6. Kết cấu của luận văn
2.2.4. Cái tôi nhiễm cảm xúc bi quan
Cô đơn là một trạng thái tình cảm của con người. Lúc cô đơn là lúc con người buồn bã. Với người nghệ sỹ, cái tôi cô đơn thăng hoa thường sáng tạo những tác phẩm có giá trị. Cô đơn là giây phút của sáng tạo. Nếu các nhà thơ thế hệ trước thường diễn tả nỗi cô đơn bằng một biểu tượng nào đó, hoặc nói một cách xa vời, ý tại ngôn ngoại… thì thế hệ thơ trẻ ăm ắp nỗi cô đơn trong từng trang viết, nỗi cô đơn, buồn bã trực diện và dồn dập. Dường như, đó là một yếu tố không thể thiếu thường song hành cùng đời sống bận rộn và lắm lo toan của họ. Dường như, bên cạnh đời sống ồn ào tấp nập ngoài kia, bao giờ cũng có chỗ cho nỗi cô đơn trống vắng trong góc khuất tâm hồn. Thơ họ là để thể hiện, là giải tỏa nỗi buồn cô đơn ăm ắp cả lý tính và cảm xúc, đôi khi buồn mà không thể cắt nghĩa nỗi buồn ấy.
Một trong những cái tôi cô đơn trong thơ trẻ đương đại là thiếu hụt tình cảm, thiếu vắng sự chia sẻ, nỗi khao khát hoàn thiện bản thân, khao khát tìm được sự đồng điều. Bởi thế chúng ta thấy Nguyễn Đỗ đúc rút thật có lý:
Ngẫm lại đời ta có lúc
Giữa phố xá đông vui cần một tiếng người
(Chiều hạ bên đường- Nguyễn Đỗ) Nỗi cô đơn có khi cụ thể vì“Anh”:
Nỗi cô đơn ập vào sự chịu đựng của em- con đê muốn vỡ Mây như quầng mắt người mất ngủ
Hay vì sao tìm đến nhau buổi sáng Bao giờ anh đến? Bao giờ anh đến?
(Bài ca số phận- Vi Thùy Linh)
“Anh” ở đây vừa cụ thể vừa vô hình. “Anh” là một nỗi khao khát ở thời điểm hiện tại, những cũng là sự mong ước vào tương lai, vì anh vẫn chưa đến. Vẫn là sự mong đời hằng đêm trong đôi mắt quầng thâm mệt mỏi. Chính vì thế nên nỗi cô đơn mới “ập vào sự chịu đựng của em”, ập vào con đê chực vỡ, căng mọng và khát khao tột đỉnh.
Thơ trẻ đương đại thường tìm cho mình một lối thoát sau nỗi cô đơn, nỗi buồn tràn ngập, một tiếng reo vui khi trái tim được giải thoát khỏi những đợi mong, những thổn thức. Nhưng, tiếng nói thơ đương đại khác trước ở chỗ, họ luôn dự cảm mong manh trước niềm vui tạm thời đó. Phía sau niềm vui là nỗi lo lắng mới, thường trực và khó xua tan. Xã hội hiện đại luôn kéo theo nó những bất ổn không dễ gì biết trước được, con người luôn phải đuổi theo nó đến tận cùng:
Nỗi cô độc mọc dại ngút ngàn đường chạy Không hiểu sao lại khóc nhiều đến thế? Không hiểu sao lại buồn nhiều đến thế?
Bởi vì luôn dồn dập tự vấn mình để làm gì, sống có ý nghĩa như thế nào nên cô gái luôn trong tâm trạng của người đi tìm những chân trời mới. Đi tìm rồi lại hoài nghi, lại thất vọng, lại cố tìm một nơi bấu víu, một vòng rào để thoát khỏi lòng yếu đuối, những vòng rào cứ quấn chặt lấy nhau, cô gái tìm đến con đường với hiện sinh cô độc:
Và cái vòng rào lớn nhất ngoài kia
Em vượt thế nào qua nỗi sợ bản thân mình Nói em nghe
Tại sao em phải hiện sinh cô độc?
(Hiện sinh, Trương Quế Chi)
Thơ đương đại, các nhà thơ trẻ viết về những vấn đề đương đại luôn cảm thấy trước mắt mình nhiều ngã rẽ, nhiều nỗi cô đơn, nhiều nỗi buồn. Có một thực tại nghiệt ngã và ngược chiều nhau. Khi cuộc sống càng bận bịu, càng ít thời gian dành cho mình, con người càng cảm thấy cô đơn ngay trong sự bận rộn ấy. Những giờ phút hiếm hoi dành để chăm sóc bản thân mình, cũng là lúc họ cảm thấy bất lực trước các con chữ, trang thơ. Ngổn ngang nỗi buồn da diết thiêu đốt từng vi mạch. Trang thơ tự cắt nghĩa nỗi buồn mà không lý giải nổi:
Thật ra nỗi buồn đâu có màu sắc gì
Chỉ là màu vàng của ánh đèn vàng đêm đêm soi vào mắt cô gái trẻ để tìm cho ra nỗi buồn màu sắc gì
Nhưng mắt quá trong Khoắng lên cũng vô ích
(Lô Lô- Ly Hoàng Ly)
Không thể kìm chế được nỗi ám ảnh về sự buồn, cái cô đơn, sự mất mát nơi nào đó trong tâm hồn của mình, càng xua nỗi buồn đi, nó như càng nhân lên gấp bội. Giữa đông người vẫn cảm thấy cô đơn, đó là khi tâm hồn con người không tìm được tiếng nói đồng điều, không có sợi dây liên lạc
nối mạch cho cảm xúc của mình với những liên tưởng thân quen. Buồn, cô đơn khi trái tim không được chia sẻ tiếng nói yêu thương.
Đôi khi nỗi buồn dài dằng dặc kéo lê cuộc sống vô vị thành nỗi buồn, nỗi cô đơn dai dẳng và khó dứt:
Em đã cô đơn những ngày tháng không bạn bè Không phố xã và anh không đến nữa
Mùa đã mới mà nỗi buồn vẫn cũ Lòng tan hoang như ô cửa gió lùa
(Một đóa hoa vàng- Bình Nguyên Trang)
Cái tôi cô đơn trước cuộc sống, trước những đổi thay, trước cả cảnh vật lẫn con người dường như xuyên suốt chặng thơ của các cây bút nữ. Họ là đàn bà có tâm hồn nhạy cảm và trống trải, những người đàn bà yêu và nhớ tiếc quá khứ thật nhiều. Ta hiểu vì sao, cái tôi cô đơn thường trở về day dứt khi tan một ngày. Cái tôi đầy rẫy sự tự vấn:
Sao nỗi buồn cứ thích bám vào tóc mỗi đêm hai mươi chín sợi Để sáng ra ngầu trắng mắt
(Lô Lô- Ly Hoàng Ly).
Tự gọi tên nỗi buồn mình là “Lô Lô”, theo Nguyễn Thụy Kha thì Ly Hoàng Ly muốn thông báo với cuộc đời một tín hiệu thẩm mỹ mới bằng thơ. Đó là một cuộc trình diễn hào phóng cảm giác bằng cách cuốn lô. Nó là một chuỗi lô, một chuỗi buồn, những viên buồn của xúc cảm và sắp đặt. Ý nghĩ để mặc cho nỗi buồn cuốn mình đi như một thực tại hiện hữu, bởi có muốn cưỡng lại cũng không được bởi có trong mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi đồ vật… Nỗi buồn, nỗi cô đơn vì thế như một sự ám ảnh khó dứt trong thơ trẻ đương đại. Chấp nhận không yên ổn, không thoả hiệp nên nỗi buồn cứ dai dẳng khó dứt:
Em nhận ra niềm vui kia
Và từ đó nỗi buồn cứ theo em Mỗi lần bay lên và rơi xuống
(Trần Lê Sơn Ý- Bông tuyết) Hay
Ném tất cả đi Gạt tất cả đi
Lại thầy mình trơ trọi trở về
(Ám ảnh- Phương Lan)
Tuy nhiên, nỗi cô đơn như con dao hai lưỡi, mình biết chế ngự nó thì mình vượt qua, nhưng mình bị nó chế ngự thì mình trở thành nô lệ. Cái tôi cô đơn, buồn bã mang tính tiêu cực sẽ biểu hiện một quan niệm lệch lạc:
Chẳng biết có đêm nào như đêm nay Bằng một nỗi cô đơn hoàn hảo
Tôi thấy mình chết trong khoảng khắc khi nhìn vào gương soi
(Lẩn thẩn- Khương Hà) Và
Buồn tập tễnh/ Về ăn giỗ mình” (Phan Huyền Thư)
Thơ trẻ đang lạm dụng sự phát ngôn về nỗi buồn, cô đơn, chán trong thơ. Chực như thế giới bị nỗi buồn xâm chiếm và chỉ cần một rung động nhẹ thôi nó cũng ngân lên những bài ca về nỗi buồn, nỗi cô đơn nhỏ bé, vô tích sự. Dường như họ nghĩ rằng, không có cụm từ “buồn”, cùm từ “cô đơn” trong trang viết thì thơ không lay động được tâm hồn người đọc.
Có không ít trường hợp, với nhà thơ trẻ, hình như không viết về nỗi buồn là chưa trở thành nhà thơ mô- đen thời thượng. Nỗi buồn, sự cô đơn, vì thế trong thơ họ nhiều khi hết sức giả tạo hoặc nói lấy được.
Ngày gác chân lên thành ghế Ngọ nguậy
Bốc hơi
Trí nhớ ẩm ướt, trói buộc
(Trong ngày tháng ấy- Khiêm Lê Trung)
Dù còn hạn chế khi bộc lộ cái tôi cô đơn, buồn bã nhưng thơ trẻ đã có những khoảng khắc thăng hoa của cái tôi cô đơn nghệ thuật. Họ trả lại cho thi ca vẻ đẹp của cái tôi cô đơn tràn đầy sức sống mà một thời không được phép đánh thức. Họ trở về đúng nghĩa với chính mình, là cái tôi cần chia sẻ, bù đắp. Cái tôi cô đơn tận cùng cũng chính là sự khao khát được yêu thương, được sống trọn vẹn và chân thành.
Có thể nói rằng, thơ trẻ thời kỳ sau đổi mới 1986 với đội ngũ tác giả là những cây bút sinh ra sau hòa bình, vừa rời ghế nhà trường đại học. Trong đó, đã có nhiều tác giả quyết liệt đi tìm cái mới về nội dung và hình thức thể hiện, mang đến cho thơ nhiều điều mới lạ, người thưởng thức nhiều khi ngỡ ngàng. Họ sáng tác sung sức và trên một phương diện nào đó đã cho thầy họ có sự vượt trội thế hệ làm thơ đi trước về sự đổi mới, cách tân thơ, đem đến cho thơ luồng sinh khí mới. Vì họ trẻ, được đào tạo cơ bản hơn nên điều kiện tiếp thu cái mới lạ bên ngoài, các trào lưu thơ văn nước ngoài nhanh nhạy hơn. Cũng bởi vì họ trẻ, nên họ có điều kiện để “làm lại” nếu con đường sáng tạo của họ đi có chệch hướng. Do đó họ bạo liệt, viết hết mình dám nói những điều mà thế hệ các nhà thơ trước còn kiêng kỵ, có khi thái quá gây phản cảm.