Qua nghiên cứu khảo sát ta thấy nguồn vốn tín dụng trong giai đoạn 2009- 2011 có xu hướng gia tăng, đã tạo điều kiện cho hơn 1/3 hộ nghèo tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, phát triển sản xuất chăn nuôi, gia tăng thu nhập và thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Tuy nhiên, tác động của nguồn vốn vay ưu đãi còn chưa cao phụ thuộc vào trình độ học vấn của chủ hộ, số nhân khẩu, lượng vốn vay và đặc thù của từng địa phương. Để nâng cao hiệu quả tín dụng ưu đãi phải có sự kết hợp đồng bộ giữa các cấp Chính quyền, địa phương, ngành, đoàn và ngân hàng; thực hiện xã hội hóa nguồn vốn, đảm bảo đủ vốn cung cấp cho hộ nghèo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng vốn vay đối với các hộ không thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo, giúp các hộ có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hộ nghèo; tập huấn kỹ thuật khuyến nông và hạch toán kinh tế cho hộ nghèo.
KẾT LUẬN
Xét trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, chương trình XĐGN đóng vai trò quan trọng và là một đòi hỏi bức xúc trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước; Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo là một trong những yếu tố vật chất thúc đẩy nhanh quá trình XĐGN.
Việc nghiên cứu hiệu quả tín dụng đối với Phòng giao dịch NHCSXH Yên Hòa- Vĩnh Phúc và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng với công cuộc XĐGN là việc làm có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn.
Trên cơ sở phạm vi nghiên cứu hiệu quả tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, nội dung đề tài đã tập trung vào hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra:
1. Luận giải tính tất yếu còn tồn tại một bộ phận người dân sống trong cảnh nghèo đói; cần có chính sách hỗ trợ người nghèo đói mà trong đó tín dụng ưu đãi là một giải pháp quan trọng.
2. Phân tích những vấn đề cơ bản về tín dụng ưu đãi và ảnh hưởng của tín dụng ưu đãi của NHCSXH đối với hộ nghèo. Khái quát những nguyên tắc, nội dung cơ bản của cơ chế tín dụng đối với hộ nghèo, nghiên cứu và đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo.
3. Khái quát và đánh giá các chính sách tín dụng của một số Ngân hàng nước ngoài để từ đó rút ra kinh nghiệm có thể vận dụng vào thực tiễn Việt Nam và nhất là vùng nông thôn, miền núi nơi mà có tình hình nghèo đói tương tự.
4. Phân tích thực trạng về tình hình nghèo đói tại địa bàn, thực trạng hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo tại Phòng giao dịch NHCSXH Yên Hòa- Vĩnh Phúc, đánh giá và đưa ra một số kết quả đạt được và một số vấn đề còn tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu.
5. Từ phân tích thực trạng hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo đề tài đã đề ra được những giải pháp, những kiến nghị, đề xuất có tính khả thi nhằm không ngừng nâng cao ảnh hưởng tín dụng hộ nghèo của NHCSXH, để thực hiện tốt vai trò của nhiệm vụ của Ngân hàng trong việc góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN và hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ.
Những ý kiến đề xuất trong đề tài chỉ là một trong tổng thể các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng đối với hộ nghèo. Tuy nhiên những giải pháp đó có thể phát huy tác dụng nếu có sự nỗ lực phấn đấu của NHCSXH cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện.
Với những hiểu biết của tác giả và thời gian nghiên cứu có hạn, chắc chắn còn nhiều thiếu sót và hạn chế. Vì vậy, những nội dung thể hiện trong bài cần được bổ sung nên tác giả rất mong muốn nhận được nhiều sự đóng góp quý báu của các cá nhân, tổ chức quan tâm đến vấn đề này để có thể tiếp tục hoàn thiện đề tài trong nghiên cứu tiếp theo.
Xin trân trọng cảm ơn!