Qua biểu đồ 3.5, có thể thấy vị trí đau bụng hay gặp nhất là vùng quanh rốn chiếm 59,8%. Đau bụng vùng thượng vị chiếm 35,3%. 4,9% trẻ có đau bụng tại các vị trí khác như đau hạ sườn phải, hạ vị và hố chậu trái. Đau bụng vùng quanh rốn là triệu chứng thường gặp nhất được công bố trong nhiều nghiên cứu. Theo nghiên cứu của Apley trên 108 trẻ đau bụng tái diễn cho thấy trên 2/3 trường hợp là đau bụng vùng quanh rốn . Nghiên cứu của tác giả Devanarayana năm 2010 cho thấy tỉ lệ lệ đau bụng quanh rốn là 58,4% . Trong nghiên cứu của Naveen Kumar Reddy và cộng sự trên 197 trẻ đau bụng tái diễn, 43,2% trẻ có đau bụng vùng quanh rốn . Touran Shahraki và cộng sự phát hiện có gần một nửa các trường hợp có đau bụng quanh rốn . Tỉ lệ trẻ đau bụng vùng quanh rốn trong nghiên cứu của chúng tôi tương tự như kết quả của các nghiên cứu trên thế giới.
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, đau bụng chủ yếu xung quanh một vị trí xác định, không lan ra xung quanh, chiếm tỉ lệ rất cao 92,2% (Bảng 3.2). Tỉ lệ trẻ đau bụng khu trú trong nghiên cứu của chúng tôi khá cao. Điều này có thể lý giải do lứa tuổi trung bình mắc bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi là 6,8 ± 2,5 tuổi, ở tuổi này trẻ có thể chưa xác định hoặc hiểu được thế nào là hướng lan của các cơn đau. 7,8% trẻ đau bụng có lan lên trên hoặc sang hai bên, hay xuống dưới, đây là những trẻ bị viêm dạ dày tá tràng (từ quanh rốn lan lên trên hoặc từ thượng vị lan xuống), đau bụng cơ năng (từ quanh rốn sang hai bên), sỏi mật (hạ sườn phải đau lan xuống dưới). Hướng lan của đau bụng ở trẻ em ít được mô tả trong các nghiên cứu về đau bụng tái diễn ở trẻ em. Chúng tôi chưa tìm được các nghiên cứu khác có mô tả về hướng lan của đau bụng để có thể so sánh với nghiên cứu của chúng tôi.