Cuộc cạnh tranh thông tin trên mặt báo:

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thông tin trên sách Việt Nam - Tổng quan của báo giới từ lý luận đến thực tiễn (Trang 28)

Một thực tế không thể phủ nhận là sự phát triển của Internet đã thay đổi đáng kể thị trường thông tin. Không chỉ vì từ nay, thông tin trở nên dễ tiếp cận hơn, mà còn vì người sử dụng (thông tin) thụ động từ nay đã có thể trở thành đồng sự cho tiến trình thu thập tin tức. Đặc biệt, kể từ khi báo điện tử xuất hiện tại Việt Nam, một cuộc cạnh tranh thông tin đã diễn ra và ngày càng khốc liệt hơn giữa các loại hình báo chí với nhau, kể cả là giữa các báo điện tử.

Thể loại tin chiếm phần lớn nội dung của các báo điện tử cho nên sự cạnh tranh giữa các báo này trước hết và chủ yếu là cạnh tranh về việc đưa tin nhanh và chất lượng thông tin. Đưa tin nhanh là một lợi thế và cũng là một tiêu chí hàng đầu của các báo điện tử. Những sự kiện thời sự nóng (breaking news) là trận địa nóng bỏng nhất. Để chạy đua đưa tin sớm nhất, trước hết, báo điện tử có thể chỉ chạy một cái tít và một câu mở đầu tin để thông báo sự kiện mới xảy ra. Sau đó họ mới bổ sung dần thông tin, ảnh, các dữ liệu khác. Đối với những sự kiện lớn được công chúng quan tâm đặc biệt, họ còn có thể tường thuật trực tiếp sự kiện bằng hình ảnh (web TV) và bằng chữ để độc giả có thể theo dõi liên tục sự kiện đang diễn ra. Nhưng vấn đề quan trọng đầu tiên là làm thế nào để có được thông tin sớm nhất. Ngoài số lượng phóng viên có hạn của mình theo dõi từng lĩnh vực, các báo chỉ có thể dựa vào mạng lưới đông đảo cộng tác viên và cộng đồng bạn đọc thân thiết gắn bó với tờ báo. Tờ báo nào xây dựng được đội quân này đông đảo hùng mạnh thì càng có nhiều cơ hội tiếp nhận được thông tin nhanh.

Một xu hướng mới của báo điện tử là công chúng tham gia ngày càng nhiều vào nội dung tờ báo. Trong rất nhiều trường hợp, bạn đọc không chỉ thông báo sự kiện cho báo mà họ còn ghi hình chụp ảnh và tường thuật sự kiện. Chẳng hạn như trong thảm hoạ sóng thần ở châu Á tháng 12-2004, nhiều khách du lịch châu Âu đã viết nhật ký trực tuyến (blog) tường thuật sự kiện và chụp ảnh, quay nhiều hình ảnh đưa lên mạng Internet, sau đó được các báo sử dụng lại. Hay thời gian gần đây, những vụ việc "nóng" tại Việt Nam như: sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, giải vô địch bóng đá châu Á tổ chức tại 4 nước Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), lụt lội lịch sử tại Hà Nội... cũng đã thật sự tạo những cuộc cạnh tranh thông tin trên mặt báo, giữa các loại hình báo chí với nhau.

Một trong những thị trường báo chí hiện nay có sự cạnh tranh khốc liệt nhất chính là các loại báo chí chuyên về thể thao. Điểm sơ qua cũng có thể thấy số đầu báo thể thao hiện chiếm số lượng khá lớn. Đó là: Bóng Đá, Sài Gòn giải phóng thể thao, Thể thao TP Hồ Chí Minh, Thể thao & Văn hóa, Thể thao Việt Nam, Thể thao 24h, Thể thao hàng ngày, Thanh niên Thể thao... Cuộc cạnh tranh thông tin giữa các tờ báo thể thao là điển hình cho cạnh tranh thông tin trên báo chí Việt Nam hiện nay. Có thể thấy điều này khi phóng viên tác nghiệp trong các sự kiện lớn chẳng hạn như SEA Games, Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) thì... chuyện “cài virus” hay còn gọi bằng cái từ khác: “bỏ bom” thường diễn ra. SEA Games 22 diễn ra trên đất nước mình nhưng cũng có nhà báo "việt vị" vì... bị đồng nghiệp “bỏ bom”. Trong một đại hội thể thao, cùng một lúc, nhiều sự kiện diễn ra trên 2 địa bàn lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh. Các môn thi đấu nhiều và các nội dung thi đấu diễn ra song song. Một tờ báo không thể rải đều hết các phóng viên thể thao cho trên 30 môn. Mỗi môn có một số nội dung khác nhau (như các hạng cân của quyền Anh, các giải đơn, đôi và nam nữ trong môn

quần vợt, bóng bàn…). Vậy là những hợp đồng chia sẻ thông tin của các phóng viên ra đời, mà đó thường là hợp đồng miệng. Nhưng thực tế là nhiều phóng viên có thể chia sẻ những tấm hình và những tư liệu ghi chép để đánh rộng trên nhiều mặt trận.

Ngoài ra, mối quan tâm của từng báo, từng phóng viên có khác nhau. Báo Bóng Đá chắc không quan tâm đến môn thể thao bi sắt hay thể hình. Báo

Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh luôn tìm góc nhìn lạ ở nhiều nội dung thi đấu. Báo

Thanh Niên luôn “canh” điểm thi đấu nào Việt Nam sẽ có huy chương trong ngày hôm đó. Ít nhất cũng được tấm hình. Báo địa phương thì tìm chỗ nào có vận động viên tỉnh mình tham gia... chẳng hạn. Giữa một biển sự kiện ngồn ngộn và liên tục thay đổi ấy, nhà báo phải nhanh mắt, nhanh tay nắm bắt đầy đủ, chính xác, chọn lựa thông minh và chuyển tin về nhanh nhất. Vậy nên đã xảy ra tình trạng nhiều phóng viên “ăn theo”: ngồi một chỗ ở khách sạn, nghe ngóng đồng nghiệp và "xào" nhanh tin tức gửi về. Cuộc cạnh tranh thông tin trên báo chí đang diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết.

Ngày nay lại có một thực tế khác, nhiều người thích nắm tin tức không qua những "nguồn truyền thống" (như báo chí, truyền hình), mà qua các nhật ký điện tử (blog). Vì sao? Vì tác giả các blog này trung thực hơn, họ đưa thông tin không lệ thuộc vào quan điểm hay cái nhìn của chủ nhân ấn bản đang theo đuổi một đường lối, chính sách nào đó. Thứ hai: phương pháp truyền đạt thông tin này dễ tiếp cận với tất cả. Cuối cùng, người đọc có thể tự chọn lựa sẽ đọc hay xem thông tin nào thay vì bị quy định bởi một ấn bản hay hãng tin nào đó.

Nhưng trong cuộc ganh đua thời buổi ngày nay giữa nhà báo chuyên nghiệp với nhà báo nghiệp dư, chưa biết chắc đến cuối hiệp rồi ai sẽ là người chiến thắng. Bởi ngày càng xuất hiện trên báo, đài nhiều tên tuổi không chuyên sáng giá. Những người viết báo chưa được cấp (hoặc không có nhu

cầu) thẻ nhà báo này viết nhiều, viết hay, viết khá thường xuyên. Họ đề cập hết sức sắc sảo, lý giải đầy sức thuyết phục các vấn đề trọng đại của đất nước hoặc đang nóng bỏng trong xã hội, thậm chí chuyện làm ăn đời thường. Những nhà báo này được gọi dưới một thuật ngữ mới "nhà báo công dân".

Sự xuất hiện ngày càng đông các nhà báo không chuyên là biểu hiện rất đáng mừng của đất nước trên đà phát triển. Đó là dấu hiệu mặt bằng dân trí ngày càng cao lên, dân chủ xã hội ngày càng cởi mở, công dân ai cũng có cơ hội tự do biểu đạt ý kiến của mình trong khuôn khổ hiến pháp, đất nước hội nhập, giao lưu ngày càng sâu rộng vào cộng đồng quốc tế.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thông tin trên sách Việt Nam - Tổng quan của báo giới từ lý luận đến thực tiễn (Trang 28)