Các nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI tại nhóm nước hoặc khu vực

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 31)

- FDI bắt nguồn từ sự không hoàn hảo của thị trường;

1.5.1.Các nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI tại nhóm nước hoặc khu vực

nước hoặc khu vực

Ở phương diện chung, Moosa and Cardak (2003) đã sử dụng phương pháp EBA (Extreme Bounds Analysis) của Leamer (1983a; 1985) để thực hiện nghiên cứu các yếu tố quyết định vị trí FDI từ nguồn dữ liệu thống kê của 140 quốc gia trong giai đoạn 1998-2000. Kết quả nghiên cứu cho thấy FDI bị quyết định bởi 2 yếu tố: tỷ lệ xuất khẩu trên GDP, đường dây điện thoại của 1000 người dân.

Năm 2008, Bellak et al. đã phân tích sự phù hợp của chính sách công trong thu hút FDI dựa trên mẫu nghiên cứu gồm 11 quốc gia (Hoa Kỳ, 6 nước thành viên cũ của EU và 4 nước Trung và Đông Âu - các nước thành viên mới của EU) và 10 ngành công nghiệp trong khoảng thời gian 10 năm (1995-2004). Kết quả phân tích cho thấy các yếu tố liên quan như: kết quả thu hút FDI năm trước, quy mô thị trường (thu nhập bình quân đầu người), trình độ công nghệ (chi phí công cho Đầu tư và Phát triển), cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (tổng số thuê bao điện thoại và internet/1000 người) có dấu hiệu tác động tốt trong thu hút FDI. Trong khi đó, thuế suất doanh nghiệp cao, rào cản FDI, chi phí lao động và bồi thường thiệt hại cho người lao động cao lại là rào cản đối với dòng vốn FDI. Nghiên cứu này còn cho thấy các biện pháp chính sách tác động không giống nhau trong các ngành công nghiệp và các quốc gia khác nhau.

Các nền kinh tế chuyển đổi

Trong hơn hai thập kỷ qua cả thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài từ Châu Âu và Châu Mỹ vào các nền kinh tế chuyển

đổi thuộc khu vực Trung và Đông Âu (CEECs). Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi quá trình hội nhập của CEECs vào Liên minh Châu Âu (EU), loại bỏ các rào cản đối với FDI và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trong các nền kinh tế này. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được xem là chất “xúc tác” có thể mang lại không chỉ nguồn vốn cho đầu tư phát triển mà còn là công nghệ cao, và trình độ quản lý cần thiết nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các nền kinh tế chuyển đổi. Với tầm quan trọng của FDI đã dẫn đến có rất nhiều các nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài tại các quốc gia này. Cụ thể, năm 2003 Campos and Kinoshita đã tiến hành nghiên cứu dòng vốn FDI trong 25 nền kinh tế chuyển đổi trong giai đoạn 1990-1998 ở Trung Âu và Liên Xô cũ. Kết quả thống kê cho thấy FDI của khu vực được thu hút bởi thành tựu thu hút FDI của năm trước (FDI_1), tài nguyên thiên nhiên phong phú, chi phí lao động thấp và các quy định pháp luật. Chất lượng kém của bộ máy hành chính được tìm thấy là nguyên nhân cản trở các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài thích các nước chuyển đổi mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại và ít hạn chế hoạt động đầu tư nước ngoài.

Sử dụng mô hình REM (Random Effect Model), Bevan and Estrinb (2004) đã phân tích dòng vốn đầu tư trực tiếp song phương từ 18 nền kinh tế thị trường đến 11 nền kinh tế chuyển đổi thuộc Trung và Đông Âu trong giai đoạn 1994 – 2000. Mô hình phân tích được thực hiện đối với cả dữ liệu hiện tại và dữ liệu quá khứ. Kết quả phân tích cho thấy FDI có tương quan dương với quy mô thị trường của cả nước chủ đầu tư và nước thu hút, nhưng FDI lại có tương quan âm với khoảng cách địa lý giữa các quốc gia và chi phí lao động đơn vị. Đối với kim ngạch nhập khẩu của nước sở tại được xác định có ý nghĩa thống kê đối với dữ liệu quá khứ thay vì dữ liệu hiện tại. Điều thú vị là nguy cơ nước chủ nhà (chất lượng thể chế, luật pháp, chính trị) được chứng minh không phải là yếu tố đáng quan tâm của các nhà đầu tư. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thông báo về gia nhập Liên minh Châu Âu có ảnh hưởng đến thu hút FDI đối với các nước thành viên trong tương lai.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Lansbury et al. (1996) và Holland and Pain (1998) về các yếu tố truyền thống, Carstensen and Toubal (2004) đã sử dụng mô hình

moment tổng quát (GMM) để xác định các yếu tố khuyến khích và cản trở vốn đầu tư nước ngoài từ các nước OECD vào 7 quốc gia chuyển đổi ở Trung và Đông Âu trong giai đoạn 1993-1999. Trong số các biến truyền thống, kết quả phân tích cho thấy thị trường tiềm năng, lợi thế so sánh (ví dụ như chi phí lao động thấp, thuế suất thuế doanh nghiệp thấp và các nguồn lực khai thác) có tác động đến vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, lực lượng lao động có tay nghề cao sẽ giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bởi vì nó rất quan trọng để áp dụng công nghệ sáng tạo trong sản xuất và thích ứng với văn hóa kinh doanh phương Tây. Tuy vậy, biến truyền thống không đủ để giải thích vốn đầu tư nước ngoài vào CEECs, mức độ tư nhân hóa có tác động tốt trong khi đó rủi ro quốc gia chỉ ra rằng sự không chắc chắn của môi trường pháp lý, chính trị, và kinh tế là một yếu tố cản trở đối với FDI. Quan trọng hơn, quyết định đầu tư trong ngắn hạn của các nhà đầu tư lại bị chi phối bởi kết quả thu hút FDI của nước sở tại trong năm trước (FDIt-1).

Các nền kinh tế đang phát triển

Trong nghiên cứu của mình, Kinda (2010) sử dụng dữ liệu từ các cuộc điều tra doanh nghiệp ở 77 nước đang phát triển được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới trong thời gian 2000-2006 để kiểm tra hạn chế của môi trường đầu tư ảnh hưởng đến thu hút FDI như thế nào. Kết quả chỉ ra rằng yếu kém về cơ sở vật chất hạ tầng, tài chính và các vấn đề thể chế không khuyến khích FDI.

Ở một phương diện khác, Busse and Hefeker (2007) nghiên cứu mối liên hệ giữa rủi ro chính trị, chất lượng thể chế và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dựa trên kết quả phân tích từ mẫu dữ liệu của 83 nước đang phát triển trong giai đoạn 1984- 2003, các tác giả nhận định: sự ổn định của chính phủ, xung đột, tham nhũng và căng thẳng sắc tộc, luật pháp và trật tự, trách nhiệm giải trình của chính phủ, và chất lượng của bộ máy nhà nước chính là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tại các quốc gia đang phát triển.

Gần đây, Shahmoradi and Baghbanyan (2011) đã thực hiện nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI vào 25 nước đang phát triển giai đoạn 1990-2007. Theo kết quả phân tích, quy mô thị trường, sự mở cửa nền kinh tế, tính sẵn có của lực lượng lao

động, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, điện thoại di động, internet và công nghệ có tác động thu hút dòng vốn FDI trong các nước đang phát triển.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên hoàn toàn phù hợp vì trên thực tế sự mở cửa kinh tế và tăng cường xuất khẩu sẽ hấp dẫn dòng vốn FDI chảy vào các quốc gia này vì rào cản thương mại thấp hơn sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp FDI có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Tỷ lệ dân số cao có thể là một trở ngại trong phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển vì phải tốn kém chi phí cho các khoản phúc lợi xã hội và chất lượng dân trí kém sẽ dẫn đến sự e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên với quy mô dân số lớn đã làm cho các nước đang phát triển trở thành thị trường “béo bở” cho các công ty đa quốc gia chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ. Dấu hiệu tốt trong kết quả phân tích về cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển chỉ ra rằng phát triển cơ sở hạ tầng với chất lượng tốt sẽ làm tăng năng suất tiềm năng của các khoản đầu tư và do đó kích thích dòng vốn FDI. Cùng với cơ sở hạ tầng yếu tố lao động cũng có ý nghĩa đối với dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển. Chi phí lao động thấp kết hợp với một trình độ tay nghề tương đối là nguồn tài nguyên quan trọng cho các nước này trong thu hút các doanh nghiệp FDI muốn tìm kiếm hiệu quả. Và cuối cùng tác động của vốn ODA lên dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển là đáng kể và tốt. Kết quả cho thấy nguồn vốn ODA là rất quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư bên trong của các nước đang phát triển, cụ thể vốn ODA hỗ trợ đảm bảo sự phát triển của các lĩnh vực xã hội, cơ sở hạ tầng kinh tế, và thúc đẩy hội nhập khu vực và toàn cầu hóa. Ngoài ra, nguồn vốn ODA sẽ là cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của đầu tư toàn cầu, từ đó sẽ xác định và công nhận các tổ chức trung gian, có thể sàng lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển bền vững và khả năng phát triển thương mại.

Khu vực Châu Phi

Theo Dupasquier and Osakwe (2005) và Anyanwu (2007) vốn FDI có thể đóng một vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển các nước thuộc Châu Phi thông qua bổ sung tiết kiệm trong nước, tạo việc làm và tăng trưởng, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, chuyển giao công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, và nâng cao kỹ năng

của nguồn nhân lực địa phương. Tuy nhiên, châu lục này chưa bao giờ là khu vực nhận chủ yếu dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài, so với các khu vực khác trên thế giới thì đây là khu vực nhận được dòng vốn FDI thấp nhất. Cụ thể trung bình trong giai đoạn 1980-1989 khu vực này chỉ thu hút được 2,6% dòng vốn FDI toàn cầu, trong giai đoạn 1990-1999 là 1,9% và trong giai đoạn 2000-2012 là 3,1%. Trong cùng thời kỳ đó, khu vực Châu Á đã nhận được tương ứng dòng vốn FDI là 14,2%, 19,1%, và 25% tổng số dòng vốn toàn cầu. Vậy những yếu tố nào đã thu hút hay cản trở dòng vốn FDI vào Châu Phi?.

Trong nghiên cứu của Asiedu (2006) tại 22 quốc gia thuộc Tiểu vùng Sahara Châu Phi (SSA) trong giai đoạn 1984-2000 cho thấy các nước được ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc có thị trường lớn sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tốt, lực lượng lao động được đào tạo, ổn định kinh tế vĩ mô, mở cửa với FDI, một hệ thống pháp luật hiệu quả, ít tham nhũng và sự ổn định chính trị sẽ thúc đẩy FDI. Kết quả phân tích cũng cho thấy các nước có thị trường nhỏ hoặc các quốc gia thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể thu hút FDI bằng cách tăng cường chính sách thông thoáng hỗ trợ đầu tư, cải thiện cơ cấu tổ chức chính quyền. Ngoài ra hợp tác kinh tế khu vực cũng có thể làm tăng FDI vào khu vực Châu Phi.

Nghiên cứu của Anyanwu (2011) cho thấy có mối quan hệ thuận giữa kích thước thị trường (dân số khu đô thị), sự cởi mở đối với thương mại, mức độ chi tiêu của chính phủ cao, sự gia tăng lượng kiều hối vào Châu Phi, khả năng tích tụ các thị trường trong khu vực đối với dòng vốn FDI tại châu lục này. Tuy nhiên, sự gia tăng phát triển tài chính lại được xác định cản trở dòng vốn FDI. Đặc biệt tài nguyên thiên nhiên sẵn có (nhất là đối với dầu) thu hút rất mạnh FDI vào Châu Phi. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu mới đây của Anyanwu (2012) một lần nữa tiếp tục có ý nghĩa thống kê khi sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại hơn, mô hình moments tổng quát – GMM.

Khu vực Châu Á

Trong hơn 3 thập kỷ qua, cả thể giới đã chứng kiến một bước tiến ngoạn mục của Châu Á trong phát triển kinh tế nói chung cũng như trong thu hút vốn FDI nói riêng.

Tổng số vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Châu Á tăng mạnh từ mức độ trung bình hàng năm là 65,2 tỷ USD trong giai đoạn 1980-2005 lên 357,2 tỷ USD trong giai đoạn 2006-2012. Thị phần của Châu Á trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài chảy vào các nước đang phát triển có xu hướng gia tăng qua các năm và trong năm 2012 Châu Á đạt tỷ trọng là 58,3%. So sánh với toàn cầu, năm 2012 dòng vốn FDI chảy vào Châu Á là trên 30%. Điểm sáng đáng chú ý trong thành công thu hút FDI tại khu vực châu lục này là Trung Quốc, tiếp theo là các nước ASEAN và cuối cùng là Ấn Độ. Trong hai thập kỷ qua Trung Quốc là quốc gia thu hút FDI lớn nhất trong các nước đang phát triển và xếp vị trí thứ 2 trên thế giới, sau Hoa Kỳ trong thu hút FDI. Với những thành tựu đạt được, Châu Á được xem là điểm hấp dẫn cho rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm nhằm tìm hiểu những yếu tố nào quyết định trong thu hút các công ty đa quốc gia đến đây. Tuy nhiên, trong phạm vi tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố quyết định thu hút FDI vào Châu Á, để phục vụ cho mục đích nghiên cứu đối với Việt Nam đề tài chỉ tập trung tài liệu nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI tại khu vực Đông Nam Á.

Sử dụng chuỗi thời gian và dữ liệu bảng trong giai đoạn 1986-2004, Frank and Mei-Chu (2006) xem xét các mối quan hệ nhân quả Granger giữa GDP, xuất khẩu và FDI của 8 quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế hàng đầu thuộc khu vực Đông và các nền kinh tế Đông Nam Á. Kết quả nghiên cứu dữ liệu chuỗi thời gian của từng quốc gia cho thấy quan hệ nhân quả giữa GDP, xuất khẩu và FDI là khác nhau và không có quy tắc chung. Tuy nhiên quan hệ nhân quả giữa 3 biến lại thể hiện mạnh mẽ và tốt hơn đối với dữ liệu bảng. Trong trường hợp này các tác giả đã sử dụng mô hình hiệu ứng tác động cố định (FEM) và hiệu ứng tác động ngẫu nhiên (REM) để kiểm tra quan hệ nhân quả Granger. Kết quả cho thấy chỉ tồn tại tác động một chiều từ FDI lên GDP theo hai hướng trực tiếp và gián tiếp thông qua xuất khẩu, và đồng thời tồn tại quan hệ nhân quả hai chiều giữa xuất khẩu và GDP.

Bên cạnh các yếu tố kinh tế truyền thống (được xây dựng trên nền tảng lý thuyết OIL của Dunning (1993)), Kang and Jiang (2012) đã đưa thêm yếu tố thể chế vào mô hình nghiên cứu. Mục đích của các tác giả nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của các yếu tố

này đến quyết định của các nhà đầu tư Trung Quốc tại 8 nền kinh tế thuộc khu vực Đông và Đông Nam Á. Các phương pháp nghiên cứu khác nhau đã được sử dụng. Hầu hết các yếu tố kinh tế truyền thống giữ nguyên kết quả trong khi đó các biến liên quan đến chất lượng thể chế thì ngược lại. Trong toàn bộ mẫu nghiên cứu chỉ có 3 trong 5 biến liên quan là có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 5%, các biến này bao gồm: tự do kinh tế, ảnh hưởng chính trị, và thương mại song phương.

Trong nghiên cứu gần đây nhất của Hoang (2012), khi phân tích các yếu tố quyết định dòng vốn FDI vào các nước khu vực Đông Nam Á giai đoạn 1991-2009, ngoài các yếu tố như kích thước thị trường, sự mở cửa của nền kinh tế, chất lượng cơ sở hạ tầng, vốn con người thì năng suất lao động, chính sách tỷ giá hối đoái, lãi suất, rủi ro chính trị và chất lượng thể chế cũng ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đáng ngạc nhiên, lao động giá rẻ không hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực vì các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động. Nghiên cứu cũng cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 ảnh hưởng đến số lượng không phải trên chất lượng của dòng vốn FDI trong khu vực.

Bảng 1.3 tóm tắt kết quả của các nghiên cứu thực nghiệm về yếu tố ảnh hưởng thu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào việt nam (Trang 31)