Cái nhìn toàn cảnh của chủ thể làm sách (Hội đồng tuyển chọn):

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thông tin trên sách Việt Nam - Tổng quan của báo giới từ lý luận đến thực tiễn (Trang 35)

1.1 - Tổng quan của báo giới và những cách thể hiện khác nhau: 1.1.1 - Giải thích thuật ngữ :

Một trong nhiều hạn chế của nền báo chí Việt Nam đó là nghiên cứu khoa học về báo chí còn ít và không thống nhất, dẫn đến hệ quả tất yếu là những thuật ngữ về báo chí đến nay còn thiếu và chưa đầy đủ hoặc mỗi người hiểu theo cách của riêng mình. Gần đây, TS. Phạm Thành Hưng đã xuất bản cuốn "Thuật ngữ Báo chí - Truyền thông", trong đó có một số thuật ngữ theo người viết luận văn là gần giống với khái niệm "Tổng quan của báo giới" - đối tượng nghiên cứu chính của luận văn này.

- Tuyển tập báo chí: (tên tiếng Anh là Digest, Collected Articles) còn được gọi là kỷ yếu báo chí, tức là dạng sách tuyển các bài báo tiêu biểu, xuất sắc, tổ chức theo một chủ đề, theo tên tác giả, hoặc một tờ báo trong một khoảng thời gian nhất định. Bài báo được tuyển có thể là toàn phần hoặc có thể là trích đoạn quan trọng [11, tr. 234].

- Hợp tuyển: (tên tiếng Anh là Anthologie) là tập hợp các tác phẩm hoặc các phần trích tác phẩm tiêu biểu của văn học trong nước hoặc nước ngoài, được xuất bản dưới một tiêu đề chung. Hợp tuyển có thể được tổ chức theo thể loại, giai đoạn, kiểu sáng tác, trào lưu văn chương hoặc theo dân tộc, châu lục... Các hợp tuyển văn học được chọn lọc tổ chức tốt thường nhanh chóng chiếm giữ một vị trí vững chắc trong đời sống văn học với tư cách một

công trình nghiên cứu văn học sử, đồng thời có ý nghĩa như một sự khẳng định và giới thiệu thành tựu sáng tác. Chính vì vậy, vấn đề quan điểm tuyển chọn, thị hiếu người tuyển chọn là vấn đề đặc biệt quan trọng... Hình thức hợp tuyển từ văn học đang dần chuyển sang báo chí [11, tr. 90].

Trong khi đó, với tên gọi "Việt Nam 2004 - Tổng quan của báo giới",

những người biên soạn đã nêu quan điểm: Phản ánh, phân tích, lưu giữ diện mạo và thần khí của đất nước trong một năm đáng nhớ như thế là công việc của người chép sử, với một khoảng lùi chiêm nghiệm cần thiết. Còn người làm báo thường phải viết nóng giữa dòng xoáy của sự kiện, đáp ứng tức thời nhu cầu thông tin của xã hội. Vì thế "tuổi thọ" của sự kiện cũng là "tuổi thọ" của bài báo. Nhưng đã là tác phẩm báo chí thì không hẳn thế. Và những bài báo có giá trị đều mang yếu tố lịch sử, đều là chất liệu quan trọng cho người chép sử. Do đó, một tuyển tập những bài báo nổi bật về những sự kiện quan trọng trên mọi lĩnh vực trong một năm đầy ấn tượng như 2004 là hành trang cần thiết, là món quà độc đáo dành cho bạn đọc cả nước nhân dịp vào năm mới.

Trong khi đó, lời mào đầu của "2007 - Những sự kiện báo chí nổi bật"

của Nxb. Thông Tấn dường như cũng chọn "cách đi" riêng: Để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể về các sự kiện của một năm, tiếp theo cuốn "2006 - Những sự kiện báo chí nổi bật", Nxb. Thông Tấn phát hành cuốn "2007 - Những sự kiện báo chí nổi bật" với nội dung điểm lại những sự kiện nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội... của thế giới và Việt Nam được các hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước phản ánh. [...] Có thể nói, cuốn sách "2007 - Những sự kiện báo chí nổi bật" là nguồn tư liệu phong phú, là cuốn từ điển các sự kiện để bạn đọc tra cứu thông tin. Mỗi năm qua đi đều để lại những giá trị không thể nào quên, những tên tuổi ấn tượng, những bài học cho hậu thế... Thời gian không ngừng trôi, nhưng chắc chắn

những thông tin được ghi nhận trong cuốn sách của chúng tôi sẽ còn mãi với thời gian...

1.1.2 - Reader's Digest - Nét độc đáo của báo chí thế giới:

Trong làng báo chí thế giới, việc ra các tuyển tập báo chí, đặc biệt là theo cách làm của "Việt Nam - Tổng quan của báo giới" không nhiều nhưng xét trên bình diện toàn cầu, tập san Reader's Digest thành công hơn cả. Đây là tập san có số lượng lưu hành lớn nhất thế giới, do vợ chồng cư dân New York (Mỹ) là DeWitt và Lila Bell Wallace thành lập từ năm 1922.

"Reader's Digest có bài vở gồm những bài viết cô đọng từ những sách báo khác và đã trở nên rất phổ thông với số độc giả khoảng 40 triệu người. Mặc dù số lượng phát hành có giảm trong những năm gần đây nhưng theo Cục kiểm toán số lượng phát hành Hoa Kỳ (The Audit Bureau of Circulation), Reader's Digest vẫn là tạp chí thương mại bán chạy nhất ở Mỹ, với lượng phát hành hơn 10 triệu bản tại Mỹ theo ước tính của Mediamark Research (MRI). Cũng theo MRI, Reader's Digest có lượng độc giả với thu nhập 100.000 USD/năm nhiều hơn cả Fortune, The Wall Street JournalBusiness Week

cộng lại. Các ấn bản toàn cầu của Reader's Digest có thêm một lượng độc giả khoảng 40 triệu người ở 70 quốc gia, với 50 ấn bản bằng 21 thứ tiếng, bao gồm ấn bản tiếng Tây Ban Nha được gọi là Selecciones" [20].Trước 1975, tại Việt Nam, ấn bản tiếng Pháp của tạp chí này mang tên “Sélections de Reader's Digest” được lưu hành rộng rãi.

Nhà xuất bản tờ Reader’s Digest tại Trung Quốc cho biết, công việc kinh doanh của tạp chí này tại quốc gia đông dân nhất thế giới này không bị ảnh hưởng bởi tình hình tái cơ cấu của trụ sở chính của tạp chí tại Mỹ. Bên cạnh đó, công ty cũng không thay đổi nhân viên, nhà cung cấp và các đối tác. Tháng 4-2009, tờ tạp chí Reader’s Digest với 87 năm tuổi, là tạp chí được yêu thích nhất tại Mỹ, đã phát hành ấn bản mở rộng đầu tiên tại Trung Quốc nhằm

làm phong phú nội dung tạp chí với tranh ảnh và từ ngữ. Chỉ trong 1 tháng, gần 500.000 bản đã được bán ra tại Trung Quốc, trong đó hơn 100.000 bản số đặc biệt đã được bán tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

Thậm chí, Reader's Digest được độc giả toàn cầu xem là tờ báo "dễ chịu" nhất thế giới bởi những ưu thế thực sự “dễ chịu” của nó”: thông tin chính xác, hấp dẫn, thái độ tôn trọng công luận, giá cả phải chăng, mức phổ biến rộng rãi… Đặc biệt, lối hành văn giản dị khiến tờ tạp chí này rất dễ đọc, không đòi hỏi người xem phải có trình độ tiếng Anh cao. Theo kết quả thăm dò, tỷ lệ độc giả cảm thấy thoải mái khi đọc Reader’s Digest tại nhà chiếm 73% (tỷ lệ tương ứng với báo Time là 41,2%, Newsweek - 38,8%, Asiaweek - 37,6%, Far Eastern Economic Review - 29,2%, Yazhou Zhoukan - 43,5%…) [20].

Điều đó cho thấy rằng, nếu có cách làm thích hợp, mô hình "tổng quan báo chí" vẫn có sức hấp dẫn riêng và hoàn toàn có thể mang lại lợi nhuận. Bản thân cách làm Reader's Digest cũng là một mẫu hình tốt để những người xây dựng cuốn "Việt Nam - Tổng quan của báo giới" hy vọng cho sự thành công.

1.1.3 - Những góc nhìn đa chiều của báo chí Việt Nam về cách làm "tổng quan":

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, không một quốc gia, dân tộc, một cộng đồng người, thậm chí một cá nhân nào có thể hoàn toàn đứng riêng lẻ, biệt lập với thế giới xung quanh. Sự phát triển của xã hội hiện đại đã tạo ra những tiền đề quan trọng để các phương tiện thông tin đại chúng mà trong đó cốt lõi là hệ thống báo chí phát triển ngày càng mạnh mẽ. Dòng chảy mạnh mẽ của xu thế ấy đã có những ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của hệ thống thông tin đại chúng thế giới, trong đó có hệ thống báo chí, tạo cho báo chí khả năng phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của mọi người.

Dưới góc độ là những độc giả, khán - thính giả của các phương tiện truyền thông thì nhu cầu được theo dõi lại tin tức, sự kiện, bài báo... nổi bật trong một ngày, một tuần, một tháng, một năm là nhu cầu có thật. Điều này giúp họ có thể nắm bao quát được về tình hình nổi bật của một quãng thời gian nào đó, vì lý do nào đó họ không có điều kiện tiếp cận đầy đủ. Nó càng đặc biệt đúng trong bối cảnh Internet đang xâm nhập vào hầu khắp các gia đình và thế giới là "thế giới phẳng". Ở đó, khái niệm biên giới quốc gia là một điều gì đó mong manh và không còn giá trị như xưa.

Với một hệ thống báo chí đa dạng, đặc biệt phát triển trong lĩnh vực báo, trang tin điện tử, không một cá nhân nào có thể đọc, xem, nghe được hết tất cả nội dung những gì báo chí đã phản ánh. Khởi thủy của những chuyên mục "Điểm báo hàng ngày", "Điểm báo tuần", "Thế giới tuần qua", "Báo chí toàn cảnh", "Bình chọn các sự kiện trong nước, quốc tế, ngành... nổi bật trong năm"... có từ bao giờ hẳn không dễ xác định. Nhưng có thể dám chắc rằng, nó chỉ phát triển mạnh cùng với sự phát triển của đất nước tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện truyền thông nước nhà phát triển. Tuy nhiên, mỗi một cách làm xuất phát từ quan điểm của người tuyển chọn, thời điểm, không gian tuyển chọn nói chung đều có hạn chế nhất định và khó có điều kiện phổ quát nhất cho tình hình phát triển của báo chí nước nhà trong 1 năm. Đặc biệt nữa là việc tuyển chọn của hầu hết các cơ quan báo chí mới chỉ dừng lại ở việc tóm lược những thông tin sự kiện mà không hoặc ít chú ý nhiều đến chất lượng các tác phẩm báo chí được đăng tải. Ngoài ra, còn do hạn chế trong khi tiếp cận với nguồn thông tin của dòng báo chí ngành, báo chí địa phương nên việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí theo các dạng thức trên hầu như bỏ quên lãnh địa này và thường chỉ chú trọng vào các "thương hiệu" báo chí lớn. Ngoài ra, quan điểm của người tuyển chọn cũng có vai trò rất lớn đối với

những tác phẩm được chọn vào Điểm báo hàng ngày", "Điểm báo tuần", "Thế giới tuần qua", "Báo chí toàn cảnh"...

1.2 - "Tổng quan của báo giới" - Một cách làm mới

Báo chí là một phương thức phản ánh hơi thở của cuộc sống nhưng là loại hình khó lưu giữ đầy đủ. Từ trước đến nay, không thiếu những tác phẩm báo chí hay, độc đáo nhưng bị mai một, lãng quên. Vì vậy, có một cuốn sách cung cấp cái nhìn tổng quan của báo giới về hình ảnh, diện mạo đất nước trong một năm là rất bổ ích để chiêm nghiệm về những sự kiện đã qua và đang tác động vào năm mới.

"Về lâu dài, nó còn có ý nghĩa lớn hơn nữa, như một người chép sử, giúp người sau tiếp cận thời gian đã qua bằng ngôn ngữ báo chí, biết được hơi thở của cuộc sống trong quá khứ theo cách sinh động. Báo chí không phải là văn chương mà phải trực tiếp góp phần cải thiện đời sống một cách nhanh nhất, cụ thể nhất" [16]...

Xuất phát từ quan điểm đó "Việt Nam - Tổng quan của báo giới" là một tập hợp có hệ thống và chọn lọc những vấn đề nổi bật trong năm. Mỗi một năm qua đi, Việt Nam và thế giới lại đầy ắp những sự kiện. Cũng khoảng thời gian một năm, nhưng với tốc độ vận hành chóng mặt của thời đại kĩ thuật số, trong bối cảnh toàn cầu hóa nên thông tin và sự kiện dường như được nén chặt trong từng giây ngắn ngủi của thời gian. Từ trong chuỗi thông tin đa chiều, đan xen, dày đặc đó, người ta tìm thấy chân dung của con người và thiên nhiên, trong đó có sáng tạo và hủy diệt, sinh thành và triệt tiêu. Trong mớ hỗn độn và dồn dập của sự kiện và biến thiên của cuộc sống, nhà báo khắp mọi nơi cần mẫn quan sát, nhanh nhạy chộp lấy để vẽ lên một diện mạo Việt Nam và thế giới cực kỳ sinh động. Với niềm đam mê nghề nghiệp và lòng can đảm của người cầm bút, nhà báo đã xây dựng được một bộ lưu trữ thông tin và hình ảnh chân thực.

Có thể khẳng định ngay rằng, "Việt Nam - Tổng quan của báo giới" là một cách làm mới và xuất hiện lần đầu tại Việt Nam. Với mục đích giới thiệu tới độc giả những thông tin tiêu biểu, "Việt Nam - Tổng quan của báo giới" là một tập hợp có hệ thống và chọn lọc những vấn đề nổi bật trong năm, những sự kiện đánh dấu thành công về mọi hoạt động thuộc các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quan hệ đối ngoại... trong quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam. Đó là những tin, bài viết, phóng sự, chuyên đề đã đăng tải trên các báo, được Hội đồng gồm những chuyên gia, những nhà báo có uy tín tuyển chọn.

"Việt Nam - Tổng quan của báo giới" cũng là một cách PR cho không chỉ nền báo chí Việt Nam với độc giả trong, ngoài nước mà còn góp phần PR cho hình ảnh đất nước sau một năm phát triển với nhiều thành tựu cũng như bộn bề trở ngại.

Mặt khác, điểm hấp dẫn của "Việt Nam - Tổng quan của báo giới"

chính bởi đây là cuốn sách nhưng lại được hợp tuyển do tuyển chọn trên cơ sở những bài báo tiêu biểu trong năm. Ban tổ chức cũng không giấu tham vọng thực hiện một hoài bão đã lâu là ra mắt bạn đọc tập niên báo, do một hội đồng gồm các chuyên gia có uy tín trong nhiều lĩnh vực tuyển chọn, với cái tên cũng không giấu tham vọng: "Việt Nam 2004 - Tổng quan của báo giới". Tham vọng vì, nếu được bạn đọc chấp nhận, được xã hội hưởng ứng, sẽ có "Việt Nam 2005", và cứ thế mỗi năm "đến hẹn lại xuất bản" sẽ có một dòng niên báo tại Việt Nam. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Mỗi năm có một đặc thù riêng và cái khó của việc biên tập sách Việt Nam - Tổng quan của báo giới" là cái khó trong sự lựa chọn trước hoạt động phong phú của báo chí nước nhà, để vừa có thể phản ánh trung thực cuộc sống của đất nước, vừa phản ánh hoạt động nghiệp vụ báo chí nhiều màu sắc. Trong khuôn khổ giới hạn của tập sách, mặc dù những người biên tập đã rất

cố gắng nhưng chắc chắn không thể giới thiệu đủ các tác phẩm báo chí tiêu biểu. Nhưng rõ ràng, đây sẽ là "tấm kính chiếu hậu" nho nhỏ đặt bên tay lái của một cỗ xe. Tấm kính đó sẽ giúp chúng ta trên con đường phóng lên phía trước đầy gập ghềnh và khúc khuỷu, khi cần thiết nhìn lại cái vừa qua và cái đã qua để yên lòng đi tiếp...

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thông tin trên sách Việt Nam - Tổng quan của báo giới từ lý luận đến thực tiễn (Trang 35)