để đáp ứng yêu cầu tuân thủ
Các biện pháp TBT có thể buộc các doanh nghiệp phải tăng đầu tư vào các công nghệ mới cho sản xuất và phân phối để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ. Đồng thời các doanh nghiệp cũng phải đào tạo công nhân để có thể vận hành các công nghệ mới. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến việc tăng chi phí hoạt động và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường EU.
Tác động của các quy định TBT đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xâm nhập vào thị trường EU
Theo Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt xấp xỉ 9,3 tỉ USD. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu nhiều sang EU là các sản phẩm thâm dụng nhiều lao động như giày da, hàng may mặc, sản phẩm thủ công mĩ nghệ…Phụ nữ chiếm từ 80% – 85% tổng số công nhân sử dụng trong các ngành này. Nếu như ta không tuân thủ đúng các quy định TBT của thị trường EU thì không những kim ngạch xuất khẩu bị suy giảm trầm trọng mà các vấn đề nghiêm trọng khác mà chúng ta phải đối mặt là tình trạng thất nghiệp, tỉ lệ đói nghèo ngày càng tăng lên. Vì thế, các doanh nghiệp cần phải nắm rõ về thị trường EU, nắm bắt được các hình thức rào cản có thể gặp phải, từ đó chủ động tìm hiểu thông tin, cập nhật tình hình và phân tích các nguy cơ để kịp thời phòng tránh. Cụ thể, doanh nghiệp cần giữ liên lạc với các nhà nhập khẩu EU có được thông tin sớm nhất về các thay đổi ở thị trường này.
2.3 Thị trường Nhật Bản
Nhật Bản là thị trường lớn của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, và đang là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 26,9% tổng kim ngạch. Nhưng những năm gần đây, mặt hàng tôm đông lạnh khi xuất khẩu sang Nhật bị vướng nhiều rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật và gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân.
- Vướng quy định về trifluralin:
Đầu năm 2010, Nhật Bản cảnh báo 3 lô tôm Việt Nam có dư lượng Trifluralin với mức 0.002 ppm, 0.009 ppm, và 0.03 ppm vượt ngưỡng cho phép của Nhật Bản là 0.001 ppm. Trước đó, năm 2009, EU đã từng cảnh báo một số lô hàng thủy sản Việt Nam bị phát hiện dư lượng Trifluralin vượt giới hạn cho phép. Lúc đó, sản phẩm có chứa Trifluralin đã bị loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật, cả kể danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Bộ NN&PTNT đã rà soát và loại bỏ các sản phẩm có chứa Trifluralin. Tuy nhiên, sau đó vẫn phát hiện 38 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường thủy sản có chứa hàm lượng Trifluralin.
Vào tháng 10/2010, mặt hàng tôm xuất khẩu vào Nhật Bản bị nước này nâng mức kiểm tra Trifluralin đối với tôm nhập khẩu của Việt Nam từ 30% lên 100%. Đến tháng 11/2010, Bộ NN&PTNT có lệnh cấm sử dụng Trifluralin trong nuôi trồng thủy sản. - Vướng quy định về enrofloxacin:
Ngày 7/3/2011, Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường dư lượng chất này đối với 30% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Bước sang đầu tháng 6/2011, khi 1 lô tôm của Việt Nam xuất sang Nhật Bản bị phát hiện chứa dư lượng enrofloxacin ở mức 0,03 ppm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã rất lo lắng vì nhiều đối tác Nhật khẳng định
rằng, nếu thêm 1 lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam bị cảnh báo, Nhật Bản sẽ nâng mức kiểm tra lên 100%.
Kể từ ngày 9/6/2011, Nhật Bản đã chính thức tăng cường tần suất kiểm tra dư lượng enrofloxacin từ 30% lô tôm lên mức 100% ngay sau khi phát hiện thêm 1 lô tôm của Việt Nam nhiễm dư lượng chất này vượt mức cho phép.
- Vướng quy định kiểm tra chỉ tiêu Ethoxyquin
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, trong chương trình giám sát an toàn thực phẩm năm 2012 của Nhật chỉ kiểm tra các chỉ tiêu như Furazolidone, Trifluralin, Enrofloxacin, Chloramphenicol nhưng chưa quy định kiểm tra chỉ tiêu Ethoxyquin. Tuy nhiên, cuối tháng 5 vừa rồi, Nhật Bản lại áp dụng kiểm tra Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam với mức giới hạn cho phép là 0,01ppm. Trong khi đó, Nhật lại không áp dụng kiểm tra Ethoxyquin đối với tôm nhập khẩu từ các thị trường khác, đặc biệt là Thái Lan. Hơn nữa, ngay tại Nhật, người nuôi vẫn được phép sử dụng chất này với mức giới hạn là 150ppm. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) bức xúc, khi Nhật Bản kiểm tra hàm lượng Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu. Đơn cử, năm 2011, tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản chiếm 55% thì đến hết tháng 5-2012 thị trường này chỉ còn chiếm khoảng 30%. Nếu cơ quan chức năng không có những động thái tích cực với Nhật Bản nhằm điều chỉnh mức giới hạn cho phép của Ethoxyquin trong sản phẩm tôm rất có thể tôm sẽ sụt giảm trong các quý còn lại của năm nay.
Nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn cấp có các hoạt động ngoại giao gặp gỡ cấp cao giữa các bộ liên quan nhằm kịp thời vận động và yêu cầu phía Nhật Bản điều chỉnh mức giới hạn tối đa đối với Ethoxyquin. Ngoài ra, nếu được cũng phải có thời gian đủ để ngành tôm Việt Nam điều chỉnh và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến Ethoxyquin.