Đây là vấn đề vô cùng quan trọng và cũng rất khó khăn đối với ban cán bộ quản lý. Để thực sự nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, cần chú ý ngay từ khâu tuyển chọn. Hiện nay, khách sạn chủ yếu tuyển nhân viên trên các trang web như: vietnamwork... hoặc các nhà cung ứng lao động khác. Nhưng có một điểm là khách sạn không có bộ phận nhân sự riêng, nên việc phỏng vấn lựa chọn nhân viên sẽ thông qua bộ phận Kế toán hoặc Sales & Marketing, sau đó là những người có kinh nghiệm làm việc tại các bộ phận có liên quan. Đối với những khu vực cần trình độ cao, sẽ có thêm một vòng tuyển chọn nữa từ Giám đốc. Hay vấn đề lương thưởng, hồ sơ nhân viên cũng chưa có người đúng chuyên môn phụ trách. Khách sạn cần tuyển thêm một người làm ở vị trí nhân sự, có đủ trình độ và chuyên môn nghiệp vụ. Họ sẽ phụ trách tất cả các vấn đề liên quan đến lao động, từ khâu tuyển dụng, đến quản lý đội ngũ nhân viên, thừa thiếu ra sao, lương thưởng của họ như thế nào, số ngày nghỉ phép hay vấn đề đào tạo, bồi dưỡng kiến thức.
Là một khách sạn nhỏ nên cơ cấu lao động đã được phân công khá hợp lý. Tuy nhiên ngoài bộ phận buồng có tổ trưởng tổ buồng thì các bộ phận khác không có người đứng đầu quản lý, mọi vấn đề đều do giám đốc chịu trách nhiệm. Khách sạn nên cân nhắc đến việc cử mỗi người ở một bộ phận đứng lên làm tổ trưởng, quản lý những vấn đề phát sinh và báo cáo cho Giám đốc
khi cần thiết. Bởi không phải lúc nào giám đốc cũng có thể chú ý đến được tất cả mọi việc nhỏ nhặt. Như vậy mọi hoạt động sẽ được sát xao hơn, những nhu cầu của khách sẽ được quan tâm để ý nhiều hơn.
Do khách hàng trong khách sạn Paramount cũng khá nhiều là người nước ngoài, mà trình độ ngoại ngữ của nhân viên lại chưa đáp ứng tốt. Những kỹ năng phục vụ cũng luôn cần cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với khách hàng. Vì thế khách sạn cần trích một phần lợi nhuận của mình để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên định kỳ, từ 2 – 3 tháng/ lần. Các lớp này sẽ định hướng cho nhân viên về ngành du lịch – khách sạn, cách chăm sóc khách hàng, hoặc quy trình làm việc... Bên cạnh đó, khách sạn cần có những yêu cầu bắt buộc cho nhân viên về trình độ Tiếng Anh để họ có mục tiêu phấn đấu. Để tổ chức được những lớp học này có hiệu quả, khách sạn cần nghiên cứu đặc điểm nhân viên trong chính khách sạn mình, các nhu cầu của khách hàng hiện nay và trong tương lai, đối thủ cạnh tranh... Thời gian rảnh rỗi của nhân viên cũng không có nhiều, ngời việc bắt buộc, khách sạn cũng có thể hỗ trợ cho nhân viên khoảng 25. 000 – 30.000đ/ buổi học để thúc đẩy tinh thần họ.
Môi trường làm việc cũng vô cùng quan trọng. Khách sạn cần tạo ra môi trường với tính tự giác và kỷ luật cao bằng cách: ban quản lý chất lượng thường xuyên đi kiểm tra và giám sát xem nhân viên của mình thực hiện công việc có đúng không. Nếu có khó khăn, giám đốc phải đưa ra được những giải pháp nhằm giúp đỡ nhân viên. Có những hình thức khen thưởng và xử phạt phù hợp.
Thêm vào đó, việc thấu hiểu được nhân viên của mình cũng vô cùng quan trọng, đó là nguồn động viên tinh thần rất lớn, thúc đẩy sự hăng hái và nhiệt tình trong họ. Với số lượng nhân viên ít như vậy, nhà quản lý nên có thời gian tìm hiểu rõ hơn đẻ chia sẻ với nhân viên mình những khó khăn trong công việc và cuộc sống. Những hoạt động ngoại khóa như tổ chức đi du lịch, hoặc tổ chức các cuộc thi nhỏ sẽ giúp các nhân viên đoàn kết với nhau hơn. Trong
buổi họp hàng tháng của khách sạn, ngoài việc khen thưởng, kỷ luật cũng nên có những hoạt động như: tổ chức sinh nhật cho nhân viên có ngày sinh trong tháng...