Nội dung chủ yếu của Công ước Berne

Một phần của tài liệu Công ước Berne và việc thực hiện trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam (Trang 30)

Công ước Berne bao gồm 38 điều và 01 phụ lục (6 điều) dành cho các nước đang phát triển. Công ước có những nội dung chính như sau:

- Nguyên tắc bảo hộ. - Tác phẩm được bảo hộ. - Quyền được bảo hộ.

- Thời hạn bảo hộ. - Các quyền tối thiểu.

- Ưu đãi dành cho các nước đang phát triển.

a) Nguyên tắc bảo hộ:

Bao gồm 3 nguyên tắc cơ bản:

- Nguyên tắc đối xử quốc gia: Các tác phẩm xuất phát từ các quốc gia thành viên đều được bảo vệ ngang nhau trong tất cả các nước thành viên. Chính quyền có bổn phận đảm bảo mức bảo hộ tối thiểu theo các quy định của Công ước.

- Bảo hộ đương nhiên: Bản quyền được bảo vệ vô điều kiện và không cần thông qua một thủ tục, hình thức đăng ký nào.

- Nguyên tắc bảo hộ độc lập: Các quyền quy định theo Công ước Berne được thực thi và hưởng độc lập với mọi quyền khác đang được hưởng tại nước xuất xứ tác phẩm.

b) Những tác phẩm được bảo hộ:

- Tất cả các sản phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được biểu hiện dưới bất kỳ hình thức nào và theo phương thức nào. Đó là sách, các bài viết khác, các bài giảng, các bài phát biểu, các bài thuyết giáo và các tác phẩm khác cùng chủng loại, các tác phẩm kịch hay nhạc kịch, các tác phẩm hoạt cảnh hay kịch câm, các bản nhạc có lời hay không có lời, các tác phẩm điện ảnh trong đó có các tác phẩm tương đồng được thể hiện bằng một quy trình tương tự quy trình điện ảnh, các tác phẩm đồ họa, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, bản khắc, thạch bản; các tác phẩm nhiếp ảnh trong đó có các tác phẩm tương đồng được thể hiện bằng một quy trình tương tự quy trình nhiếp ảnh; các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, minh họa, địa đồ, đồ án, phác họa; các tác phẩm thể hiện không gian ba chiều liên quan đến địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học...

- Các tác phẩm dịch, mô phỏng, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học nghệ thuật đều được bảo hộ như các tác phẩm gốc mà không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.

- Các tuyển tập các tác phẩm văn học nghệ thuật, chẳng hạn như các bộ bách khoa từ điển và các hợp tuyển, nhờ phương pháp chọn lọc và kết cấu tư liệu mà tạo thành một sáng tạo trí tuệ, cũng được bảo hộ như một tác phẩm mà không phương hại đến quyền tác giả của các tác phẩm tạo nên các hợp tuyển này.

Công ước không bảo hộ các tin tức thời sự hay sự việc vụn vặt chỉ mang tính chất thông tin báo chí. Ngoài ra, các quốc gia có thể lập quy định riêng hay giới hạn chế độ bảo hộ đối với các văn kiện hành chính, luật pháp, các tác phẩm mỹ thuật, ứng dụng hay các mô hình thiết kế công nghiệp.

c) Đối tượng bảo hộ:

Bao gồm hai loại quyền: Quyền tinh thần và quyền kinh tế.

- Quyền tinh thần (quyền nhân thân): Tác giả có quyền đứng tên tác phẩm của mình kể cả khi đã chuyển nhượng và có quyền phản đối bất cứ sự xuyên tạc, cắt xén hay sửa đổi hoặc những vi phạm khác có đối với tác phẩm có thể làm phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Quyền tinh thần được xác định là quyền được bảo hộ vĩnh viễn trước và sau khi tác giả qua đời, dù các quyền kinh tế đã được chuyển nhượng hay không.

- Quyền kinh tế: Tác giả có tác phẩm văn học nghệ thuật được Công ước Berne bảo hộ có quyền cho phép hay ngăn cấm người khác sử dụng hay phổ biến tác phẩm của mình và được toàn quyền dưới mọi hình thức khai thác: dịch thuật, sao chép, trình diễn và truyền thông công cộng, phát sóng, cải biên, chuyển thể, phân phối, thuê mượn và xuất khẩu sang các nước khác... Tất cả những hình thức khai thác tác phẩm này nếu không được tác giả cho phép bằng văn bản đều vi phạm bản quyền cũng như vi phạm quyền tinh thần của tác giả. Bên cạnh đó, tác giả có quyền hưởng quyền lợi khi bán lại tác phẩm gốc đã chuyển nhượng.

d) Thời gian bảo hộ:

Những tác phẩm đứng tên tác giả có thời gian bảo hộ theo Công ước Berne này sẽ là suốt đời của tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết.

Trong trường hợp đồng tác giả, thời gian bảo hộ là 50 năm sau cái chết của tác giả cuối cùng. Các tác phẩm khuyết danh hay bút danh được bảo hộ 50 năm kể từ khi tác phẩm được phổ cập đến công chúng một cách hợp pháp. Nếu tên thật của tác giả được biết chính xác bên cạnh bút danh hoặc nếu tác giả của tác phẩm khuyết danh lộ diện trong thời gian 50 năm nói trên thì tác phẩm được bảo hộ như đích danh.

Đối với các tác phẩm nhiếp ảnh và các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng coi như tác phẩm nghệ thuật, luật pháp của quốc qia thành viên Liên hiệp có thẩm quyền quy định thời hạn bảo hộ nhưng thời gian bảo hộ này có thể ngắn hơn, ít nhất là 25 năm kể từ khi tác phẩm được thực hiện.

Ngoài thời gian bảo hộ của theo quy định của Công ước Berne thì các nước thành viên có thể ấn định thời gian dài hơn. Chẳng hạn, các nước thành viên Liên minh châu Âu quy định thời gian bảo hộ tác phẩm sau khi tác giả qua đời là 70 năm. Quy định này được phổ biến từ ngày 01 tháng 7 năm 1995.

e) Các quyền tối thiểu:

Ngoài các quy định chung bắt buộc để bảo hộ tác phẩm thì Công ước Berne vẫn dành một số điều quy định không tuyệt đối nhằm tạo sự sử dụng thông thoáng giữa quyền lợi của tác giả và nhu cầu của người sử dụng tác phẩm. Đó là những trích dẫn rút từ một tác phẩm đã được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp mà không cần xin phép người giữ bản quyền và không phải trả phí tác quyền, miễn là sự trích dẫn đó phù hợp với những thông lệ đúng đắn và không vượt quá mục đích trích dẫn, kể cả những trích dẫn các bài báo và tập san định kỳ dưới mọi hình thức điểm báo. Hình thức trích dẫn hay minh họa, sự dụng cho việc nghiên cứu, giảng dạy hoặc thông tin đại chúng phải ghi rõ tên tác giả, nguồn gốc và xuất xứ theo một số điều kiện nhất định.

Bên cạnh đó, luật pháp quốc gia thành viên Liên hiệp có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp sử dụng phi tự nguyện (non-voluntary licence) để một tác phẩm có thể được khai thác mà không cần đến sự đồng ý của người giữ bản quyền nhưng phải trả phí tác quyền. Chẳng hạn cho phép in lại trên báo chí, phát sóng truyền hình, phát thanh những tác phẩm là bài báo có tính chất thời sự về kinh tế, chính trị hay tôn giáo mà chúng đã được đăng tải trên các báo chí hoặc tập san, hoặc các tác phẩm đã phát sóng có tính chất tương tự. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn phải ghi rõ nguồn gốc tác phẩm.

Luật quốc gia thành viên Liên hiệp có thẩm quyền quy định có thể sao in và phổ cập những tác phẩm văn học nghệ thuật nghe nhìn dưới hình thức nhiếp ảnh, điện ảnh, phát sóng hay phát thanh để phục vụ cho mục đích thông tin với mức độ sử dụng thông tin đã được thống nhất. Điều này đang được thảo luận lại vì đã có những phương tiện hiện đại kết hợp việc bảo vệ tác quyền và nhu cầu phổ biến rộng rãi tác phẩm.

f) Ưu đãi dành cho các quốc gia đang phát triển:

Những nước được coi là nước đang phát triển theo quy định của Đại hội đồng Liên hợp quốc nếu vì tình hình kinh tế cũng như các nhu cầu khác về xã hội của mình chưa đủ khả năng ngay lập tức đảm bảo thực hiện tất cả các quyền quy định trong Công ước Berne thì theo Điều 2 và Điều 3 của Phụ lục của Công ước, công dân các nước này có thể đương nhiên được cấp giấy phép để dịch hoặc sao chép các tác phẩm được bảo hộ cho mục đích nghiên cứu, giáo dục. Để đạt được mục đích trên thì khi phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước Berne hoặc vào một thời điểm sau đó phải gửi kèm theo một số văn bản tuyên bố yêu cầu được tuân thủ những quy định ở Điều 2 hoặc Điều 3 hoặc cả hai điều đó.

Theo thủ tục quy định những điều khoản đặc biệt dành cho các nước đang phát triển thì khi ký văn kiện gia nhập Công ước Berne, Việt Nam cũng đã gửi kèm tuyên bố yêu cầu được áp dụng hai Điều 2 và Điều 3 trong bản Phụ lục của Công ước.

Một phần của tài liệu Công ước Berne và việc thực hiện trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)