6. Kết cấu của luận văn
3.2. Ngôn ngữ thơ
Ngôn ngữ là phương tiện đầu tiên và đặc biệt quan trọng đối với thơ. Không có ngôn ngữ thì sẽ không bao giờ có thơ. Khác với nhạc, khi không có lời (ngôn ngữ) thì nhạc trở thành nhạc không lời, giai điệu của nó vẫn vang lên qua sự biểu diễn của nghệ sỹ để đến với thính giả. Thơ cần ngôn ngữ nhưng là ngôn ngữ đã được chắt lọc, sáng tạo qua sự sàng đãi của nhà thơ. Ngôn ngữ đời sống là gạo còn ngôn ngữ thơ là rượu. Tài năng thơ ca, một phần quan trọng được thể hiện qua việc sử dụng ngôn ngữ thơ của nhà thơ. GS Hà Minh Đức nhận định: “Ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong thơ ca. Đó vừa là tiếng nói chân thực, giàu có của đời sống hiện thực, vừa là tiếng nói bay bổng của trí tưởng tượng kỳ diệu, lại vừa là tiếng nói tình cảm của con tim đang xúc động [18,361].
Mỗi thời kỳ văn học có một hệ thống sử dụng ngôn ngữ khác nhau. Thời trung đại, ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng được đóng khuôn vào hầu hết các tác phẩm thơ ca. “Nó gắn với đặc trưng tư duy hình tượng thời kỳ ấy là “hóa thạch” của đời sống tâm lý, xã hội một thời, là tấm gương phản chiếu gần xa ý thức thẩm mỹ, luận lý, chính trị thời ấy” [103]. Đến thời kỳ thơ Mới đã “căn bản cải tạo thơ trữ tình tiếng Việt, từ câu thơ “điệu ngâm” sang câu thơ “điệu nói”, ngôn ngữ ở thời kỳ này đã gắn với đời sống với
một màu sắc phong phú, không còn những biểu tượng mang tính ràng buộc, tuy nhiên, vẫn còn một số cụm từ được sử dụng khá nhiều và lặp đi lặp lại ở nhiều tác giả như: Đìu hiu, cung cầm nguyệt, tiên Nga… Đến thời chống Pháp, chống Mỹ, thì sự lột xác trong ngôn ngữ là một điều đương nhiên với chủ trương văn nghệ là để phục vụ công nông binh với phương châm khoa học, dân tộc, đại chúng. Với đường lối đúng đắn của Đảng, văn nghệ, trong đó thơ ca góp phần không nhỏ đã đưa ngôn ngữ thơ ca vào đời sống, đẹp tươi, gần gũi với tiền tuyến. Tuy nhiên, vì tất cả phục vụ cho tiền tuyến, nên thơ thời kỳ này mang nhiều khẩu hiệu cổ động phong trào với các tên tuổi lớn: Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm… Những từ mang tính ước lệ, tượng trưng bị loại bỏ mà thay vào đó là ngôn ngữ đời sống. Tuy nhiên, hạn chế là ngôn ngữ thơ đôi lúc mang tính cường điệu, đại ngôn làm cho câu thơ, bài thơ trở thành câu khẩu hiệu cổ động phong trào.
Thơ trẻ hiện nay sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên, thoải mái hơn trong thơ. Các nhà thơ không phải cân nhắc từ ngữ theo một quy chuẩn bất thành văn mà những từ ngữ đời sống được đưa vào thơ là những từ ngữ ở “dạng thô”, sắp đặt theo một trật tự của cảm xúc, không cần theo những quy luật đối âm, thuận vần như thơ của thời kỳ trước.
Trong dòng chảy của thời kỳ đất nước đổi mới, làn sóng Tây hóa ồ ạt du nhập vào Việt Nam cùng với bình quyền, bình đẳng giới đang được đề cao, vì thế ảnh hưởng của nó tới thế hệ trẻ là một điều không thể tránh khỏi. Thơ trẻ, với sức sống sục sôi của nội lực sáng tạo thơ ca đã tạo cho ngôn ngữ thơ có một đời sống thật và gần gũi với nhu cầu hàng ngày. Thơ họ đôi khi như nhật ký, đầy ắp dự định và khát vọng. Ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ nóng bỏng của đời sống.
Ngôn ngữ đời sống được đưa vào thơ trẻ làm cho thơ gần với cuộc đời hơn và cũng hiện đại hơn. Điều này phù hợp với quy luật của sự phát triển
cuộc sống nói chung và thơ nói riêng. Thơ dần dần đi khỏi tháp ngà, không xa lạ với ngôn ngữ mà cộng đồng đang sử dụng.
Trong thơ trẻ đương đại, ngôn ngữ mang tính trực cảm, vụn vặt, chi tiết hóa đời sống, mô tả bản thể cá nhân, đời sống cá nhân. “Đó là thơ khẩu ngữ, đề cao lối nói đời thường, quay lương với ngôn ngữ nghệ thuật, khước từ sự bóng bẩy và bê nguyên những hình ảnh đang xảy ra hằng ngày vào trong văn bản, nhằm giễu nhại xã hội và thách thức giáo điều” [106].
Chúng tôi im lặng xông vào cãi nhau
Hắn gom xách đồ ngủ để lại cho tôi hai trăm đồng rồi hẹn tôi thứ sáu Tuần này sẽ gặp lại khi về nhà bố mẹ
Hắn định cho tôi đối diện với cái áo quần qua tấm gương nhỏ mùi phòng tắm
Bỗng nhiên tôi (một điều gì đó còn lại) nói rằng
Sao hắn là người không có lông lá nào mọc trên thân thể đó Hắn trơn tuột như dòng mỡ chả trôi qua mặt…
(Khóa trái 6625- Nguyễn Thúy Hằng)
Điểm nổi bật của thơ trẻ hiện nay chính là việc các nhà thơ đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ, văn xuôi hoá thơ. Họ đang chứng minh rằng không có địa hạt nào là cấm kỵ của thơ. Đi vào thế giới ngôn từ thơ trẻ không khó khăn gì để tìm những câu thơ kiểu như: “hồ nước thủ dâm”
(Nguyễn Quang Thiều), “ăn hai trái vú em săn chắc” (Nguyễn Hữu Hồng Minh), “đặt cái mông vào sủi bọt” (Nguyễn Thuý Hằng)… Đây cũng là cách các nhà thơ hôm nay phá vỡ những cấm kỵ. Họ dám nói đến mặt khuất tối, đến bản năng, dục vọng… Tuy nhiên, trò chơi này giống như con dao hai lữi. Nếu không có một thông điệp, chỉ dừng lại ở lối dùng chữ và “hành chữ” thì những nhà thơ trẻ dễ rơi vào ngộ nhận. Có tác giả biến ngôn ngữ thơ thành dâm tục:
Thánh địa ẩn dưới mũi, núi lửa chập trên môi Sức mạnh nhiệt đới bò ngược lên đùi
… Sa mạc khép trên mi, núi đồi tạo dáng trên mông Và khẽ rãnh thầm kín, nơi lẩn trốn
tuyệt vời cho những viên đạn
(Nhiệt hứng- Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Nếu như trước đây, lớp đàn anh Nguyễn Quang Thiều từng “bị” phê phán là thơ như “thơ dịch” thì ngày ngày nay thơ trẻ đương đại đi theo lối “thơ dịch” đó như một trào lưu. Bởi ở đó, những nội dung cần nói điều có thể nói được, không bị ép vần, câu chữ ùa theo cảm xúc. Đôi khi thơ của họ như lời nói, lời kể chuyện hằng ngày:
Tôi lao vào đêm với con dao trong tay Lùng sục cái bóng của mình
Chưa tìm ra mà đã vấy máu từ bức tường văn chương lở lói Ngồi bệt xuống bãi cỏ
Tôi khóc cho một người từng khen cái bóng của tôi đẹp hơn chủ nó
(Đêm- Khương Hà)
Ngôn ngữ thơ trẻ đương đại đang thoát khỏi mọi khu vực cậm kỵ, đời hơn, người hơn. Ngôn ngữ là mục đích chứ không còn là công cụ chuyển tải nội dung. Thơ trẻ đang tìm kiếm một vốn ngôn ngữ miêu tả nhục cảm trần tục:
Từ trời Cha, lụa dập dồn theo nhịp ái ấn, lụa đa đoan những đường gân sự sống
Từ đất mẹ, lụa tình tứ quấn lên thành phố, lên những thân thể quên năm tháng
Lúa con gái lũ lượt cánh đồng
Trong sâu thẳm thanh khiết, chúng mình đọng vào nhau quyện siết và dâng mãi khát khao hun đúc đứa con của đỉnh cao trác việt
Mùa những người đàn bà đang bầu thích diễu hành trên nhưng vỉa hè động vàng lá lá
Mùa những người đàn bà muốn mang bầu khiến trái đất cong thêm đêm đêm lạc mãn
(Nơi tận cùng của ngưng đọng- Vi Thùy Linh)
Thơ trẻ sau 1986 không ngần ngại dùng những ngôn ngữ mà một thời được coi là “cấm kỵ”. Những từ như: “Cởi/ quần áo/ nhanh lắm”, “Vén/ miệng/ tụt lời” (Phan Huyền Thư), “động cỡn/ cỡi/ lên/ nhau” (Nguyễn Quốc Chánh), “khỏa thân/ trong chăn” (Vi Thùy Linh), “Tiếng gọi/ lan/ trên/ hai/ bầu vú” (Vi Thùy Linh), “Chó đen/ ngửi/ câu/ đối đỏ/ rồi/ đi ngủ” (Ly Hoàng Ly), “Trời đất/ ơi” (Trần Tiến Dũng), “Giấc mơ/ hình/ chiếc thớt” (Trần Quang Qúy)…
Ngôn ngữ tình dục không đơn thuần biểu hiện phương diện tình dục không thôi. Nó, nói như Kenzaburo Oe (nhà văn Nhật Bản, giải nobel văn học 1994), là “lối ra mở toang”. “Nó không hiện hữu như một thực thể hàm chứa giá trị thẩm mỹ của riêng nó. Nó là một sự phản- hiện- hữu hay nói cách khác là một thành tố của tiểu thuyết có nhiệm vụ dẫn dắt tác phẩm đạt đến hiện hữu khác”. Nghĩa là, nó giống như một phương tiện hữu hiệu đưa con người thâm nhập những miền sâu kín, khuất lấp của đời sống. Bài thơ
“Câu hỏi cuối ngày” của Nguyễn Quang Thiều lặp lại nhiều lần câu hỏi:
“Rằng nếu tôi lấy họ- Tôi sẽ ngủ với họ thế nào”. Câu hỏi ấy “nấc lên”, “nhói lên” khi trước mắt nhân vật trữ tình là “các cô gái đẹp mặc váy cưới xe máy phóng qua”, “các cô gái buôn chuyến đang nghẹo đầu ngủ- tóc tai quần áo sặc mùi cá khô”. Ý nghĩa sâu xa của “câu hỏi cuối ngày” là nỗi buồn của nhà thơ khi anh cảm nhận được khoảng cách thật lớn, sự thiếu vắng mối giao cảm giữa con người với con người trong đời sống hiện đại.
Khai thác ngôn ngữ, hình ảnh tình dục, về một mặt nào đó, có thể xem là một hành động mở rộng quan niệm về chất thơ. Song bất kỳ cái gì thái quá đều dẫn đến chỗ mất đi sự thuyết phục. Một số cây bút dùng những từ ngữ nói về tình dục theo khuynh hướng “cực thực” nhằm tô đậm cảm quan về một thực tại phi lý. Nhưng có phải cứ dùng những từ ngữ tục tữu mà trong đời
sống sinh hoạt, người có ý thức cũng hạn chế dùng, là đạt đựợc hiệu quả nghệ thuật? Đó là điều mà người làm thơ cần phải suy nghĩ thật thấu đáo.
Hiện nay, một thứ ngôn ngữ gây được sự chú ý đang được thể nghiệm tại Việt Nam, đó là trình diện thơ đương đại, đây là một nghệ thuật của chính tác giả đưa ngôn ngữ thơ trực tiếp bằng giọng nói rất riêng và dùng các khả năng hỗ trợ của truyền thông đa phương tiện như âm nhạc, tiếng động, hình ảnh, điệu bộ… cốt sao nhà thơ tạo được hiệu ứng thính giác và thị giác để làm nổi bật thông điệp của ngôn ngữ thơ. Trong trào lưu này có sự tham gia tích cực của các cây bút thơ nữ trẻ như: Ly Hoàng Ly, Vi Thủy Linh, Trương Quế Chi, Thanh Xuân, Nguyệt Phạm…
Dùng ngôn ngữ một cách “tự do” là một biểu hiện của cái mới, nó phá đi những “nghi thức” sử dụng ngôn ngữ đóng khung trong những quy tắc “khăn đóng, áo dài” không hợp với thời đại. “Thơ không thể ngủ vùi trong ngôi nhà từ đường, phải bước xuống, bước xuống liên tục để làm những cuộc thay đổi” [104]. Đó là quy luật cho sự tồn tại của thơ ca mà ngôn ngữ- công cụ đầu tiên- phải là một ngươi lính tiên phong.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ thơ trẻ thời kỳ đổi mới hầu như ít sử dụng ngôn ngữ mang tính khái quát, trừu tượng. Các nhà thơ trẻ thường sử dụng ngôn ngữ cụ thể, mang tính trực cảm cao. Những từ Hán- Việt và những từ mang tính khái quát trừu tượng cao được sử dụng nhiều trong thơ Trung đại, thơ chống Pháp, thơ chống Mỹ. Bởi vì để phù hợp với nội dung tuyên truyền và phục vụ chính trị, cần phải sử dụng thi ngôn mang tính khái quát cao, nếu không dễ trở thành câu thơ mang “điệu nói” bình thường.
Với thơ trẻ giai đoạn đổi mới, tính trong suốt và sáng rõ của ngôn ngữ thơ nhiều khi được cố ý mờ hóa nhằm tạo nên tính đa nghĩa trong thơ. Chính sự đa dạng về tư duy nghệ thuật và giọng điệu đã khiến ngôn ngữ thơ có sự phân hóa, phân cực cả về bề nổi lẫn tầng sâu: bên cạnh thứ ngôn ngữ gần gũi với đời thường là loại ngôn ngữ mờ nhòe, đậm chất tượng
trưng, siêu thực, bên cạnh thứ ngôn ngữ bình dị đời thường là những ngôn ngữ cố tình được chắp vá tạo nên sự lạ hóa.
Thơ giai đoạn này giàu chất tượng trưng. Đây là ngôn ngữ thường gặp trong những nhà thơ có ý hướng cách tân mà tiêu biểu là các cây bút như Lê Đạt, Nguyễn Quang Thiều… Lê Đạt là một trong những cây bút tạo sinh ngữ nghĩa, tĩnh lược từ ngữ tối đa để gia tăng tính biểu đạt của ngôn ngữ và buộc người đọc phải có một “lỗ tai mới” khi đọc thơ. Ngôn ngữ tượng trưng khiến cho nghĩa thơ trở nên mờ nhòe, độ mở của hình tượng thơ được nhân lên. Màu sắc lạ hóa trong ngôn ngữ thơ trở nên nổi bật. Có thể nhận thấy điều đó qua bài thơ “Độc thoại” của Nguyễn Quang Thiều:
Trên cánh đồng mênh mông, cỏ không đặt ra nghi lễ bốn mùa Tôi trở về tìm nơi không có tiếng người, không có bóng cây Bền bỉ hơn sự lặng im, lưỡi cày từ tháng giêng thuở trước Dựng lên những luồng đất của cơn mơ, người lạ đến gieo trồng
Tất nhiên, không phải đến thơ ca giai đoạn này thì ngôn ngữ thơ giàu chất tượng trưng mới xuất hiện. Ngay từ thời Thơ Mới loại ngôn ngữ này đã xuất hiện trong thơ của nhiều nhà thơ như Xuân Diệu, Bích Khê, Đoàn Phú Tứ…Vấn đề nằm ở chỗ, ngôn ngữ giàu chất tượng trưng trong thơ trẻ mang tâm thế của một hành trình văn hóa khác: văn hóa công nghiệp và hậu công nghiệp.
Khi vai trò của ngôn ngữ trong nghệ thuật thơ ca được chú ý nhiều hơn tất yếu sẽ xuất hiện các quan niệm khác nhau. Có người cho rằng văn chương là một trò chơi, có một người khẳng định thơ là một vũ khí, lại có người cho rằng thơ là sự biểu đạt tâm trạng cá nhân một cách riêng tư nhất… ở đây, tôi muốn nói đến hiện tượng nhiều cây bút có ý thức xếp đặt ngữ âm như một trò chơi. Điều đáng chú ý là với những cây bút này, những trò chơi này cần được hiểu như một hình thức biểu đạt thế giới, một quan niệm của chủ thể về nghệ thuật nhân sinh. Những trò chơi ngôn ngữ này
không còn quá mới lạ đối với thơ ca nhân loại. Nhưng ở đây thơ trẻ đã lấy thanh điệu, cấy trúc ngôn bản để như một tiếng nói góp phần tạo nên sự thú vị trong thưởng thức và rộng mở trong tiếp nhận nghệ thuật. Với những cây bút trẻ thơ cần được cảm hơn là dùng để hiểu.
3.3. HÌNH ẢNH THƠ
Trong thơ ca, hình ảnh là một trong những yếu tố quan trọng, là sự khách thể hóa những rung cảm nội tại để cái tôi nhìn nhận chính mình. Hình ảnh trong thơ đòi hỏi sự cảm nhận bằng thị giác, cảm giác, thính giác và trí tưởng tượng. Có thể cụ thể, có thể trừu tượng, có khi chỉ đơn thuần để miêu tả nhưng có khi lại mang sức gợi cao, giàu ám ảnh.
Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau khi nhận xét đánh giá về hình ảnh trong tác phẩm của các cây bút trẻ. Có người cho rằng, các nhà thơ hiện nay quá táo bạo trong việc đưa những hình ảnh vốn được xem là tầm thường, dung tục hoặc phi thơ hay cố tình làm biến dạng, cư xử một cách suồng sã với những cái thi vị trang trọng theo quan niệm thông thường. Có người lại cho rằng, Thơ trẻ đã có những tìm tòi, khám phá thú vị khi đưa những hình ảnh mới lạ vào thơ. Vậy ý kiến nào là đúng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đi vào xem xét các kênh hình ảnh chủ yếu trong thơ trẻ hiện nay.
Trong thơ Trung đại, hình ảnh trong thơ là hình ảnh mang tính ước lệ như: Dặm liễu, bóng trăng, khách má hồng, bụi trường chinh… Có khi là những hình ảnh xa lạ với người Việt, được dùng để diễn tả tâm trạng của chủ thể trữ tình: Rừng phong thu, ngỗng nước nào… Ngoài ra, còn có hình ảnh đặc biệt là những điển tích cố, là những “vật liệu” sẵn có” và khi đưa vào trong thơ người đọc hình dung ra những điển cố, điển tích đó bằng chuỗi hình ảnh.
Thơ ca hiện đại nhìn chung đã “đoạn tuyệt” với lối dùng những hình ảnh có sẵn, trở nên sáo mòn, không phù hợp với thời đại mới có nhiều biến