So sánh về thời gian kéo dài mỗi cơn đau bụng được chúng tôi trình bày trong bảng 3.10. Kết quả ở nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng, thời gian đau bụng chủ yếu là từ 5 – 15 phút, với tỉ lệ 60,8 %. Ở các nguyên nhân còn lại, có 42,9% các cơn đau kéo dài từ 5 – 15 phút, tỉ lệ thấp hơn so với nhóm viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, sự khác biệt về thời gian mỗi cơn đau bụng giữa các nhóm là không có ý nghĩa thống kê.
4.5.3. Vị trí đau bụng
Kết quả so sánh vị trí đau bụng tái diễn giữa các nhóm nguyên nhân được trình bày trong bảng 3.11. Trong đau bụng tái diễn, vị trí đau bụng quanh rốn là phổ biến nhất. Trong nghiên cứu của chúng tôi 59,5% trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng có đau bụng vùng quanh rốn. Trong số 28 trẻ đau bụng do các nguyên nhân khác, 60,7% trẻ có đau bụng ở vùng quanh rốn. Phân tích chi tiết vị trí đau bụng quanh rốn của 28 trẻ do các nguyên nhân khác chúng tôi nhận thấy 7/13 trẻ táo bón, 7/11 trẻ đau bụng cơ năng, 2 trẻ động kinh bụng và 1 trẻ có u nang ống mật chủ có biểu hiện đau bụng quanh rốn. 1 trẻ được xác định có sỏi mật lại có biểu hiện đau bụng vùng hố chậu phải. Đau bụng thượng vị gặp ở 40,5% trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng, cao hơn một cách có ý nghĩa thống kê khi so sánh với nhóm 28 trẻ đau bụng tái diễn do các nguyên nhân khác (17,9%). Điều này cho thấy với những trẻ đau bụng tái diễn có vị trí đau bụng vùng thượng vị, cần chú ý bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng, trong khi những đau bụng ở các vị trị ngoài thượng vị và quanh rốn cần tìm những nguyên nhân khác. Theo nghiên cứu của Naveen Kumar Reddy và cộng sự, 43,1% trường hợp đau bụng quanh rốn trong đó 94,12% trẻ đau bụng cơ năng (94,12%), còn các vị trí đau khác gặp nhiều trong đau bụng tái diễn có nguyên nhân thực thể . Nguyên nhân đau bụng tái diễn trong nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu là viêm loét dạ dày tá tràng, các nguyên nhân khác gặp với tỉ lệ nhỏ. Sự không cân đối về số lượng trẻ trong mỗi nhóm nguyên nhân làm hạn chế khả năng phân tích tích chất đau bụng theo nhóm nguyên nhân.