Nhà thơ của tình quê

Một phần của tài liệu Lý tưởng và hiện thực trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng Tháng Tám (Trang 27)

5. Cấu trúc luận văn

2.1.2.Nhà thơ của tình quê

Chúng tôi cho rằng, điều làm nên một Nguyễn Bính “chân quê” nhất định không phải vì ông đã miêu tả được một cách chân thật, tinh tế, trong sáng những cảnh quê, mà chính ở chỗ, Nguyễn Bính nói được cái tình quê, nơi đó, “hồn quê” biểu hiện đậm đà, sâu sắc nhất, và cũng đáng quý nhất.

Trong dòng chảy của Thơ mới viết về làng quê, với những tên tuổi như Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Nhược Pháp, Tế Hanh,… thì Nguyễn Bính được đánh giá cao hơn cả. Hoài Thanh đã so sánh: “Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê... Anh Thơ là một người thành thị đi du ngoạn nên chỉ thấy cảnh quê. Bàng Bá Lân gần Anh Thơ hơn gần Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân cũng ít sống trong tình quê. Nhưng người hiểu cảnh quê hơn Anh Thơ, hiểu vì mến hơn. [41;174].

Trong thơ mình, Nguyễn Bính thường viết về người mẹ, người chị, người em gần gũi, thân thương, về những mối tình quê trong sáng, đáng yêu. Đó cũng chính là những ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm hồn thi nhân.

Hình ảnh người mẹ hiện lên trong thơ Nguyễn Bính thật giản dị, thân thương mà rất đỗi xúc động. Vì thời nào cũng vậy, người mẹ luôn là hình ảnh gợi về cội nguồn, quê hương, gợi về tình nghĩa ruột thịt, về một bến đỗ bình yên trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Với Nguyễn Bính thì càng thấm thía. Nỗi đau mất mẹ khi mới ba tháng tuổi, khi chưa kịp biết yêu thương, cùng với những năm tháng nhọc nhằn tha hương đã khiến hình ảnh người mẹ trong thơ Nguyễn Bính trở nên xúc động, thiêng liêng. Có đến hàng chục bài thơ Nguyễn Bính nói đến hình ảnh người mẹ, tiêu biểu như: Lòng mẹ, Không đề,

Những bóng người trên sân ga, Tết của mẹ tôi, Bước đi bước nữa,…

Đó là người mẹ nông thôn Việt Nam cả cuộc đời lo toan, tần tảo, hy sinh, hết lòng vì chồng, vì con. Kể cả những ngày Tết đến cũng chẳng được chút nào nghỉ ngơi:

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều Sau ba ngày tết mẹ tôi lại Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con

(Tết của mẹ tôi) Là hình ảnh người mẹ hết lòng khuyên nhủ con gái lớn không được ủy mị, khóc lóc để vui vẻ về nhà chồng. Giọng điệu thì cứng rắn, cương quyết đấy, nhưng nghe sao thấy mủi lòng, xót thương. Bởi xa con đồng nghĩa với nỗi khổ tâm của mẹ, và sự cô đơn, lạnh lẽo:

Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi

(Lòng mẹ)

Và đây nữa, cái dáng lưng còng của người mẹ đưa tiễn con đi nơi sân ga vắng lặng:

Đưa tiễn con đi trấn ải xa Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

(Những bóng người trên sân ga)

Cũng cái dáng ấy, “bà lão lưng còng” xóm Tây trong chiều thu gợi lên bao niềm thương mến, cảm thông. Rồi còn người mẹ lận đận trong chuyện tình duyên, đau đớn khi nghĩ đến việc mình đi bước nữa sẽ đánh mất những tình cảm của những người con,…Tất cả trong thơ Nguyễn Bính, hiện diện đầy yêu mến, trân trọng, và xót thương vô hạn.

Hòa với dòng cảm xúc ấy, bóng dáng những người chị chốn thôn quê cũng có thể coi là một hình ảnh có sức ám ảnh lớn trong thơ Nguyễn Bính. Viết về họ, thi sĩ thường dành những tình cảm yêu thương và cảm thông sâu sắc, bởi phần lớn, họ đều là những thân phận dở dang, lỡ làng. Bài thơ Lỡ bước sang ngang (1939) là lời dặn dò của người chị với người em khi phải đi lấy chồng. Như một khúc buồn thương não lòng, lời thơ da diết, cay đắng như số phận của người chị phải từ biệt mẹ già, từ biệt em thơ để “sang ngang”:

Mẹ già một nắng hai sương Chị đi một bước trăm đường xót xa

Cậy em em ở lại nhà

Vườn dâu em đốn mẹ già em thương

Nguyễn Bính nói đến cái bi kịch xót xa của một người con gái lỡ bước trong đời và không thể thay đổi được số phận của mình, phải nhờ cậy đến em chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già. Thế nên, dự cảm về một cuộc đời bất hạnh, sóng gió là điều có thật. Khi tuổi mới nửa chừng xuân, nàng đã phải sống cảnh góa bụa. Rồi tình yêu lại đến, nàng hân hoan tiến thêm bước nữa với một chàng nghệ sĩ. Ai ngờ, những giây phút thần tiên trôi qua nhanh, người con trai ấy lại ra đi. Định mệnh ngang trái khiến nàng lại trở về ôm nỗi cô đơn,

sầu tủi. Người chị ấy sống mà coi như đã chết, đã định sẵn trên ngôi mộ của hồn mình một vòng hoa tang. Đó cũng là tình cảnh chung của những cuộc hôn nhân trong cuộc đời cũ.

Sau này, trên hành trình tha hương của mình, hình ảnh người chị đã lỡ bước sang ngang ấy vẫn hiện lên trong thơ Nguyễn Bính đầy day dứt:

Em đi dang dở đời sương gió Chị ở vuông tròn phận lãnh cung

(Xuân tha hương)

Những cô gái quê cũng được Nguyễn Bính khắc họa khá rõ nét, gây nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc. Đó là cô gái dệt cửi chăn tằm, là cô hái mơ, là cô lái đò. Những cô gái thôn quê bình dị, chăm chỉ, duyên dáng, tinh tế và đáng yêu biết nhường nào. Với tâm hồn nhạy cảm yêu thương, dường như với cô gái quê nào, Nguyễn Bính cũng tìm thấy, cảm nhận và say mê vẻ đẹp của họ. Đó là vẻ đẹp thơ ngây, thánh thiện của cô gái làm nghề canh cửi:

Em là con gái trong khung cửi Quanh năm dệt lụa với mẹ già Lòng trẻ còn như cây lụa trắng Mẹ già chưa bán chợ làng xa

(Mưa xuân)

Là vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của cô gái quê lúc đi nghe hát chèo trong bài Đôi khuyên bạc. Chút trang sức quý giá ấy khiến cho cô vừa tự tin, nhưng lại vừa thẹn thùng, e ấp trước ánh nhìn say mê, cùng những lời khen của những chàng trai thôn quê. Còn trong bài Chiều quê, Nguyễn Bính lại miêu tả vẻ đẹp tinh nghịch, hóm hỉnh của những cô gái chưa chồng:

Đỏng đa đỏng đảnh đua nhau hát Ghẹo khách qua đò một bọn đông

Và đây nữa, hình bóng cô hái mơ với vẻ đẹp thơ mộng, xa xôi được Nguyễn Bính bắt gặp trong một buổi chiều trong trẻo: “Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ”. Vẻ đẹp ấy, nhẹ nhàng dẫn dắt tâm hồn thi sĩ vào cõi mơ, vào chốn thần tiên với suối tuôn róc rách, với hoa ngát hương thơm.

Nhắc về những cô gái thôn quê thời ấy, trong ký ức xa xăm của mình, nhà văn Bùi Hạnh Cẩn vẫn thấy “hiện ra những hình ảnh mấy cô gái vóc dáng thon thả, mặc áo nâu non ngăn ngắn, đeo vuông yếm sồi cổ hình trái tim kin kín hơ hở trước lồng ngực đang tuổi dậy thì, lúc mang váy, lúc mang quần, đôi chân nho nhỏ đi đất… đặc biệt là những ánh mắt, màu môi, âm thầm mà khêu gợi…” [5;36]. Đẹp như vậy mà không rung động, không đưa vào thơ mới là điều lạ!

Những mối tình quê vì thế, cũng tự nhiên, chân tình và đầy xúc động. Tình yêu được nhen nhóm một cách bất chợt, nhẹ nhàng khiến cô gái quê e thẹn, không dám tự nhận tình cảm của mình với chàng trai làng bên: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Lòng thấy giăng tơ một mối tình Em ngừng thoi lại giữa tay xinh Hình như hai má em bừng đỏ Có lẽ là em nghĩ đến anh

(Mưa xuân)

Những cung bậc tình cảm, những diễn biến tâm trạng của người đang yêu được diễn tả trong thơ Nguyễn Bính thật sâu sắc, thật tinh tế. Và rất chân thực nữa. Bài thơ Tương tư được sáng tác khi nhà thơ mới 20 tuổi, và được đánh giá là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bính. Cái nền nã và sâu sắc ở đây chính là việc nhà thơ so sánh nỗi nhớ thương trai gái với quy luật của thiên nhiên, của trời đất. Tình yêu đâu chỉ có chiều bình lặng, êm ả, đồng thuận. Nó còn là nỗi nhớ thương cồn cào, day dứt, là niềm tương tư, khát khao gặp gỡ. Đó là dấu hiệu khởi đầu và cũng có thể coi là dấu hiệu đích

thực, là tình cảm phổ biến nhất của tình yêu. Và tương tư được coi là một căn bệnh, như nắng, như mưa của trời đất:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của trời Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

(Tương tư)

Tình yêu còn nhờ cánh bướm làm sứ giả, đưa bức thông điệp đến cho cô hàng xóm, chở cả những băn khoăn, thao thức trong tâm hồn:

Mắt nàng đăm đắm trông lên Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi

Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi Tôi buồn tự hỏi, hay tôi yêu nàng?

(Người hàng xóm)

Gần gũi về không gian yêu đương, những mối tình quê rồi cũng vượt qua những e ấp, rụt rè để trở nên mạnh dạn hơn, dù cách nói thì vẫn dịu dàng như vậy:

Đôi ta cùng ở một làng Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh

Em nghe họ nói mong manh Hình như họ biết chúng mình với nhau

(Chờ nhau)

Có lẽ vì người quê và tình quê đẹp thiết tha, trong sáng như vậy nên chàng trai đã tỏ ra bất ngờ, thất vọng trước sự thay đổi của người mình yêu. Khi ấy, mối tình quê được đặt trước thử thách của sự “xâm nhập” văn hóa thành thị đối với truyền thống làng quê: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh - Thày u mình với chúng mình chân quê - Hôm qua em đi tỉnh về - Hương đồng

gió nội bay đi ít nhiều” (Chân quê). Chàng trai không chỉ trách cô gái quê rằng mới đi ra tỉnh đã học đòi mốt “khăn nhung quần lĩnh” làm mất đi vẻ đẹp đồng nội, mà còn đưa ra lời cầu khẩn tha thiết của một người gắn bó với cội nguồn: “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”.

Trong thơ Nguyễn Bính rất ít thấy những tình cảm lứa đôi trọn vẹn, hạnh phúc. Thường là sự chờ đợi vô vọng, đơn phương, lỡ làng. Trong không khí của lễ hội ngày xuân, cô gái bên khung cửi mang theo tâm trạng háo hức, thẹn thùng, vội vàng đi đến điểm hẹn, rồi chả thiết xem hát, chỉ để mong gặp người thương. Vậy mà lời hứa hẹn tưởng như chắc chắn ấy đã theo gió bay đi, để lại một hình bóng cô đơn và cả một mùa xuân “nhỡ nhàng”. Cô lái đò cũng mãi ôm lòng chờ đợi một mối tình son sắt nơi bến sông xưa, chờ mãi… rồi cũng đến lúc phải đi lấy chồng, để lại cả dòng sông và lòng người trống vắng. Và cô hàng xóm nữa, cuối cùng cũng chẳng bắt được thông điệp tình yêu của chàng trai, rồi từ giã cõi đời trong niềm rưng rưng thương nhớ.

Tóm lại, có thể thấy rằng, làng quê trong thơ Nguyễn Bính được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, và rất chân thực: phong cảnh thiên nhiên đẹp, thơ mộng; cuộc sống no ấm, thanh bình; con người chân chất, đáng quý, nhưng cũng có bi kịch, dang dở. Những điều đó quện lấy nhau, vẽ lên trước mắt ta hình ảnh làng quê rất lạ mà rất quen, ấy là cảnh vật và con người của làng quê của Việt Nam ngàn đời nay. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được tình cảm quê hương đậm đà, tha thiết trong Nguyễn Bính, và cả niềm xót thương, cảm thông với những số phận, cảnh đời bi kịch. Cứ như thể làng quê đã sinh ra, nuôi dưỡng Bính với tất cả tinh hoa văn hóa vốn có, và cả cái nét dân dã, tinh tế, nhạy cảm của người quê. Đó là nguồn cảm hứng vô tận, thường trực và đau đáu trong lòng đứa con chân quê. Tô Hoài đã nhận xét:

“Chỉ có quê hương mới tạo nên những dòng chữ, từng câu Nguyễn Bính. Trên chặng đường ngót nửa thế kỷ đời thơ, mỗi khi những gắn bó mồ hôi nước mắt

kia đằm lên, ngây ngất nhớ thương, day dứt không thể yên, khi ấy xuất hiện những bài thơ tình quê tuyệt vời của Nguyễn Bính” [35;21].

Một phần của tài liệu Lý tưởng và hiện thực trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng Tháng Tám (Trang 27)