưởng: 26.609 tựa sách và 276,44 triệu bản in. Đây là con số được trích dẫn từ báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản năm 2007 của Cục xuất bản. Cũng xin được nói thêm, đây chỉ là những con số chính thống “trong luồng”. Nếu cộng thêm số lượng bản in “ngoài luồng”, được những nhà làm sách tư nhân giấu nhẹm Nhà xuất bản (để giảm quản lý phí). Và số lượng bản photocopy, bản in lậu (điều mà nhiều Nhà xuất bản và người làm sách chân chính kêu trời trong nhiều năm vì phải “bó tay” trước căn bệnh in lậu, không thuốc chữa!), thì con số này có lẽ phải nhân gấp 3.
Nếu tính bình quân mức thụ thưởng văn hóa đọc trên mỗi người dân thì xấp xỉ 4 – 6 tựa sách/đầu người/năm. Đây là con số có ý nghĩa trong điều kiện một đất nước nghèo, đang phát triển như Việt Nam.
Mặt khác, do nhận thức về tác dụng của việc tiếp thị và quảng bá sản phẩm qua các phương tiện truyền thông, nhiều Nhà xuất bản và các đơn vị làm sách thường xuyên tổ chức các hình thức PR cho sách dưới nhiều cấp độ: nhỏ, vừa, hoặc qui mô bằng chiến dịch rầm rộ…, với mục đích kích cầu để bán được nhiều sách. Do vậy mà số lượng bản in đầu tiên trước đây thường từ 1 – 2 ngàn bản/1 tựa sách thì nay số bản in đầu đã được đẩy lên con số 3 -5 – 10 ngàn bản/1 tựa; thậm chí có tựa sách “nóng” như Harry Potter 7, số bản in đầu là 80.000 bản. Các bản thống kê các tựa sách bán chạy trên mặt báo giấy và báo điện tử thật sinh động và đầy lạc quan phản ảnh nhu cầu đọc đang tăng trưởng.
2. Thị trường sách thật sôi động khi mà trên cả nước và đặc biệt là ở các thành phố lớn, thị xã, xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng sách khang trang, đẹp đẽ, các đại lý bán sách lẻ, các quầy, sạp báo, tạp chí, sách…Đội ngũ những nhà làm phát hành ngày càng nhiều, ăn nên làm ra. Xuất hiện nhiều “đại gia” trong lĩnh vực phát hành năng động, kinh doanh có hiệu quả và giàu lên từ sách: Tổng Công ty cổ
phần sách Fahasa, Công ty Văn hóa Phương Nam, doanh nghiệp sách Thành Nghĩa, Nhân Văn, Văn Lang, Quang Minh, Thời Đại, Gia Vũ, Công ty dịch vụ văn hóa điện ảnh Gia Lai… Điều này chứng tỏ tiềm năng phát triển của nhu cầu văn hóa đọc và thị trường kinh doanh sách.
3. Qua các thời Hội sách như Hội sách Hè, Hội sách Giáo Dục, Hội sách Thiếu nhi và đặc biệt Hội sách thành phố với qui mô lớn được tổ chức định kỳ 2 năm một lần (năm 2008 là kỳ Hội sách thành phố lần V), nhìn vào lượng người đông đảo như “trẩy hội”, nhìn vào doanh số bán buôn; nhìn vào sức hấp dẫn và thu hút của các hoạt động giao lưu trao đổi, tìm hiểu sâu về nội dung tác phẩm giữa bạn đọc, tác giả, Nhà xuất bản; các cuộc hội thảo xoay quanh các chủ đề về giá trị, lợi ích của việc đọc sách, phương pháp đọc sách; chia sẻ những điều cảm nhận từ sách, việc học và làm theo sách… đã chứng tỏ sách là hàng hóa và bạn đọc là khách hàng. Sách có một vị trí cần thiết cho nhu cầu bồi dưỡng tâm hồn, cung cấp kiến thức cho người đọc.
Rõ ràng sự phát triển của thị trường sách xuất phát từ nhu cầu đọc tăng trưởng của khách hàng. Thế nhưng tình yêu đối với sách ở cấp độ như: “ăn, ngủ, chơi…cùng bóng đá!” thì nhiều người Việt chưa mê đọc sách!
Hãy thử làm một cuộc thăm viếng các gia đình ở các đô thị, thành phố lớn, điều chúng ta dễ tìm thấy nhất là trong nhiều gia đình khá giả, trung lưu là những tủ rượu sang trọng bề thế nhiều hơn là các tủ sách khiêm tốn, ít ỏi. Giới trẻ thích lội vào internet và “ngồi đồng” hàng giờ trước các trò chơi games. Chị em phụ nữ, các bà nội trợ khoái dán mắt vào màn hình TV với các phim truyện tình cảm trữ tình lãng mạn hơn là đọc sách. Và các ông thì thích ngồi cụng ly bên bàn nhậu hơn đắm mình vào các trang sách… Rất hiếm hoi để bắt gặp những hình ảnh có ai đó mê miết đọc sách ở các nhà ga, bến tàu, sân bay hoặc trạm chờ xe buýt! Một hình ảnh khá quen thuộc dễ bắt gặp khi chúng ta đi du lịch hoặc công tác ở nước ngoài.
Với người Việt chúng ta, chỉ đọc sách khi cần tra cứu, tìm kiếm một tư liệu gì. Nghe giới thiệu một cuốn sách mới thì tìm mua để đọc. Gặp một cuốn sách hay ta đọc ngấu nghiến… nhưng đọc sách như là một thói quen, nhu cầu tự thân không thể thiếu thì chưa.
1.Tạo dựng thói quen đọc sách từ trẻ thơ.
Ngay từ cấp mẫu giáo, cha mẹ sớm cho trẻ tiếp cận với sách bằng cách mua thật nhiều sách cho trẻ nhất là sách tranh ảnh màu đẹp; sách truyện cổ tích, đồng thoại. Lập một kệ sách be bé xinh xinh trong phòng ngủ hoặc nơi góc học tập của bé. Mỗi ngày khi chơi đùa với trẻ hoặc trước giờ ngủ đọc cho trẻ nghe những câu chuyện hoặc xem những hình ảnh từ các cuốn sách. Dần dần tạo cho trẻ thói quen, chỉ ngủ được sau khi đã được đọc hoặc nghe đọc xong một quyển sách.
2. Cải sách giáo dục phải bắt đầu từ việc thay đổi phương pháp dạy và học. Học sinh sinh viên ngòai tiếp thu giáo trình bài giảng trên lớp còn phải tổ chức các Seminar, thảo luận nhóm, thuyết trình chuyên đề nhằm mở rộng đào sâu thêm nội dung bài học. Cần tạo cho người học thói quen tìm kiếm, tra cứu, thu thập, lấy thông tin, dữ liệu từ các trang web tìm kiếm, các sách tham khảo hoặc chuyên ngành… Muốn thế, hệ thống thư viện trường học cần được trang bị đầy đủ các chủng loại sách; có không gian lý tưởng đáp ứng nhu cầu tra cứu, tham khảo, đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà. Theo như tôi được biết, một trong những điều kiện công nhận trường tiên tiến là phải có phòng đọc, thư viện đạt chuẩn. Thế nhưng thực tế hiện nay các thư viện trường học vẫn rất nghèo nàn ngay cả các trường ở các thành phố lớn.
Đối với cộng đồng dân cư ngoài các thư viện quốc gia hoặc tỉnh thành, hệ thống thư viện quận, huyện, phường xã cũng cần được qui hoạch xây dựng và đầu tư đúng mức tạo môi trường và không gian thuận lợi thu hút để nhiều người đến với sách và bén duyên dùng sách. Cần khơi gợi sức dân và có cơ chế chính sách cho việc hình thành và thiết lập hệ thống thư viện tư nhân phục vụ rộng rãi cho cộng đồng.
3. Muốn mọi người mê sách, trước hết cần có những cuốn sách hay. Sách phải thỏa mãn nhu cầu của người đọc. Từ sách, người đọc có thể tìm thấy giá trị, ích lợi cho mình và cho nhiều người. Có thể vận dụng những kinh nghiệm, bài học, lời khuyên từ sách. Đọc xong một cuốn sách cảm xúc và tình cảm được thăng hoa; tâm hồn được trải rộng, hướng thiện… Để có được một cuốn sách hay cần có những “Bà đỡ” giỏi. Tôi muốn nói đến vai trò của các Nhà xuất bản, đội ngũ những người làm công tác xuất bản phải là những người giỏi nghề, phải biết nắm bắt nhu cầu của từng loại đối tượng, phải biết “chọn mặt gởi vàng” khi tìm kiếm lựa chọn và đặt hàng tác
giả, dịch phải thẩm định đâu là đề tài và tác phẩm hay. Phải bản lĩnh cùng tác giả thai nghén và sản sinh ra những tác phẩm hay, chất lượng, giá trị…
4. Với thu nhập của đại bộ phận người dân trong cả nước, ngoại trừ thị dân ở những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thì sách vẫn được coi là mặt hàng cao cấp. Nhất là hiện nay khi mà giá sách đang bị kêu là quá cao. Muốn tạo thói quen mọi người mê đọc sách đòi hỏi phải có một cuộc vận động lớn chẳng hạn như phát động một ngày toàn dân đọc sách. Hàng năm cứ ngày này, trên toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Sẽ diễn ra hàng loạt hoạt động tôn vinh văn hóa đọc như đọc sách, giới thiệu sách hay, tổ chức các cuộc thi kể chuyện sách, tặng sách, trao đổi sách, trao giải thưởng sách hay cho tác giả, dịch giả, Nhà xuất bản; tổ chức các xe sách thư viện lưu động phục vụ và con đọc sách miễn phí hoặc bán sách giảm giá…
Hiện nay thế giới đã có ngày 23/4 là ngày thế giới đọc sách, thế thì Việt Nam tại sao lại không có ngày “toàn dân Việt đọc sách “nhỉ” .
5. Hội Chợ sách hàng năm hoặc định kỳ 2 năm một lần như thành phố Hồ Chí MInh đã tổ chức thời gian qua có tác dụng kích thích thị hiếu và nhu cần người đọc. Sau 5 kỳ Hội sách cần khai thác kinh nghiệm tổ chức để nâng tầm Hội Sách về qui mô lẫn chất lượng. Thay vì chủ đề chung chung như “Tri thức, Hội nhập, Phát triển”, có thể thay bằng những đề tài đinh, đề tài trung tâm của từng kỳ Hội sách như “Sách cho thế giới trẻ thơ”; “Sách cho phái đẹp”, “Sách cho những người đang yêu”; “Sách cho doanh nhân”… Ngoài ra cũng cần nghiên cức các loại hình Hội Chợ sách BigSale,Hội Chợ sách cũ, Hội Chợ sách “Sách đổi sách”, “Hội Chợ sách ASEAN”,Hội Chợ sách Quốc tế…