Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX làn sóng cải tổ, đổi mới diễn ra mạnh mẽ trong các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Đất nước ta cũng nằm trong quá trình đó. Đổi mới là một công cuộc có tính lịch sử diễn ra trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đổi mới có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là những thay đổi lớn của thực tiễn đất nước và thế giới có liên quan trực tiếp đến phương thức xây dựng xã hội chủ nghĩa, tình hình đó yêu cầu phải thay đổi quan niệm về chủ nghĩa xã hội và phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nguyên nhân chủ quan là chúng ta đã nhận ra những sai lầm, những bất cập của cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội về cả lý luận và thực tiễn, những sai lầm dẫn tới khủng hoảng xã hội - kinh tế. Những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên đây đòi hỏi và thúc đẩy chúng ta đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội, về con đường và phương pháp đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc đổi mới mà chúng ta đang tiến hành là một công cuộc lâu dài, với tính chất rộng lớn, sâu sắc, phức tạp. Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhận định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” [13; 69]. Như vậy, đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có kết quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.
Kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tuyệt nhiên không phải là Đảng chấm dứt đổi mới để quay lại những quan
niệm cũ mang tính chủ quan về chủ nghĩa xã hội, những phương thức cũ, cơ chế cũ về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trái lại, Đại hội XI chủ trương “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” để thực hiện bằng được mục tiêu cao cả, xây dựng đất nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá được coi là nhiệm vụ trung tâm. Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ấy, cùng với việc từng bước phát triển về chất của lực lượng sản xuất là xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp, trong đó đổi mới quan niệm về sở hữu nói chung, về chế độ và hình thức sở hữu, về thành phần kinh tế nói riêng là bước đột phá hết sức quan trọng, góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo của toàn bộ nền kinh tế đất nước. Thực ra, quan niệm đổi mới về sở hữu và các thành phần kinh tế đã được mạnh nha từ Đại hội VI (1986) và được tiếp tục tại Đại hội VII (1991), Đại hội VIII (1996) và đặc biệt là Đại hội IX (2001) đã nêu lên một nhận thức mới về vấn đề sở hữu khi khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc và từ các hình thức sở hữu cơ bản: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân hình thành nhiều thành phần kinh tế với những hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng, đan xen, hỗn hợp. Thực tiễn cuộc sống đã chứng minh, chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế với nhiều hình thức sở hữu là hoàn toàn đúng đắn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, phiển các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Có thể nhận thấy rằng, mặc dù đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực thì kinh tế thị trường, do tác động của quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, nó vẫn không thể loại trừ những mặt tiêu cực. Lợi ích trong nền kinh tế thị
trường rất dễ thúc đẩy con người ta thực hiện các hoạt động theo những cách thức trái ngược với luân lý, đi ngược lại với các chuẩn mực, những giá trị mà mọi xã hội đều tôn trọng. Nói về tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với ý thức cộng đồng, C.Mác trong tác phẩm để đời của mình đã dẫn lại lời của nhà kinh tế học T.J.Dunning rằng, “Tư bản sợ không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận quá ít, cũng như giới tự nhiên sợ chân không. Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên; được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo; được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người; được 300% thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ” [46;1056].
Đặc biệt, những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đối với ý thức xã hội được biểu hiện khá rõ ở một nước mà nền kinh tế thị trường đang còn trong quá trình hình thành, khi mà đang thiếu pháp luật hay pháp luật đang mới dần hoàn chỉnh như ở nước ta. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng trong nước đã tỏ ra vô cùng lo lắng, lúng túng vì không biết lựa chọn thế nào để có được những thực phẩm an toàn. Thịt, cá có thuốc tăng trọng, rau quả thì tồn dư hoá chất độc hại, sữa - nguồn dinh dưỡng chính của trẻ lại sợ nhiễm melamine, nước giải khát có phẩm màu công nghiệp. Thậm chí thực phẩm ngoại nhập cũng có thông tin về một số loại không an toàn; đặc biệt là các sản phẩm có người gốc từ Trung Quốc. Trong khi thực phẩm có chứa chất độc hại lan tràn khắp nơi thì có chế quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn trong tình trạng lùng bùng, lỏng lẻo. Một sai phạm khi cần truy tố thì nó lại liên quan tới hàng chục bộ, ngành. Kết quả, chỉ có người tiêu dùng phải chịu trận. Như vậy, chỉ vì một chút lợi nhuận mà người ta đã bất chấp tất cả, kể cả việc làm đó có gây nguy hại đến tính mạng và sức khoẻ của cộng đồng.
Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước, chúng ta đã tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hoá, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại
thế giới (WTO). Một điều không thể phủ nhận là toàn cầu hóa tạo nên khả năng phát triển rút ngắn, mang lại những nguồn lực rất quan trọng, cần thiết cho các nước đang phát triển từ các nguồn vốn vật chất đến các nguồn tri thức và kinh nghiệm, cả về chiến lược lâu dài, về tổ chức và cả ở tầm vĩ mô của một quốc gia và tầm vi mô của từng doanh nghiệp và cá thể. Toàn cầu hoá còn góp phần thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa các dân tộc, kích thích các luồng và các dạng giao lưu. Nhờ quá trình toàn cầu hoá mà dân tộc ta hiểu biết hơn các dân tộc khác trên thế giới, có điều kiện bổ sung, làm giàu nền văn hoá của mình trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các chuẩn mực, giá trị của các cộng đồng khác trên thế giới.
Đối với cuộc sống con người, nhà nghiên cứu kinh tế, văn hoá - nổi tiếng Tyler Cowen đã thừa nhận thế giới toàn cầu hoá đang tích cực tạo ra sự tiêu dùng đa dạng nhất trong lịch sử khi mọi yếu tố hưởng thụ đều nằm trong tầm kiểm soát và khả năng lựa chọn của con người. Ông mô tả bằng hình tượng khá thú vị: “Một người Mỹ hiện nay có thể uống rượu vang Pháp, nghe nhạc Betthoven qua thiết bị âm thanh của Nhật và dùng internet để mua thảm Ba Tư từ một cửa hàng ở Luân Đôn” [33; 23], cho thấy cuộc sống của con người ngày càng được cải thiện và phong phú.
Tuy nhiên, Bên cạnh những điều kỳ diệu mà toàn cầu hoá mang lại cho con người, toàn cầu hoá cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Toàn cầu hóa làm tăng thêm sự bất công xã hội, khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo trong từng nước và giữa các nước. Trong một báo cáo mới đây của UNDP đã khẳng định các thế lực của quá trình toàn cầu hóa đã mang lại sự giàu có vô độ cho những người biết tận dụng lợi thế của các luồng hàng hóa, dịch vụ đang tràn qua các đường biên giới quốc gia trong khi đa số dân chúng bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Xét theo nhiều khía cạnh, dân chúng ở gần 100 quốc gia trên thế giới đã có mức sống thấp hơn so với nhiều năm trước đây. Khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày
càng lớn. Các nước công nghiệp phát triển với khoảng 1,2 tỷ người chiếm 1/5 dân số thế giới hiện đang chiếm tới 85% GDP toàn cầu, 4/5 thị trường xuất khẩu, 1/3 đầu tư trực tiếp của nước ngoài và 75% số máy điện thoại; trong khi đó các nước nghèo nhất chiếm 1/5 dân số thế giới chỉ tạo ra 1% GDP toàn thế giới. Hiện nay vẫn còn hơn 1 tỷ người nghèo, những người giàu thì chỉ chiếm 20% dân số nhưng lại chiếm hơn 86% chi phí dành cho tiêu dùng trong khi sản xuất thực phẩm cơ bản toàn thế giới đã ở trên mức 110% nhu cầu thì hàng năm trên 30 triệu người vẫn tiếp tục chết đói, hàng triệu người vẫn thiếu ăn. Ví dụ: Người giàu tiêu thụ 45% lượng thịt cá trên thế giới trong khi người nghèo chỉ tiêu thụ 5%, số người sử dụng internet đã tăng lên hàng trăm triệu nhưng mạng thông tin toàn cầu chỉ đa số được dùng nhiều trong các nước công nghiệp phát triển. C. Mác đã nói về ảnh hưởng của phân hoá giàu nghèo đối với tâm lý con người một cách cụ thể như sau: “Một ngôi nhà dù nhỏ đến đâu nhưng chừng nào mà những ngôi nhà xung quanh đều nhỏ như thế thì ngôi nhà đó vẫn thoả mãn được yêu cầu xã hội về một ngôi nhà. Nhưng khi bên cạnh ngôi nhà đó mọc lên một toà lâu đài thì ngôi nhà nhỏ đó trở thành túp lều… và dẫu cho quy mô ngôi nhà đó có tăng lên như thế nào đi chăng nữa cùng với tiến trình của nền văn minh nhưng nếu toà lâu đài bên cạnh lớn lên với một mức độ như thế hoặc một mức độ lớn hơn, thì kẻ ở ngôi nhà tương đối nhỏ sẽ ngày càng cảm thấy khó chịu, càng không thoả mãn, càng cảm thấy ngột ngạt trong bốn bức tường của mình” [40;751].
Như vậy, nếu khoảng cách giàu nghèo doãng ra nhanh quá, những người nghèo bị bần cùng hoá nhanh thì người nghèo sẽ cảm thấy tuyệt vọng, cảm thấy như bị xã hội đối xử không công bằng, cảm thấy ngột ngạt trong sự nghèo khó của mình bên cạnh sự giàu sang thái quá của kẻ khác. Đó là nguồn gốc của sự bất ổn, của những căng thẳng và xung đột xã hội.
Toàn cầu hóa cũng làm cho mọi mặt hoạt động và đời sống của con người thêm kém an toàn, từ kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội cho tới môi
trường đến an toàn chính trị và an toàn của từng con người, từng gia đình, của quốc gia và của hệ thống kinh tế tài chính tiền tệ thế giới. Toàn cầu hóa có phần thu hẹp quyền lực, phạm vi và hiệu quả tác động của các nhà nước dân tộc, làm rung chuyển một nền tảng tích cực quan trọng của đời sống các quốc gia, đặt ra những vấn đề nhạy cảm và gây nên những phản ứng quyết liệt. Mặt khác, về mặt xã hội, toàn cầu hóa cũng tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất độc lập tự chủ quốc gia, nó cũng tạo ra các khả năng quốc tế hóa các hiện tượng tiêu cực như buôn bán ma túy, mại dâm, du nhập lối sống đồi trụy, chủ nghĩa khủng bố, lây truyền các bệnh dịch HIV - AIDS...
Mặt khác, các thế lực thù địch tận dụng toàn cầu hóa và chính sách đối ngoại mở cửa của Việt Nam để thực hiện âm mưu phá hoại văn hóa tư tưởng. Âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm tạo ra tình trạng tự diễn biến về văn hóa - tư tưởng. Thể hiện ở quá trình khuyến khích sự truyền bá phổ biến các giá trị tư sản trong lòng xã hội Việt Nam, lấn át các giá trị ưu việt của xã hội chủ nghĩa và các giá trị văn hóa dân tộc. Tự diễn biến văn hóa - tư tưởng đồng nghĩa với quá trình thúc đẩy các phức tạp xã hội, làm đảo lộn trật tự nhất là các vấn đề nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền. Chính “diễn biến hòa bình” đang tạo ra nguy cơ thẩm thấu gặm nhấm các giá trị văn hóa xã hội chủ nghĩa và bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho người ta quên đi nghĩa vụ, quên đi bản quán, gốc rễ cội nguồn. Bản thân “diễn biến hòa bình” đang tìm mọi cách để tạo ra mâu thuẫn xã hội, làm hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai, làm nhụt chí trong nhân dân, đánh lạc phương hướng.
Như vậy, chúng ta cần nhận thức được rằng, đổi mới toàn diện đất nước là quá trình sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho sự phát triển của đất nước nhưng cũng chứa đựng đầy rẫy những khó khăn, thách thức không thua kém gì thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong cuộc trường chinh ấy, những giá trị
tích cực của tâm lý, ý thức dân tộc luôn là nền móng, gốc rễ để dân tộc ta tiến về phía trước.