6. Kết cấu của luận văn
2.2.5. Khám phá thế giới vô thức và tâm linh
Có thể nói, cái tôi khám phá tâm linh cũng được các nhà thơ trẻ sau 1986 đề cập và thể hiện trong thơ. Tâm linh là miền sâu của tâm hồn chứa những vỉa chìm của bóng dáng cuộc đời, không chỉ hiện tại, quá khứ mà cả tương lai. Nó liên hệ với con người thông qua sự linh ứng của một giác quan đặc biệt. Thơ ca chúng ta khám phá những “vùng mờ tâm linh” nhìn chung từ trước đã không nhiều. Chúng ta chỉ gặp những câu thơ nói đến thân phận con người, phận đời, số phận. Đó là phần nổi của tảng băng tâm linh. Có một số câu thơ mang bóng dáng tâm linh đã được thể hiện như:
“Thấy hiu hiu gió thì hay chị về” (Nguyễn Du) hoặc “Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Hàn Mạc Tử). Cái “hiu hiu gió”, “mờ mờ nhân ảnh” là sự cảm nhận được từ một giác quan đặc biệt mà không phải ai cũng có. Có cảm giác đặc biệt và có sự linh ứng nữa mới có khả năng nhận ra hoặc khám phá được tâm linh trong tâm hồn con người.
Xu hướng đi sâu vào những vùng mờ tâm linh đậm chất tượng trưng siêu thực cùng tồn tại khá nhiều trong thơ trẻ. Đây là sự phát triển sâu hơn của nhân thân tiểu vũ trụ, đi sâu vào vũ trụ người, khám phá chiều sâu không cùng của nó bao giờ cũng là một thách thức mới đối với nghệ sĩ. Nỗ lực đào sâu vào cái tôi ẩn giấu, cố gắng phát hiện chiều sâu tâm linh của con người là nét nổi bật của xu hướng này.
Vì sao
Em không quên nổi ánh nhìn gió đông của Anh Vì sao
Em không tin có ngọn phồn linh và lời thiêng “Vừng ơi!” Em không thể nào lý giải!
Thơ là nỗi buồn trường cửu Thơ em mặn…
(Những câu thơ mang vị mặn – Vi Thuỳ Linh)
Kinh Thánh có câu: Người là muối mà không mặn thì sao mặn được cho kẻ khác. Ngụp lặn trong chiều sâu tâm linh, nhà thơ thấy mình như lạc vào thế giới cổ tích, nhưng rồi vẫn không bao giờ tin được lời linh thiêng chỉ dành cho Alibaba để mở núi vàng. Vi Thùy Linh làm bài thơ này vừa 18 tuổi đã tự mình quyết số phận mình: Độc mã, quyết làm những gì mình muốn và tôi không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác. Trụi trần, đơn độc thế vì cô đã dấn mình, như tiên cảm. Thơ, đối với Linh, là nỗi buồn trường cửu, do đó, thơ em mặn.
Thơ trẻ nhắc nhiều đến chiều sâu tâm linh, hay đó chính là nơi họ có thể dễ dàng nhất nhìn nhận ra bản ngã của mình. Định nghĩa rạch ròi hai chữ "tâm linh" là việc rất khó. Nó là cái thế giới huyền bí ít ai có thể cắt
nghĩa hay chiếm lĩnh chỉ bằng lý trí. Nó nằm ở nơi sâu hơn tầng ý thức, vận động không theo những quy luật khả đoán, đã được lý trí khái quát. Thế giới tâm linh là một phương diện của bản thể con người, nó gắn với khát vọng vĩnh cửu của con người muốn vươn tới nắm bắt cái toàn thể, cái tuyệt đối. Thế giới tâm linh, vì vậy vừa mang tính cá nhân, riêng biệt, vừa mang tính phổ quát nhân loại.
Với tư cách là khoa học về con người như định nghĩa của M.Gorky, văn học từ xa xưa đã quan tâm đến việc khám phá mảnh đất đầy bí ẩn của tâm hồn con người. Song phải đến thời hiện đại, nhất là thế kỷ XX, văn học mới thật sự chuyên chú vào việc biểu hiện, nắm bắt những trạng thái tâm linh vô cùng phức tạp mà ý thức của con người chưa kiểm soát được. Xu hướng đó có ý nghĩa như một phản ứng của văn học trước nghịch lý của xã hội hiện đại. Khi chủ nghĩa duy lý nắm lấy sự toàn trị và bảo hiểm cho sự toàn trị ấy bằng những thắng lợi của khoa học kỹ thuật, những tiến bộ trong lĩnh vực sản xuất vật chất thì đồng thời đời sống tinh thần của con người lại bị điều khiển hóa một cách khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Con người bị đánh mất nhiều thứ vốn có của mình, trước hết là đời sống tâm linh.
Văn học hiện đại, nói như Hyppolyte Taine, “tìm tới trái tim, tới những cảm quan của con người”, nhằm mục đích ngăn chặn con người trở nên trống rỗng, xơ cứng như máy móc trong thời đại kỹ thuật cao. Những phát hiện của Freud, Jung, Bergson... về tầm quan trọng, khả năng to lớn của những vô thức, tiềm thức, trực giác đối với đời sống con người đã kích thích văn học nghệ thuật hiện đại dấn thân sâu hơn vào cõi thăm thẳm không cùng của tâm linh con người. Dấu ấn của những triết thuyết ấy đối với văn học sâu sắc đến mức mà có nhà nghiên cứu văn học phương Tây đã nhận định: “Bóng dáng của phân tâm học hiện diện ở hậu cảnh hầu hết những tác phẩm lớn nhất của thời đại này”.
Ở giai đoạn hậu kỳ, khoảng cuối những năm 30 đầu những năm 40, Thơ Mới đã có những dấu hiệu bước vào quỹ đạo của chủ nghĩa tượng trưng. Cùng
với bước chuyển ấy, ý niệm về cái tôi ở một số nhà thơ đã có những đổi khác. Nhóm Xuân Thu Nhã Tập quan niệm về thơ như “một cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ, ở trên triết lý, nó rung động ta theo nhịp điệu vũ trụ, hồn nhiên, nó hòa hợp ta trong cái đẹp và ấp ta trong sự thật”. Nhóm Dạ Đài trong "Tuyên ngôn Tượng Trưng" cũng nhấn mạnh: “Đến hình thức cao nhất, thơ không còn lý luận và cũng không phải tự dinh dưỡng bằng những thi đề rõ rệt. Không cần có những phút mà im lặng rung lên. Vì trong im lặng đã có tất cả... Thơ chỉ cần bắt được cái âm điệu khởi hành của một bài ca nào huyền mặc. Rồi cứ theo những định luật dan díu dị kỳ những hình ảnh sẽ đưa nhau đẩy xô trong một bản khiêu vũ mơ hồ. Rồi cho đến lúc sẽ cùng nhau tắt thở”. Như vậy, đã có một số tác giả chủ trương khai phá vùng vô thức, tiềm thức, nhấn mạnh đến vai trò của chúng trong quá trình sáng tạo thơ. Tuy nhiên quan điểm thẩm mỹ của những nhóm tác giả nói trên chưa được chứng minh một cách thuyết phục bằng sáng tác của họ. Đáng kể hơn là trường hợp của Hàn Mặc Tử. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định bằng kinh nghiệm cá nhân của mình, quan niệm cũng như bút pháp thơ của Hàn Mặc Tử đã chạm đến logic của cái siêu thực. Cảm nhận được tính chất đột phá đó của Hàn Mặc Tử nên trong khi phủ nhận khá cực đoan thành tựu của văn nghệ tiền chiến, Thanh Tâm Tuyền vẫn đặc biệt đề cao sự độc đáo của Hàn Mặc Tử. Và Hoàng Hưng sau này cũng khẳng định ông xứng đáng là thi sĩ mở đầu của thơ hiện đại đúng nghĩa.
Song “cái cõi mênh mông tăm tối mà bước chân cuối cùng của Thơ Mới vừa đặt vào, đã lập tức khép lại khi thời cuộc cần tỉnh táo để tranh đấu”. Đúng vậy, những biến cố quan trọng của lịch sử dân tộc đã khiến các nhà thơ ngừng lại cuộc phiêu lưu của mình. Ba mươi năm chiến tranh không cho phép thơ ca thể nghiệm sâu hơn cái thế giới phi duy lý nằm sâu trong tâm hồn con người. Phải đợi đến sau 1975, sự thức tỉnh ý thức cá nhân sau một thời gian tự nguyện hòa thành một khối với ý thức cộng đồng đã kích thích một số nhà thơ tiếp tục lại cuộc phiêu lưu còn dang dở đó. Hoàng Hưng nhấn mạnh: “Cổ điển là lý trí, lãng mạn là tình cảm, thì hiện
tại là tâm linh”. Chú trọng đến thế giới tâm linh, vô thức trước tiên là một nỗ lực nhằm nhận thức về con người một cách toàn diện hơn. Bản thể con người vốn đa chiều kích, nhiều tầng lớp. Thế giới tâm linh của con người, ngoài phần sáng rõ của ý thức, lý tính có phần mù mờ, bí ẩn mà kinh nghiệm lý trí khó cắt nghĩa được.
Đám mây hành khất Không khóc cùng mặt trời Tôi nằm sấp ướt
Từ ngữ nhập nhằng ma chơi Khi lưỡi nằm ngoan trong miệng Răng ngủ vùi sau môi
Nụ cười chết
Tôi nghe sấm phục sinh rền mặt đất Cơn mưa rào lân tinh
Nấm mộ nở vụt hoa Tử Huyền* Và giấc mơ của lưỡi
Bắt đầu mở nguyên âm
(*Hoa Tử Huyền: dùng chữ của Nguyễn Huy Thiệp) (Giấc mơ của lưỡi – Phan Huyền Thư)
Nếu chỉ xét, hay chỉ thấy một phía của cấu trúc nhân cách con người không thôi thì sẽ là phiến diện, thậm chí thiếu nhân bản. Nhưng quan tâm đến việc miêu tả thế giới tâm linh con người không phải là đặc quyền của các cây bút theo xu hướng hiện đại. Nội dung ấy cũng được biểu hiện trong sáng tác của các cây bút theo những xu hướng khác. Có lẽ nét đặc trưng của các cây bút tiên phong này là ở chỗ họ đề cao việc dựa vào những kinh nghiệm của vô thức, tiềm thức, trực giác trong quá trình sáng tạo, xem đó như là một nhân tố quan trọng dẫn dắt việc tổ chức, kết cấu bài thơ.
Nguyễn Quang Thiều trong tâm thức nhớ về “hương vị tháng Mười”, về một thời “chăn trâu đốt rạ trên cánh đồng sau vụ gặt”, đã có những suy niệm thật kì lạ, như vừa ước muốn của trẻ thơ, được sống lại thời kỳ trong những câu chuyện cổ tích, nó lại vừa là hoài niệm của một thời:
Những ngọn khói trẻ chăn trâu đốt rạ trên cánh đồng sau mùa gặt Thở vào ta hương vị tháng Mười
Sau mỗi gốc rạ khô tiếng gió ngân lên thổi qua những bẹ lá tướp Ta nghe có người nấp sau ở đó gọi ta, và ta đi, ta đi…
…
Khi bóng đêm vụt ra đứng chặn trước mặt ta, ta vội quay lại tìm dấu chân mình
òa khóc.
Ta tin có một mụ phù thủy đã biến ta thành một chú bê
(Tháng Mười - Nguyễn Quang Thiều)
Thơ là sự thăm dò, khai phá không ngừng bản thể con người. Hoàng Hưng viết: “Thơ trước nhất là khả năng ghi nhận chính mình, nhưng cái khó là ghi nhận một cách chân thành, trung thực, không dự kiến, không thiên kiến”. Như thế, để khám phá và biểu hiện chân thực những xung động tâm hồn, nhà thơ không chỉ dừng lại ở việc miêu tả tầng ý thức, dựa vào những kinh nghiệm của lý trí. Sự hoài nghi lý trí bộc lộ khá rõ trong quan điểm nghệ thuật của nhiều nhà thơ. Theo Hoàng Hưng: “Thơ không thể trung thực nếu nó chỉ túm lấy kết quả đã hoàn thành của quá trình vận động ý thức - những tư tưởng, tình cảm minh thị, có mục đích, sau khi đã bị sàng lọc bởi lý trí”. Lê Đạt gửi tới người đọc thơ thông điệp: “Bạn đọc trước khi bước vào bài thơ xin tạm để lại cách đọc tuyến tính thuần duy lý ở ngưỡng cửa như người khách bỏ giày trước khi vào một trà thất Nhật Bản”.
Phủ định sự độc tôn vai trò của ý thức trong quá trình sáng tạo, nhiều nhà thơ nhấn mạnh đến những khả năng to lớn của vô thức, tiềm thức, trực giác.
Trong thơ của Phan Huyền Thư, nếu chỉ đọc riêng lẻ một bài, người đọc chỉ thấy những dòng lạnh lẽo đến vô cảm, bởi vì những câu thơ ấy viết bằng cảm thức của một người đã cáo phó đời mình trong tình yêu, viết bởi trái tim rỗng ngực. ý thức viết về mình không còn, chỉ còn lại những câu chữ trong vô thức và tiềm thức.
Em thở dài
Buốt mùa đông rỗng ngực Buồn xa xa thương cũng xa xa Thoát xác vọt lên trần nhà Nhìn thi thể co ro Góc giường than khóc (Rỗng ngực) Tôi muốn tự mình Lồng ảnh vào khung “Đóng vào không
Tìm nơi treo trang trọng?” Như đã qua đời
(Cáo phó)
Phan Huyền Thư đã trầm mình “chèo thuyền vớt xác trên sông”, cô đơn “nuốt vào những thì thầm/ ghìm nén yếu đuối/ nhếch môi/ Anh ở kia/ ở ngay đây/ khoảng cách ngàn tiếng gọi/ vô thanh” (Bi ca). Đó là những thảng thốt hiện sinh. Nhà thơ mơ thấy mình chết, có những người tình xếp hàng, những kẻ thù yêu, những bạn bè, tất cả tụ về đông đủ để tiễn đưa. Và rồi tác giả trong áo quan cười xúc động “duy một người cả đời tôi đơn phương yêu thầm nhớ trộm là đương nhiên chẳng thấy đâu” (Giấc mơ). Đấy chính là nỗi yêu, nỗi cô đơn, nỗi khát vọng sâu thẳm trong lòng tác giả. Chiều sâu tâm linh tưởng như không thể nào nắm bắt được.
Thanh Thảo, nhà thơ có trường thi pháp khá linh hoạt, nhiều lần đã thể nghiệm khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa, viết: “Thơ hiện đại buộc
tiềm thức, vô thức của ta phải làm việc, buộc ta phải ngụp lặn vào chính giấc mơ của ta”. Kinh nghiệm của giấc mơ cũng được Trần Tiến Dũng đề cao: “Tôi tự nguyện làm một tù nhân của nhịp sống đô thị quay cuồng, đôi khi tôi cũng có may mắn được giấc mơ đón vào chơi trong dòng chảy những hình ảnh vô thức hỗn độn”. Chính khi phải đối mặt với tốc độ vũ bão của cuộc sống hiện đại, theo Ngô Tự Lập, người ta cần thiết phải huy động, thức nhọn trực giác- “những dữ liệu trực cảm của ý thức” (Bergson), để bổ sung cho lý trí nhằm nhận thức thế giới trọn vẹn hơn.
Kinh nghiệm của những trạng thái tinh thần không thuộc phạm vi chi phối của ý thức khiến thơ ca có thể phát lộ những vùng sâu kín của hiện thực, không chỉ dừng lại ở bề mặt biểu hiện của nó. Nói như Nguyễn Hữu Hồng Minh, thơ đưa người ta tiếp cận với “cái thế giới nằm ở ngoại vi thế giới đã được nhận thức”. Thế giới ấy không minh định, rạch ròi, ở đó có sự chập chờn, nhập nhòe giữa hư - thực, sáng - tối, chưa có gì ngã ngũ. Không dễ dàng để nắm bắt cái hiện thực rất tinh vi, nhạy cảm đó. Theo Hoàng Hưng, thế giới ấy thường khải thị khi những chấn động, những bùng vỡ trong nội tâm đạt đến ngưỡng, có thể gọi là "tâm thế" theo cái nghĩa như "điện thế". Khoảnh khắc bất ngờ, vụt lóe sáng đó thực ra là kết quả của sự tích tụ, dồn nén rất nhiều trải nghiệm, ấn tượng trong đời người.
Bò nữa đi… bò nữa đi, hỡi những linh hồn rắn. Nọc độc từng tia phun chói trong bình
Người không uống rượu mà uống từng ký ức Mạch máu căng lên những vệt rắn bò
Đêm vĩ đại chôn vùi trong quán nhỏ Rừng mang mang gọi từng khúc thu vàng Rượu câm nặng chở những linh hồn rắn
Có một kẻ say hát lên bằng nọc độc trong mình
Có thể nhận thấy những phát biểu khẳng định vai trò to lớn của hoạt động vô thức, tiềm thức đối với quá trình sáng tạo trên đây ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của thuyết phân tâm. Phát kiến của các nhà phân tâm học đã chứng minh sự tương hợp của hoạt động vô thức và quá trình sáng tạo nghệ thuật. Freud nêu lên một luận đề nổi tiếng: sự sáng tạo của nhà thơ chính là giấc mơ tỉnh thức. Viết là sự bộc phá, thăng hoa những ẩn ức, ham mê mà trong đời sống người ta buộc phải che đậy, chôn chặt. Cái vô thức điều khiển hành động viết khiến nó không đi theo trật tự duy lý mà vận động theo logic huyễn tưởng điều đó phá vỡ nguyên tắc bắt chước hiện thực từng thống trị văn học qua nhiều thế kỷ. Cùng với Freud, nghiên cứu của nhiều nhà phân tâm học khác cho thấy cơ cấu cực kỳ phức tạp của cái tôi. Cái tôi của mỗi cá thể không phải là cái gì đó nhất quán, ổn định, tự tại. Tầng vô thức của con người cũng không chỉ đơn thuần lưu trữ những dự kiện của đời sống cá nhân, ở đó còn kết đọng những lớp trầm tích văn hóa, kinh nghiệm cộng đồng. Nó được cấu trúc như một ngôn ngữ, theo kiến giải của J. Lacan, thậm chí là một sản phẩm của ngôn ngữ. Những quan điểm của phân tâm học là một nhân tố quan trọng làm thay đổi hệ hình tư duy con người hiện đại. Đến lượt nó, điều ấy lại tác động sâu sắc đến nhiều trào lưu văn học hiện đại và hậu hiện đại.
Sự hoài nghi, khước từ kinh nghiệm lý tính biểu hiện ở một số tác