Vận dụng triệt để phương châm tiêu nước truyền thống

Một phần của tài liệu Cơ sở khoa học đề xuất giải pháp nâng cấp hệ thống tiêu trạm bơm yên lệnh (Trang 68)

Vận dụng phương châm tiêu nước truyền thống là chôn nước, rải nước, tháo nước có kế hoạch vào điều kiện cụ thể của lưu vực Yên Lệnh như sau:

3.1.3.1. Chôn nước

Phương châm chôn nước thể hiện ở những giải pháp sau đây:

1. Nghiên cứu lợi dụng khả năng trữ nước của các kênh mương, ao hồ để trữ lại lượng nước nhất định trong những ngày tiêu nước căng thẳng làm giảm nhẹ hệ số tiêu.

2. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất áp dụng cho những vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập, cho hiệu quả khai thác kém hoặc cải tạo các ao hồ gần khu đầu mối các trạm bơm Yên Lệnh và Bảy Cửa thành hồ điều hòa để điều tiết nước tiêu và cải thiện môi trường.

3. Lợi dụng khả năng chịu ngập của cây lúa để trữ thêm lượng nước cần tiêu trong ruộng lúa tại các thời điểm tiêu nước căng thẳng, trong một khoảng thời gian ngập phù hợp để không làm giảm năng suất lúa bằng cách xây dựng thêm các cống điều tiết nước đầu kênh cấp dưới để điều tiết nước chủ động.

3.1.3.2. Rải nước

Phương châm rải nước là nước ở vùng nào tiêu cho vùng ấy, cao tiêu cao, thấp tiêu thấp, không cho phép nước từ ô ruộng cao đổ trực tiếp xuống khu ruộng thấp, mà phải qua hệ thống kênh mương và công trình chuyển nước đến công trình đầu mối. Phân vùng tiêu hợp lý là một trong những giải pháp thực hiện phương châm tiêu nước này.

Rà soát, đánh giá lại thực trạng phân vùng tiêu trên lưu vực Yên Lênh xem có phù hợp với phương châm tiêu nước không, để từ đó đưa ra được các biện pháp điều chỉnh vùng tiêu phù hợp với điều kiện tự nhiên và nâng cao hiệu quả tiêu nước trên lưu vực.

3.1.3.3. Tháo nước có kế hoạch

Đây là biện pháp quản lý điều hành để thực hiện tốt phương châm chôn nước và rải nước. Dưới đây là một số nguyên tắc thực hiện phương châm tiêu nước này:

1. Nghiên cứu xây dựng quy trình tiêu nước đệm cho lưu vực. Căn cứ vào dự báo thời tiết trên lưu vực sẽ có trận mưa gây úng, có tần suất xuất hiện bằng hoặc nhỏ hơn tần suất thiết kế có thể chủ động tiêu nước trong các ao hồ, kênh mương xuống tới mực nước thấp nhất cho phép để tăng khả năng trữ nước.

2. Lượng nước cần tiêu được trữ lại trong các hồ điều hòa hoặc trên ruộng lúa được tháo dần vào các ngày ít mưa hoặc có yêu cầu tiêu nước không căng thẳng. Cần xây dựng quy trình vận hành tháo nước từ các khu trữ này về công trình đầu mối, sao cho hệ số tiêu được điều hòa, máy bơm vận hành ở vùng có hiệu suất cao nhất.

3. Xây dựng quy trình vận hành hợp lý hệ thống các trạm bơm tiêu đầu mối Yên Lệnh và Bảy Cửa:

Các trạm bơm tiêu đầu mối bao gồm:

- Tiêu ra sông Hồng: Trạm bơm Yên Lệnh đã có và trạm bơm Yên Lệnh II (sẽ đề xuất xây dựng trong luận văn này), gọi chung là cụm trạm bơm Yên Lệnh;

- Tiêu ra sông Châu Giang: có 2 trạm bơm Bảy Cửa 1 và Bảy Cửa 3 đã có và có thể có thêm trạm bơm Bảy Cửa mới ( là một trong các phương án đề xuất của luận văn này), gọi chung là cụm trạm bơm Bảy Cửa.

Như đã nêu ở phần sơ đồ tiêu nước, các trạm bơm Yên Lệnh và các trạm bơm Bảy Cửa tiêu chung một lưu vực, lấy kênh A4-13 làm trục tiêu chính. Tùy thuộc vào đặc điểm của từng trận mưa gây úng (tổng lượng mưa, cường độ mưa, thời gian mưa) và yêu cầu tiêu nước của lưu vực, để từ đó có thể chỉ cần tiêu tự chảy ra sông Châu Giang qua cống A4-13 hoặc vận hành một trong hai cụm trạm bơm, hoặc cả hai cụm Yên Lệnh và Bảy Cửa cùng vận hành tiêu nước.

Việc xây dựng quy trình vận hành tiêu nước hợp lý của các trạm bơm này là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả tiêu úng.

Một phần của tài liệu Cơ sở khoa học đề xuất giải pháp nâng cấp hệ thống tiêu trạm bơm yên lệnh (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)