6. Bố cục của luận văn
3.2.3. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
Nhân tố con người có tính chất quyết định đến sự thành bại của mọi ngành kinh tế, trong đó có ngành kinh tế du lịch. Để tạo điều kiện và thúc đẩy du lịch làng gốm Phù Lãng phát triển trong những năm tới, nhất thiết cần phải đầu tư đào tạo nhân lực.
- Đầu tư lao động cho các làng nghề: Đây là một trong các yêu cầu để phát triển du lịch làng nghề. Phù Lãng hiện còn hàng trăm hộ giữ nghề, tuy nhiên số hộ làm gốm mỹ nghệ vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là chưa kể đến quy mô sản xuất. Chỉ có 2 đến 3 cơ sở ra lò mỗi tháng, hầu hết phải tháng rưỡi đến hai tháng mới ra lò một lần. Điều đó cũng thật dễ hiểu bởi gốm mỹ nghệ Phù Lãng mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Hơn nữa, không phải ai cũng có khả năng làm được dòng gốm này. Cho nên chú ý bồi dưỡng lao động có tay nghề cao trong quá trình sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống, làm ra những sản phẩm độc đáo, đặc sắc là việc quan trọng.
- Sở Du lịch Bắc Ninh cần phải có kế hoạch đầu tư đào tạo lại cho lao động ngành, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ, kiến thức về văn hóa du lịch. Năm 2009, lao động trong ngành du lịch có trình độ từ đại học trở lên
là 72 người, trình độ trung cấp, cao đẳng là 120 người, còn lại gần 500 lao động chưa được qua đào tạo và không có trình độ. Rất nhiều hướng dẫn viên đưa khách đi tham quan làng nghề gốm Phù Lãng nhưng chính bản thân họ lại thiếu kiến thức và hiểu biết về điểm du lịch này. Thực tế ấy hạn chế sự phát triển du lịch làng gốm Phù Lãng. Người làm du lịch phải hiểu, phải có sự trải nghiệm về con người, cảnh vật cũng như sản phẩm văn hóa của Phù Lãng mới có thể giới thiệu, tư vấn và hướng dẫn sâu sắc cho du khách tham quan. Từ những vấn đề đang đặt ra đối với sự phát triển nguồn nhân lực du lịch, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
- Mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch phải đẩy mạnh công tác đào tạo và phải dành một khoản kinh phí thích đáng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
- Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho công tác giáo dục cộng đồng bằng chế tài và các biện pháp cụ thể.
Trong những năm tới, ngoài việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ, có hiểu biết thực nghiệm về làng nghề, cần thực hiện phương châm xã hội hóa du lịch – người dân trong làng nghề đều có thể là những hướng dẫn viên du lịch tại chỗ. Mỗi người dân làng gốm Phù Lãng vừa là một người lao động, vừa là một nghệ nhân sáng tạo ra các sản phẩm mang giá trị nhân văn, nhưng đồng thời cũng là một hướng dẫn viên tự giới thiệu về chính sản phẩm, văn hóa và con người địa phương mình. Du khách vừa được trực tiếp tham gia làm gốm dưới sự hướng dẫn của người dân vừa được nghe kể về vị tổ nghề của làng, được đi thăm cuộc sống thường nhật nơi làng quê yên bình, giản dị, chắc hẳn sẽ cảm thấy hấp dẫn và thú vị hơn rất nhiều.
Sở Du lịch Bắc Ninh và chính quyền Phù Lãng cần xây dựng quy chế phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhằm tôn vinh những tài năng trong nghề (ở lĩnh vực bảo tồn kỹ thuật, phương thức sản xuất, sinh hoạt văn hóa…).