Qua đánh giá các biểu hiện lâm sàng và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng, chúng tôi xác định các nguyên nhân của đau bụng tái diễn trong nhóm nghiên cứu, kết quả được trình bày tại bảng 3.8. Trong đó, có 72,5% trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng, 12,7% trẻ táo bón, 2% có động kinh bụng, 1% u nang ống mật chủ và 1% sỏi mật, còn lại 10,8% là đau bụng cơ năng. Tỉ lệ trẻ đau bụng do các nguyên nhân thực thể trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu của Buch nhưng có sự khác biệt về từng nguyên nhân cụ thể. Trong nghiên cứu của Buch trên 85 trẻ đau bụng tái diễn, 82,4% trẻ đau bụng do các nguyên nhân thực thể trong đó 67% là do nhiễm ký sinh trùng đường ruột . Tỉ lệ trẻ đau bụng do nguyên nhân cơ năng trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn kết quả nghiên cứu của Apley với 90% trường hợp không tìm thấy nguyên nhân thực thể . Tỉ lệ trẻ đau bụng do nguyên nhân cơ năng cao cũng được công bố trong nghiên cứu của Devanarayana và cộng sự. Trong nghiên cứu này, chỉ 23,6% trẻ đau bụng tái diễn có nguyên nhân thực thể là trong đó 12,7% là táo bón. 40,16% trẻ được phát hiện có bệnh lý thực thể trong nghiên cứu của tác giả Naveen Kumar Reddy trên 197 trẻ đau bụng tái diễn . Tỉ lệ trẻ đau bụng tái diễn do nguyên nhân thực thể trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Thơ nghiên cứu trên 200 trẻ đau bụng tái diễn phải vào nằm viện (66,7%) . Sự khác biệt về kết quả nghiên cứu của chúng tôi so với
tác giả Nguyễn Thị Thơ có thể do điều kiện chẩn đoán hiện tại tại bệnh viện Nhi tốt hơn cho phép chẩn đoán được các nguyên nhân thực thể với tỉ lệ cao hơn.