5. Cấu trúc luận văn
4.1. Khát vọng công danh
Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo khó, ngay từ nhỏ, Nguyễn Bính đã được cha mình là ông đồ Nguyễn Đạo Bình dạy cho những bài học đạo đức vỡ lòng, coi trọng chữ nghĩa, tài năng:
Nhà ta coi chữ hơn vàng Coi tài hơn cả giàu sang cả đời
(Con nhà Nho cũ)
Sau khi mẹ mất, Nguyễn Bính được cậu ruột là Bùi Trình Khiêm - một nhà nho tiêu biểu, có danh vọng trong vùng nuôi cho ăn học. Bùi Trình Khiêm là nhà nho yêu nước, từng theo học Thám hoa Vũ Phạm Hàm. Ông đã từng thi Hương mấy khoa nhưng không đậu. Khi Nguyễn Bính ở quê ngoại thôn Vân cũng chính là thời điểm ông Bùi Trình Khiêm bị thực dân Pháp quản thúc ở quê nhà. Vì lẽ đó, đây cũng là thời điểm Nguyễn Bính được cậu Khiêm chú tâm chăm sóc và dạy dỗ, truyền đạt cho những kiến thức sách vở thánh hiền, và truyền luôn cho cả khát vọng công danh, ước mơ quan Trạng. Những khát vọng và giấc mộng ấy luôn đeo bám Nguyễn Bính trong suốt hành trình tha hương của mình của mình.
Cuộc sống nghèo nơi làng quê, suy cho cùng, có thể là một trong những nguyên nhân để Nguyễn Bính ôm mộng thi cử, đỗ đạt để làm quan. Như trong bài Nhà tôi, nhà thơ đã thốt lên cay đắng khi phải từ bỏ mối tình của mình, chỉ vì không môn đăng hộ đối:
Mấy khoa thi chót thầy ơi Sao không thi đỗ để rồi làm quan
Để rồi lắm bạc nhiều vàng Để cho con học lấy nàng thầy ơi!
Hay anh lái đò năm xưa, khi giấc mộng vinh quy không thành hiện thực, anh cũng đành phải ôm hận lỡ làng, để người thương của mình đi lấy chồng giàu sang: “Đồn rằng đám cưới cô to - Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu” (Giấc mơ anh lái đò), còn mình thì lang thang đi dạm bán thuyền, thứ của cải quý giá nhất của mình, dù chẳng để làm gì nữa…
Năm 1932, Nguyễn Bính theo anh trai cả là Nguyễn Mạnh Phát (tức Trúc Đường) ra Hà Nội. Trúc Đường cũng dạy thêm tiếng Pháp và truyền đạt văn học Pháp cho Nguyễn Bính, nghĩa là ở Bính, có sự hòa quyện rất nhuyễn giữa vốn thơ dân tộc và dòng thơ hiện đại Pháp. Đồng thời, Trúc Đường cũng để Bính tự do đi theo con đường nghệ thuật, tiếp tục theo đuổi những ước mơ, khát vọng của cuộc đời mình. Đương nhiên trong đó, có cả giấc mộng công danh! Ở đâu đó chốn thị thành, in hình bóng một nhà thơ giàu tâm huyết, giàu niềm tin ở tương lai:
Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng Giàu lòng tin tưởng bước tương lai Nhà thơ còn trẻ lắm anh ơi
Chưa xã giao quen chưa trải đời Song le trường học thiên nhiên sẽ Đào luyện nhà thơ nên một người
(Lá thư về Bắc)
Trong thơ Nguyễn Bính, chúng ta rất dễ gặp những nhà vua, hoàng hậu, quan, công chúa, cung tần mỹ nữ và quan Trạng, quan Thám, sĩ tử, anh khóa, thư sinh,… Những hình ảnh liên quan đến khát vọng công danh sự nghiệp xuất hiện trong nhiều bài, như Thời trước, Quan Trạng, Giấc mơ anh lái đò, Truyện cổ tích, Bóng bướm, Nhà tôi, Xóm Ngự viên,…
Trong đó, sớm nhất là trong bài Thời trước, viết năm 1936. Ở chốn thôn quê, chàng trai mơ ước một gia đình đầm ấm, vợ tần tảo sớm hôm,
chồng dùi mài kinh sử để mong ngày được vinh quy bái tổ “Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy - Hai bên có lính hầu đi dẹp đường - Tôi ra đứng tận gốc bàng - Chồng tôi cưỡi ngựa cả làng ra xem”. Bài thơ gợi lại câu chuyện cảm động trong vở chèo Lưu Bình – Dương Lễ, nàng Châu Long đã thay chồng động viên, khuyên răn và hết mực chăm sóc để Lưu Bình chú tâm học hành, đỗ đạt vinh hiển.
Giấc mơ quan Trạng, thành đạt trong công danh sự nghiệp gắn liền với những mối tình quê:
Mong sao sự nghiệp chóng thành Áo anh đã có em anh may giùm
(Áo anh)
Và những trắc trở, lỡ làng trong chuyện tình duyên, dường như càng làm cho khát vọng công danh trở nên day dứt hơn:
Từ ngày cô chửa thành hôn Từ ngày anh khóa vẫn còn hàn vi
Thế rồi vua mở khoa thi
Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng…
(Quan Trạng)
Trong giấc mộng thành danh của mình, con người nho sinh Nguyễn Bính luôn khao khát được công chúa cài trâm, thả tú cầu:
Lòng Trạng lâng lâng màu phú quý Quả cầu nho nhỏ bói lương duyên Tay ai ấy nhỉ gieo cầu đấy
Nghiêng cả mùa xuân Trạng ngước nhìn
(Xóm Ngự Viên)
Rồi giấc mộng ấy hóa thành cánh bướm vàng trong câu chuyện cổ tích thật nên thơ: “Em ạ, ngày xưa vua nước Bướm -Kén nhân tài mở Điệp lang
khoa - Vua không lấy Trạng vua thề thế - Con bướm vàng tuyền đậu Thám Hoa” (Truyện cổ tích). Xét trong lối thi cử xưa thì đậu Thám Hoa là ở bậc hàng cuối trong ba vị trí danh dự của Tam khôi, sau Trạng Nguyên và Bảng nhãn. Dù sao, đây cũng là vị trí đáng mơ ước của những nho sinh, sĩ tử.
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến biểu tượng “quan Trạng” trong thơ Nguyễn Bính. Theo kết quả khảo sát, trong 7 tập thơ trước Cách mạng Tháng Tám, từ khóa “quan Trạng” xuất hiện 13 lần, so với từ khóa “vua” (11 lần),
“quan” (2 lần), “Thám Hoa” (2 lần), “công chúa” (2 lần),…
Nhận xét về biểu tượng trong đời sống tinh thần con người, có ý kiến đại ý rằng, nói chúng ta sống trong một thế giới biểu tượng thì vẫn chưa đủ mà phải nói một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta.
Để diễn đạt một ý niệm trừu tượng nào đó người ta thường dùng một hình ảnh cụ thể và điều đó đã làm xuất hiện biểu tượng. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, biểu tượng không chỉ thay thế cái được diễn đạt mà còn thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm thẩm mĩ của nhà thơ. Theo đó, một sự vật, hiện tượng sẽ có khả năng biểu hiện tinh tế, phong phú những cảm nhận của con người về cuộc sống, về xã hội. “Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật…Nhưng hình tượng nghệ thuật cũng là hiện tượng đầy tính ước lệ. Bằng hình tượng, nghệ thuật sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn mang tính biểu tượng. Cho nên trong nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật” [12;24].
Thời phong kiến, quan Trạng là một nho sinh dành học vị cao nhất về khoa cử và được vua ban cho cờ biển vinh quy, được trọng dụng làm quan, hưởng cuộc đời vinh hoa phú quý, cuộc sống cao sang. Giấc mơ quan Trạng, khát vọng vinh hiển, đỗ đạt được coi là một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Vì lẽ đó, con người đỗ đạt, làm quan Trạng cũng là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ, làng xóm.
Như trên đã nói, trong thơ Nguyễn Bính, chúng ta có thể bắt gặp những
nhà vua, hoàng hậu, quan Trạng, quan Thám, sĩ tử, anh khóa,… Và trong những hình ảnh này được lặp đi lặp lại nhiều lần, “quan Trạng” chính là biểu tượng của sự thành đạt, vinh hiển. Nói cách khác, là biểu tượng cho khát vọng công danh cháy bỏng của chàng nho sinh.
Nguyễn Bính lúc thì nhớ chuyện vua quan, khoa cử thời xưa: “Em ạ!
Ngày xưa vua nước Bướm - Kén nhân tài mở Điệp lang khoa” (Truyện cổ tích), “Ngày xưa nước lạnh tê tê - Đò đông sĩ tử đi về kinh đô” (Con nhà nho cũ), lúc thì coi nó là chuyện của hiện tại, đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày: “Quan Trạng đi bốn lọng vàng - Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm” (Quan Trạng), “Mới rồi mãn khóa thi hương - Ngựa điều võng tía qua đường những ai” (Bóng bướm), “Rõ ràng quan Trạng đương trai - Vua cho chạy ngựa ba ngày xem hoa” (Con nhà nho cũ).
Từ thực tế ấy, hình ảnh quan Trạng còn là mơ ước trong tương lai của bao nhiêu gã thư sinh nữa: “Từng gã thư sinh biếng chải đầu - Một mình mơ ước chuyện mai sau - Lên kinh thi đỗ làm quan Trạng - Công chúa cài châm thả tú cầu” (Thơ xuân).
Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy: nếu như trong các bài Thời trước, Quan Trạng, Giấc mơ anh lái đò, Bóng bướm, Thơ xuân, mạch tâm trạng của nhân vật trữ tình khá thuần nhất, một chiều, thì trong các bài Truyện cổ tích,
Xóm Ngự Viên, Con nhà nho cũ, mạch tâm trạng ấy lại không thuần nhất, có sự đan xen giữa quá khứ, hiện tại và cả tương lai, giữa thực và ảo. Điều này cho thấy sự bất ổn, băn khoăn, lo lắng trong lòng nhân vật trữ tình.
Ví dụ, trong bài Con nhà nho cũ, Nguyễn Bính kể về chuyện “Ngày xưa nước lạnh tê tê - Đò đông sĩ tử đi về kinh đô”, rồi lại chuyển sang hiện tại
“Rõ ràng quan Trạng đương trai”. Và ngay trong hiện tại, cũng xuất hiện sự mâu thuẫn:
Bây giờ thời thế biến thiên
Nhà vua không lấy Trạng nguyên nữa rồi Mực tàu giấy bản là thôi
Nước non đã hết những người áo xanh
Nhận định trên cũng thể hiện rõ trong bài Truyện cổ tích. Nhà thơ kể câu chuyện ngày xưa ở xứ xở nước bướm, nhà vua mở hội thi chọn nhân tài, rồi gả con gái yêu cho Thám hoa, nuông chiều cho đi chơi vườn hoa. Hai vợ chồng bị lạc, rồi được gặp bà tiên, và bà tiên cho ăn bánh, cho ngủ nhờ. Nhưng kết cục lại là ở hiện tại:
Ăn xong thoắt chốc liền thay lốt Chồng hóa làm anh, vợ hóa em
Ở bài Xóm Ngự Viên, mạch tâm trạng của nhân vật trữ tình cũng có sự đan xen giữa quá khứ - hiện tại. Thời thế đã đổi thay, để lại trong lòng người một khoảng vắng đến bâng khuâng:
Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển Ngự Viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên Khoa cử bỏ rồi thôi hết Trạng!
Bên cạnh những biểu tượng trong thơ Nguyễn Bính như mùa xuân, người chị, cánh bướm mà chúng tôi chưa có dịp phân tích một cách toàn diện trong luận văn, có thể khẳng định, “quan Trạng” là một biểu tượng quan trọng. Nó phản ánh ước mơ, nguyện vọng day dứt cả cuộc đời nhà thơ. Cũng có thể, mơ ước chuyện “quan Trạng”, tìm về thời trước là một cách để Nguyễn Bính trốn chạy cuộc sống có tính “ngã ba đường” ở hiện tại.
Như vậy, có thể thấy, chuyện vua quan, thi cử, đỗ đạt đã trở thành một ám ảnh không nguôi đối với Nguyễn Bính. Nó là ước mơ, lý tưởng, là khát khao cả cuộc đời của chàng nho sinh. Từ thôn quê ra thành thị, ám ảnh này
chưa từng bị lãng quên, thậm chí còn quặn lên đau đớn, xót xa khi Nguyễn Bính nhận ra thực tại của mình.