5 Cấu trúc luận văn
2.3.1 Cuộc hành trình tìm về kí ức
Cảm hứng đời tư trong thơ Thanh Thảo trước hết được thể hiện qua chủ đề trở về. Đây là chủ đề xuyên suốt nhiều tác phẩm của ông, trở về là hành trình của cái tôi trữ tình tìm lại thời thơ bé, tìm lại cảm giác trọn vẹn và gắn bó với gia đình, quê hương, bạn bè. Trong những cuộc trở về ấy, có lúc Thanh Thảo đã ví chúng như những cuộc “viễn du”, chập chờn trong tiềm thức và vô thức:
“ta sống bất chợt từ vùng này sang vùng khác như những cuộc viễn du dễ dàng không tốn kém
những cuộc viễn du một mình bất động khoái trá không thua gì
những tua du lịch
những cảnh sắc lập lờ khi anh vừa chợp mắt những hành lang hun hút
đưa anh gặp những người thân đã khuất
anh không hiểu và không giải thích và chính thế nó làm anh sướng lâng lâng”
61
(Viễn du)
Có khi nhà thơ bày tỏ niềm lo âu về một quá khứ lịch sử dân tộc có nguy cơ bị lãng quên: “Xe tải. Đêm ngầu đục. Thất lạc. Cố trèo xuống để đi lên. Không thấy chiếc xe. Không thấy đường về. Những hàng rào những người lạ. Lại một xe tải. Không phải xe mình tìm. Hình như Trường Sơn. Hình như một cuộc chiến khác. Không phải. Chiếc xe tải. Thằng em lái xe mất hút. Chợt hoang mang cùng cực. Không thấy đích. Không biết về đâu. Đêm giăng mắc. Những hình ảnh thoáng qua. Những người không thể hỏi. Không đường về. Không địa chỉ. Đại lý nước mắt. Cầu thang dốc. Tuột. Xuống dễ hơn lên. Xuống và mất hút. Cố nói to không thành tiếng. Cố hỏi không âm thanh. Chỉ những hình ảnh lướt qua kính chiếu hậu” (Đích). Bài thơ được viết bằng những câu thơ không đầy đủ về mặt ngữ pháp, có khi chỉ là một mệnh đề như những dòng tốc kí, chớp nhoáng về một hình ảnh vụt sáng. Chủ thể trữ tình bài thơ đang thảng thốt bởi những gì đang diễn ra quá gấp gáp và không thể định hình, chỉ thấy những hình ảnh loang loáng trôi đi trong sự bất lực của bản thân. Một loạt các thủ pháp nghệ thuật hiện đại đã đem lại hiệu quả biểu hiện rất lớn. Chúng ta như thấy nhà thơ đang gắng “câu lại những giấc mơ ngày cũ” hay cũng là tâm trạng thảng thốt, sợ hãi trước những quá khứ lịch sử có nguy cơ bị rơi vào quên lãng. Trên đây là những dòng thơ chất chứa nhiều khoảng lặng. Những đường biên mập mờ, sự chia tách, hoà trộn giữa quá khứ và hiện tại luôn tồn tại đâu đó ở mỗi con người, với Thanh Thảo cũng vậy, ông không bao giờ quên quá khứ, thậm chí những nỗi ám ảnh về quá khứ luôn thôi thúc ông theo đuổi khát vọng chữa lành vết thương chiến tranh và nói lên tiếng nói thức tỉnh mọi người hãy giữ gìn, trân trọng quá khứ. Đây cũng là suy tư rất đời thường của một con người giàu trải nghiệm, những kí ức về quê hương, người mẹ cùng quá khứ lịch sử được Thanh Thảo đề cập rất rộng rãi trong
62
thơ, cái tôi trữ tình của nhà thơ cũng qua đó bộc lộ niềm tri ân vô bờ đối với nguồn cội.
Nhiều người khẳng định rằng thơ Thanh Thảo nặng về kí ức, kí ức về lịch sử dân tộc, kí ức về một thời chiến tranh hào hùng và điều đặc biệt là có cả một kí ức của cá nhân nhà thơ gắn liền tuổi thơ, quê hương và người mẹ. Ở phần kí ức này, nó có khi trở thành những ẩn ức, những giấc mơ hiện hình trên trang giấy. Những kí ức xa xôi hay những ám ảnh thời gian đã hằn in trong trái tim nhà thơ giờ đây mới có dịp tuôn trào. Trong “1, 2, 3”, với cảm hứng về đời tư, nhà thơ đã làm một cuộc hành trình tìm về quá khứ, cội nguồn với quê hương và người mẹ. Dường như đó là cuộc hành trình “ta tìm về nguồn sông ta hát” để giúp thi sĩ trả lời câu hỏi: “giọt nước nào khởi sự nguồn sông, giọt nước nào khởi sự đời ta”
xuất hiện ngay từ những ngày đầu nhà thơ cầm bút. Trong cuộc hành trình ấy, thời gian dường như hoá lỏng, không gian xoá nhoà khi người ta: “nhấp cần câu/ câu giấc mơ ngày cũ/ những giấc mơ tớp bóng dưới lục bình/ xanh buồn bã” (Không đề). Quá khứ như: “bóng một chiếc cầu/ bao nhiêu nước chảy qua/ không xoá nổi” (Bóng), quá khứ hiện hình thành những giấc mơ ám ảnh con người: “đuổi theo tôi những giấc mơ buồn/ hiện lên gương mặt mẹ già khuất bóng/ đêm lo âu ầm ì biển động/ thương yêu ơi tan biến về đâu/ nghiệt ngã/ làm sao quay ngược. Làm sao?” (Dao động sóng). Cảm xúc nhà thơ hướng về ngày xưa cũ với khát khao quay ngược thời gian để có thể sống lại một cảm giác bình yên, đầm ấm nơi quê hương có niềm an ủi vỗ về của bậc sinh thành:
“Con lại về nhà thầy má Cây mai mới trồng bật hoa
Như mắt nắng lạc giữa vùng lụt bão Như mắt má
63
Đăm đăm gốc vườn Trong veo màu vú sữa” (Không đề)
Có lẽ trong mỗi con người đến lúc trưởng thành đều thấm thía tình cảm quê hương và tình mẫu tử thiêng liêng, vậy nên mỗi nhà thơ khi chấp bút đều hướng lòng mình về quê cha đất tổ. Nếu Tế Hanh có Con sông quê hương, Giang Nam có Quê hương in dấu bao kỉ niệm tuổi thơ thì quê hương với Thanh Thảo gắn
liền với tình mẹ ngọt ngào: “thơm đậm mùi chuối chín”, giản dị: “quả chuối ngọt trên bàn tay má ngọt trên lưng”.
Khi viết về những ngày xưa cũ, tâm trạng nhà thơ đầy những bâng khuâng, mang một nỗi buồn sâu thẳm. Những câu thơ tự do, ngắn, xuống dòng liên tục cho thấy tâm trạng nghẹn ngào của nhà thơ trên hành trình tìm về quá khứ:
“con lại về giếng thơi vành vạnh trời bóng cây nghiêng bóng má
bóng tiếng chuông loáng thoáng mưa chuông
lá lá nhìn con lấp láy trắng từng chùm mây dại lơ lửng ngày”
64
Nhịp thơ như tiếng đàn buông lơi, buông lơi trong nỗi nhớ, buông lơi trong những kỉ niệm xa xôi, buông lơi khi những trải nghiệm cuộc đời khiến ta chùn chân mỏi gối và khát khao tìm về cội nguồn để tắm trong miền kí ức, để tự hỏi:
“con lặng như cây dừa/ không hiểu sao mình đậu quả”.