Một vài đặc điểm về nghệ thuật biểu hiện

Một phần của tài liệu Lý tưởng và hiện thực trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng Tháng Tám (Trang 69)

5. Cấu trúc luận văn

3.3.Một vài đặc điểm về nghệ thuật biểu hiện

Trong Anh hùng và Nghệ sĩ, Giáo sư Vũ Khiêu đã cho rằng: “Một tác phẩm có tính dân tộc phải phản ánh được hiện thực dân tộc, thông qua tâm lý dân tộc xây dựng được những hình tượng dân tộc, sử dụng những hình thức và phương tiện ưa thích nhất của dân tộc” [15;395-396].

Có thể nói, với lối viết giàu chất trữ tình dân gian, Nguyễn Bính đã tạo được một gương mặt riêng, độc đáo trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Được bắt rễ từ hương đồng gió nội, thơ của Nguyễn Bính đằng sau từng câu chữ chính là một làn điệu dân ca, những tình ý mộc mạc và hồn quê tự ngàn đời. Vượt qua sự đào thải khắc nghiệt của thời gian, với nghệ thuật biểu hiện đậm đà sắc thái văn hóa dân gian, thơ Nguyễn Bính vẫn được đông đảo quần chúng nhân dân yêu mến. Chúng tôi nhận thấy, điều này đúng hơn cả với những sáng tác thể hiện khát vọng tình yêu của Nguyễn Bính.

Không khó để nhận thấy trong thơ Nguyễn Bính đậm đặc những câu thơ mang hình bóng ca dao, mộc mạc, tinh tế, cách diễn đạt quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người dân quê:

Nhà em có một giàn giầu Nhà tôi có một hàng cau liên phòng

Hoa chanh nở giữa vườn chanh Thầy u mình với chúng mình chân quê

(Chân quê)

Nguyễn Bính sử dụng lời ăn tiếng nói của nhân dân một cách rất thuần thục, tự nhiên, đặc biệt là trong cách biểu đạt tình cảm của đôi lứa yêu nhau, tiêu biểu là các bài: Tương tư, Nhớ, Hoa cỏ may, Người hàng xóm,… Nỗi nhớ thương của đôi trai gái có thể hiểu bằng trực cảm:

Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ Em thử quay xem được mấy vòng

Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ Em thử lào xem được mấy thưng!

(Nhớ)

Hôm nay dưới bến xuôi đò Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau

(Không đề)

Ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính rất giàu hình ảnh. Đó chính là những chất liệu thi ca quen thuộc của ca dao, của văn học dân gian. Hiện lên trước mắt chúng ta là những hình ảnh thân quen, bình dị của làng quê Việt Nam từ bao đời nay, giậu mùng tơi, hoa chanh, hoa cam, giàn đỗ ván, ao rau cần. Hình ảnh và không gian này đã chứng kiến những lời hẹn ước, những nhớ thương, những tương tư và cả những hạnh phúc của đôi lứa yêu nhau:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn

(Người hàng xóm)

Chúng tôi đặc biệt chú đến hình ảnh cánh bướm trong việc biểu đạt tình cảm lứa đôi của Nguyễn Bính. Hình tượng bướm trong văn học Trung Quốc cũng như văn học Việt Nam thường xuất hiện với hai nghĩa chính: một là,

tượng trưng cho người con trai, người khách đa tình; hai là, tượng trưng cho những mộng tưởng của con người trong thế đối lập với thực tại. Hình tượng bướm xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính mang nét nghĩa thứ hai là chủ yếu.

Có ý kiến cho rằng: “Nếu Hàn Mặc Tử yêu trăng như một bệnh lý, thì Nguyễn Bính yêu bướm như một tình cảm bẩm sinh” [43;129]. Kể cũng đúng, Nguyễn Bính rất yêu bướm. Một trong những dự định khá sớm của nhà thơ là gom góp những bài thơ đã viết của mình làm thành một tập thơ riêng mang tên Bướm. Thậm chí, Bính còn có một bộ sưu tập khá công phu về những cánh bướm đủ loại, đủ màu sắc mà Bính săn bắt tận Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng. Trần Mạnh Hảo đã có một so sánh khá thú vị: nếu thơ Thế Lữ được biểu tượng là con hổ nhớ rừng, Lưu Trọng Lư là con nai vàng ngơ ngác, Chế Lan Viên là con ma Hời sờ soạng, Xuân Diệu là con chim ngứa cổ hót chơi, thì biểu tượng cho thơ Nguyễn Bính là con bươm bướm!

Và quả thực, chúng ta thấy hình ảnh cánh bướm trở đi trở lại, vừa mơ vừa thực, quấn quyện từng chữ, từng câu thơ Nguyễn Bính, xuất hiện trong mọi cung bậc tình cảm của nhà thơ. Có bốn bài thơ, Nguyễn Bính sử dụng hình ảnh con bướm là nhân vật trung tâm của tác phẩm, đó là các bài Truyện cổ tích, Hương cố nhân, Hết bướm vàng, Người hàng xóm.

Cánh bướm xuất hiện trong bài thơ Người hàng xóm với vai trò như một vị sứ giả, mang bức thông điệp tình yêu của chàng trai đến với người mình yêu mến. Hai tâm hồn cô đơn, dù chỉ cách nhau có một dậu mùng tơi mà vẫn thấy xa xôi, ngại ngùng, nên phải nhờ cánh bướm để giãi bày, tâm sự:

“Bướm ơi bướm hãy vào đây - Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi”. Nỗi nhớ của chàng trai, cứ thế mà nhân đầy lên, dù có những lúc băn khoăn, thậm chí quyết liệt: “Nhớ nàng, không, quyết là không nhớ nàng”. Và rồi, cô hàng xóm qua đời, con bướm trắng lại xuất hiện, chứng kiến nỗi lòng và mối tình bi kịch của chàng trai:

Hỡi ơi bướm trắng tơ vàng Mau về mà chịu tang nàng đi thôi

Đêm qua nàng đã chết rồi

Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng

(Người hàng xóm)

Bài thơ Hết bướm vàng lại như một câu chuyện tình lãng mạn. Nhà chàng trai có trồng hai vườn cải. Tháng chạp sang, những bông hoa cải e ấp nở cánh vàng. Cùng với nàng gió, những cánh bướm dập dìu bay sang. Còn nàng thì tìm sang để bắt bướm. Bối rối, ngượng ngập, chờ mong – những biểu hiện đầu tiên của tình yêu của đôi trai gái thôn quê cũng đến nhẹ nhàng như vậy. Thế rồi năm sau, hoa cải vẫn nở hoa vàng, đàn bướm cùng nàng gió vẫn rủ nhau sang, còn nàng thì không. Nàng đã đi lấy chồng, để lại một khoảng vỡ tình yêu, dù thoáng qua nhưng nỗi thất vọng thì vô cùng sâu sắc:

Đêm qua mơ thấy hai con bướm Khép cánh tình chung ở giữa đời

(Hết bướm vàng)

Cánh bướm biểu tượng cho niềm tương tư, nhớ mong, của khát khao hạnh phúc lứa đôi:

Cành dâu cao, lá dâu cao (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Lênh đênh bóng bướm trôi vào mắt em Anh đi đèn sách mười niên

Biết rằng bóng bướm có lên kinh thành

(Bóng bướm)

Giống như ca dao, màu sắc trong thơ của Nguyễn Bính cũng rất tươi tắn, trong trẻo. Giáo sư Hà Minh Đức đã có nhận xét rất tinh tế: “Nguyễn Bính thích một thứ ngôn ngữ nhiều màu sắc trong thơ. Nếu Hàn Mặc Tử nói nhiều đến hương vị trong đời, trong thơ thì Nguyễn Bính lại chuộng màu sắc”

[10;156]. Điều này càng rõ nét trong thơ tình yêu của Nguyễn Bính.

Nhìn chung nhà thơ hay sử dụng những gam màu sáng, đặc biệt là khi nói về những mối tình thôn quê, những cảm xúc yêu thương của mình: “Hình như hai má em bừng đỏ(Mưa xuân), “Sương gió đường xa rám má hồng

(Không đề), “Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía(Lòng mẹ), “Mắt xanh biêng biếc một mình tương tư (Vài nét rừng),…

Tuy nhiên, trong những sáng tác sau này, khi bước chân của kẻ khách giang hồ đã thấm đẫm mỏi mệt, nếm trải đủ những khốn khó, đắng cay, tủi nhục trong cuộc sống, trong tình yêu, màu sắc được sử dụng trong thơ có bớt phần tươi sáng, chủ yếu là các gam màu tối, hoặc tượng trưng cho sự tàn tạ, chia lìa: “Tóc xanh mắt biếc mà lòng bạc đen” (Lại đi), “Nhớ nhung trắng xóa cả mây trời - Trắng xóa hồn tôi ai nhớ tôi” (Nhớ người trong nắng),

“Nắng vàng rơi mãi bên bờ giếng - Sao nắng vàng không hẹn một lời” (Nhặt nắng), “Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” (Hành phương Nam).

Thơ tình Nguyễn Bính giàu nhạc điệu. Nhà thơ dùng cách ngắt nhịp hài hòa, đều đặn như ca dao truyền thống: nhịp 2/2/2, 3/3 ở câu lục và 2/2/2/2, 4/4 ở câu bát để thể hiện tình cảm nhớ nhung của mình:

Thôn Đoài/ngồi nhớ/thôn Đông Một người/chín nhớ/mười mong/một người

(Tương tư) hoặc bày tỏ niềm khát khao yêu đương một cách kín đáo:

Nhà em/xa cách/quá chừng Em van anh đấy/anh đừng yêu em

(Xa cách)

Nhưng cũng nhiều khi, cách ngắt nhịp thay đổi, 3/3, 2/4 ở câu lục và 3/3/2 ở câu tám, gợi ra những gập ghềnh, trắc trở và những dư vị mênh mang, xót xa:

Anh đi đấy/anh về đâu

Cánh buồm nâu/cánh buồm nâu/cánh buồm…

(Không đề)

Đấy tình duyên/của đôi ta Đến đây là/đến đây là/là thôi

Trong thơ, Nguyễn Bính cũng hay dùng những đại từ phiếm chỉ như;

ai, mình, ta, bên ấy, bên này,... Đây là cũng là một trong những nét đặc thù của ca dao: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi - Như đứng đống lửa như ngồi đống than”. Cánh nói phiếm chỉ hóa đối tượng của ca dao tạo nên cách nói bóng gió, ý nhị, duyên dáng và khát quát hóa tâm trạng điển hình của nhiều người.

Đại từ “ai”, “bên ấy”, “bên này” xuất hiện nhiều trong thơ Nguyễn Bính, góp phần thể hiện các cung bậc của tình yêu một cách rất tế nhị, tinh tế của nhân vật trữ tình:

“Hai thôn chung lại một làng Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

(Tương tư)

Cỏ đồi ai nhuộm mà xanh? Áo em ai nhuộm mà anh thấy chàm?

Da trời ai nhuộm mà lam? Tình ta ai nhuộm ai làm cho phai?

(Vài nét rừng) Những biện pháp tu từ mà thơ ca dân gian hay dùng như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, câu hỏi tu từ cũng được Nguyễn Bính sử dụng nhuần nhuyễn trong thơ, góp phần đắc lực trong việc thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình. Những hình ảnh ẩn dụ được lặp lại nhiều lần trong thơ Nguyễn Bính. Khi nói đến tình yêu lứa đôi, tác giả dùng cặp hoa – bướm, bến – đò, thôn Đoài – thôn Đông, giầu - cau:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Bao giờ bến mới gặp đò

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau? (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Khi nói đến thân phận người con gái đi lấy chồng mà không được hưởng hạnh phúc, phải chịu nhiều đắng cay, tác giả gọi là lỡ bước sang ngang, ngang sông đắm đò, mười hai bến nước:

Chị từ lỡ bước sang ngang

Trời giông bão giữa tràng giang lật thuyền

(Lỡ bước sang ngang) Ca dao hay dùng lối ví von so sánh để xây dựng hình tượng và biểu đạt tình ý, bộc lộ tâm trạng. Thơ tình Nguyễn Bính cũng vậy, những ví von, so sánh được sử dụng rất điêu luyện. Ấy là lời tỏ tình dịu dàng chất thôn quê:

Hồn anh như hoa cỏ may

Một chiều cả gió bám đầy áo em

(Hoa cỏ may) Là nỗi bâng khuâng, trở trăn trong tâm hồn:

Tình anh nở giữa mùa thu

Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm

(Đêm cuối cùng)

Và đây là kiểu so sánh chỉ có trong dân gian, sự trẻ trung hồn nhiên của cô gái quê với một cây lụa trắng mới dệt xong:

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa

(Mưa xuân)

Bằng việc sử dụng biện pháp nhân hóa tài tình, trong thơ Nguyễn Bính hiện lên cuộc sống của thiên nhiên, cảnh vật rất sống động, tươi mới. Hầu hết những sự vật được nhân cách hóa đều là những sự vật quen thuộc với cuộc sống của người thôn quê: cánh bướm, giầu, cau, thoi ngà, giường cửi,…Trong đó, gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước vọng của con người.

Có thể đó là nỗi tương tư trai gái: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông - Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào” (Tương tư), “Hỡi ơi bướm trắng tơ vàng - Mau về mà chịu tang nàng đi thôi” (Người hàng xóm). Nhưng chủ yếu là thể hiện tâm trạng buồn, cô đơn, tương tư, thương nhớ: Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh - Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em” (Mưa xuân), bướm tưởng hoa cài mái tóc - Theo về tận cửa mới tan mơ (Trường huyện), hoặc sự thất vọng, bẽ bàng trong tình yêu: “Hồn tôi như vũng nước đầy - Em như cữ nắng bảy ngày chưa thôi” (Vũng nước), “Lòng anh như hoa hướng dương - Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời - Lòng em như cái con thoi - Thay bao nhiêu suốt mà thoi vẫn lành” (Em với anh),…

Đối với văn học dân gian, thành ngữ là một trong những phương tiện được sử dụng nhiều, đem lại hiệu quả thẩm mĩ cao, làm cho lời thơ trở nên mềm mại, giàu hình ảnh. Nó góp phần phản ánh cách nhìn, cách cảm của người dân quê. Thành ngữ cũng được sử dụng trong thơ Nguyễn Bính khá linh hoạt. Có khi nhà thơ dùng nguyên vẹn một thành ngữ:

Một đi bảy nổi ba chìm

Trăm cay nghìn đắng, con tim héo dần

(Lỡ bước sang ngang) Hoặc dùng biến thể của thành ngữ:

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng

(Mưa xuân)

Và đặc biệt là sự thuần thục, sáng tạo trong lối đan chữ hay xuất hiện trong thơ ca dân gian như: chín nhớ mười mong, ba chìm bảy nổi, một nắng hai sương, trăm hờn nghìn tủi, đào sâu chôn chặt, đi gió về mưa,… Đây chính là kết quả của việc ghép nhiều cặp tiếng đối, bổ sung cho nhau làm tăng

thêm giá trị biểu cảm của từ ngữ, của câu thơ. Nói về nỗi nhớ thương của đôi trai gái, Nguyễn Bính viết:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

(Tương tư) Còn đây là nỗi buồn, thất vọng về mối tình dang dở:

Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng

Hồn tôi, than lạnh tro tàn làm sao (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(Người hàng xóm)

Trong thơ Nguyễn Bính, người ta còn thấy một hệ thống các từ láy được sử dụng khá tinh tế, diễn đạt chính xác cái trạng thái của sự vật, hiện tượng, cái tâm lý của chủ thể trữ tình: nhỡ nhàng, lầm lụi, lạnh lùng, mỏi mòn, lặng lẽ, thấp thoáng, hiu hắt, thơ thẩn, xa xôi, lẳng lặng, nhớ nhớ, mong mong, mong manh,… Có thể thấy, phần lớn những từ láy được sử dụng trong thơ Nguyễn Bính đều góp phần thể hiện nỗi nhớ mong, khát khao tình yêu, và đồng thời cũng thể hiện nỗi buồn, sự cô đơn, những dự cảm chẳng lành trong tình duyên của nhân vật trữ tình:

Gieo thoi, gieo thoi, lại gieo thoi

Nhớ nhớ mong mong mãi mãi rồi

(Nhớ)

Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi Mấy lần cô gái mỏi mòn trông

(Cô lái đò)

Như vậy, đi vào tìm hiểu một số đặc điểm về nghệ thuật biểu hiện của thơ Nguyễn Bính, chúng ta có thể khẳng định, Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ có phong cách nghệ thuật độc đáo. Độc đáo nhưng rất gần gũi và được đông đảo quần chúng nhân dân ưa chuộng, bới nó mang âm hưởng dân tộc đậm đà. Như nhà nghiên cứu Lê Đình Kỵ đã nhận xét trong bài viết

Nguyễn Bính len lỏi vào tận nông thôn, đi vào lời ru tiếng hát của những con người bình dị, là điều mà Thơ mới, tuy tứ thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, nhạc điệu có thể tài tình, đột xuất hơn nhưng hiếm hoi lắm mới đạt tới được – cũng đủ làm nên giá trị đặc biệt của Nguyễn Bính” [10;221].

Quả đúng như vậy, trên cái nền chất liệu thơ ca dân gian, với tư cách là “thi sĩ của thương yêu”, Nguyễn Bính đã thổi hồn vào những câu thơ, chở những cảm thông, chia sẻ, những tương tư, nhớ mong, những hờn ghen, trách móc, và chở luôn cả những lỡ làng, buồn tủi, cô đơn, bẽ bàng của một trái tim luôn khao khát yêu thương. Thơ Nguyễn Bính như một nỗi lòng, một tâm sự, một ước nguyện tình yêu chung thủy, hạnh phúc gia đình viên mãn. Nhưng thực tế cuộc sống ngột ngạt và nghiệt ngã đã nhấn chìm những niềm mong ước giản dị, đời thường ấy. Cũng có thể, một phần do lỗi của trái tim đa tình… nên những cung bậc tình yêu ấy đối với nhà thơ cũng thật mong manh, chập chờn, mông lung, chợt đến rồi chợt đi như cơn gió thoảng, nhưng để lại những vết xước sâu đậm trong tâm hồn.

CHƢƠNG 4:

KHÁT VỌNG CÔNG DANH VÀ BI KỊCH NHẦM THỜI

Một phần của tài liệu Lý tưởng và hiện thực trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng Tháng Tám (Trang 69)