6. Bố cục của luận văn
1.3.2. Cảnh quan lịch sử nhân văn
Làng quê Bắc Ninh với nghề nông là chính đã được biết đến qua những nghề thủ công truyền thống, với những sản phẩm nổi tiếng như: gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ, đồ đồng Đại Bái, sơn mài Đình Bảng, sắt thép Đa Hội, tơ tằm Võng Nguyệt… Làng nghề ở đây được tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ của cộng đồng cư dân, được hình thành rộng khắp các làng quê trên địa bàn tỉnh và hoạt động trong nhiều ngành kinh tế. Theo thống kê hiện nay, Bắc
Ninh có 62 làng nghề truyền thống (chiếm 30% tổng số làng nghề truyền thống của cả nước). Có những làng nghề truyền thống tuổi đời hàng trăm năm, hiện đang phát triển rất mạnh với những sản phẩm độc đáo. Ngoài các sản phẩm tinh xảo được làm ra từ quy trình sản xuất thủ công, tại hầu hết các làng nghề tỉnh Bắc Ninh vẫn giữ được phong tục tập quán, các di tích lịch sử văn hóa ghi đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng vùng Kinh Bắc. Làng gốm Phù Lãng là một điển hình của làng Việt Bắc Bộ.
Làng gốm Phù Lãng được xem là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi các sản phẩm du lịch của làng nghề bao gồm trong đó cả nội dung giá trị vật thể và phi vật thể. Phù Lãng hấp dẫn khách du lịch không chỉ bởi non nước hữu tình, cảnh sắc có một không hai mà quan trọng nhất bởi các sản phẩm thủ công gốm thể hiện qua nguyên liệu thô sơ, quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm. Đến làng gốm Phù Lãng, dọc hai bên con đường làng bê tông quanh co, du khách dễ nhận ra nét đặc trưng của làng nghề gốm nông thôn Bắc Bộ với những đống củi, ngôi nhà gạch trần, mái ngói nhấp nhô. Ở trên sân nhà, bờ ruộng hay dọc các lối đi, sản phẩm của nghề gốm với những tiểu, quách, chậu cảnh, bình gốm, chum vại xếp hàng tầng tầng lớp lớp. Cái còn ướt đỏ màu đất, hay đã phơi màu bạc phếch, hoặc đã qua lò nung lên nước bóng loáng.
* Truyền thuyết về tổ nghề gốm Phù Lãng.
Nước ta có hàng trăm ngàn làng nghề thủ công và mỗi làng nghề lại có vị tổ nghề riêng. Vì vậy mà có hiện tượng cùng làm một nghề nhưng mỗi làng lại thờ tổ nghề riêng của làng mình. Cùng nghề sản xuất gốm nhưng Bát Tràng thờ ông Hứa Vĩnh Kiều, Thổ Hà thờ ông Đào Trí Tiến, còn Phù Lãng thờ ông Lưu Phong Tú. Theo Tô Nguyễn, Trịnh Nguyễn trong sách “Kinh Bắc - Hà Bắc” thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời
Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp đi này, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này được truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu, sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ XIII) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung. Nhưng theo lời kể của các vị cao niên và những nghệ nhân lớn tuổi trong làng thì vị tổ nghề của làng Phù Lãng là ông Hứa Vĩnh Kiều, bởi từ trước tới nay người dân ở đây có tục kiêng chữ Kiều mà đọc chệch thành chữ Cầu. Truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết mà chưa có cơ sở nào xác định được tính xác thực của nó, cũng không thể dựa vào tục kiêng chữ của dân làng mà khẳng định được chính xác tên tuổi vị tổ nghề của làng Phù Lãng. Hiện nay dân làng Phù Lãng không ai khẳng định được tên tuổi chính xác vị tổ nghề làng mình nhưng trong tâm khảm mỗi người dân nơi đây luôn nhớ và hàm ơn người đã truyền dạy nghề cho họ. Tình cảm của họ đối với tổ nghề đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ, trong sinh hoạt của họ. Hàng năm họ vẫn tổ chức thờ cúng để tưởng nhớ vị tổ nghề làm gốm.
* Nghề và sản phẩm gốm Phù Lãng
Nghề gốm Phù Lãng đã để lại dấu ấn lịch sử ngót 10 thế kỷ. Sản phẩm chính của gốm Phù Lãng xưa là chum vại, ấm đất, chậu cảnh, tiểu sành... Ngày nay với những bàn tay tài hoa muốn khôi phục và gìn giữ nghề truyền thống của làng, các nghệ nhân thế hệ mới như nghệ nhân Vũ Hữu Nhung - với tên quen gọi Gốm Nhung, nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc với tên quen thuộc Gốm Ngọc đã phát triển tinh hoa của nghề gốm bằng nghệ thuật tạo hình khối, hoa văn đặc sắc. Nhiều sản phẩm và mẫu gốm mới như: tranh gốm, lọ hoa gốm, ấm chén gốm, gốm trang trí, gốm ốp tường, lư hương... đã và đang được khách, doanh nhân, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước yêu thích.
Gốm Phù Lãng được làm công phu ngay từ khâu lựa chọn và xử lý đất. Khác với những sản phẩm gốm lấy chất liệu từ “xương” đất sét xanh của Thổ Hà, sét trắng của Bát Tràng, đất để làm gốm Phù Lãng là loại đất sét có màu hồng nhạt, xen lẫn các mảng màu nâu đỏ, trắng được lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) cách làng khoảng 15 km. Riêng loại đất để làm hàng mỹ nghệ hoặc những mặt hàng chất lượng cao phải dùng loại đất màu xanh lá dong, hoặc màu vàng lõi mít, không pha cát, không có sạn đầu ruồi. Đất được chở về Phù Lãng theo đường sông. Điều này rất thuận lợi do Phù Lãng không phải lấy đất sét tại chính làng họ, tránh phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan làng nghề. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho ải rồi đạp rồi ve thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái, sau đó mới cho "ngậm" nước, xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi. Người thợ dùng “nề”, một dụng cụ có lưỡi là một dây thép mảnh, được căng bởi một khung cố định làm bằng cật tre, thái thành những lát mỏng.Thái xong lại đắp đất thành đống, xéo lại lẫn nữa cho thật nhuyễn và quánh rồi đem ủ, chờ chuyển giao cho thợ chuốt. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm.
Gốm Phù Lãng tập trung vào 3 loại hình: Gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh...); gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu...); gốm trang trí (bình, ấm hình thú như ngựa, voi...). Về mặt tạo hình, gốm Phù Lãng được sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng, hình khối đa dạng. Nhưng nhìn chung có thể quy vào hai phương pháp cơ bản: tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại. Mỗi loại hình sản phẩm, mỗi chủng loại hàng đều có những kỹ thuật, kỹ xảo riêng, tất cả đều nhằm đạt được hiệu quả tối đa về hai phương diện: kinh tế và thẩm mỹ.
Cũng như nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm), và Thổ Hà (Bắc Giang), phương pháp tạo hình sản phẩm (có tiết diện tròn) là chuốt. Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay tay. Hoạt động xung quanh bàn xoay tay cần phải có 2 người, trong đó một người chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay. Người vần bàn xoay đồng thời làm nhiệm vụ lăn đất thành đòn để chuốt (còn gọi là xe đòn). Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong, để cho se dần, đến khi sờ tay vào không thấy dính, lúc bấy giờ người thợ tiến hành thúng, đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, rồi lại để cho ráo. Lúc này nếu thấy sản phẩm có vết rạn nứt thì được vá lại bằng đất mịn và nát.
Bước cuối cùng trong khâu hoàn thành sản phẩm là ve, nạo sản phẩm sau khi sản phẩm đã thành bạc hàng (chuyển màu trắng). Ve, nạo xong sản phẩm được tráng một lớp men lên, tạo màu sắc. Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng (loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi, như tàn thuốc. Ngày nay nghệ nhân Phù Lãng thường dùng tứ thiết là lim, sến, táu, nghiến), hai là vôi sống (vôi tả), ba là sỏi ống nghiền nát, bốn là bùn phù sa trắng. Bốn chất liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành một chất lỏng quánh, vàng như mật ong. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có màu trắng đục. Sản xuất men là cả một bí quyết kỹ thuật mà người thợ thủ công ngày xưa giữ kín.
Sau công đoạn vào men và tạo mầu, phơi khô, sản phẩm được đưa vào lò nung ở nhiệt độ đến 1.000 độ C, để đảm bảo gốm sành nâu có lớp da ngoài đanh mặt, nhẵn bóng và chắc. Xếp sản phẩm trong lò nung phải tuân theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian trong lò. Chi phí cho mỗi mẻ đốt lò trung bình cũng phải 25 đến 30 triệu đồng, nếu không nắm vững kỹ thuật chọn đất, đốt lò... thì cả mẻ gốm phải bỏ đi. Một lò thường được một nghìn
sản phẩm và phải đun liền trong ba ngày ba đêm. Vì vậy những sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải có mầu da lươn vàng óng hay mầu cánh dán, khi gõ vào sản phẩm có tiếng vang. Trước đây gốm Phù Lãng được nung bằng phương pháp truyền thống với rất nhiều nguyên liệu hỗn tạp, rẻ tiền và dễ kiếm như: rơm, rạ, cỏ, lá, tre, nứa… nhưng do nhiều lần cải tiến lò nung, yêu cầu kỹ thuật và nhiệt độ trong lò được nâng cao hơn nên người dân Phù Lãng dùng củi gỗ để đốt. Mặc dù nằm tiếp giáp với vùng than (Quảng Ninh) nhưng người dân Phù Lãng không dùng than để nung gốm mà vẫn dùng củi gỗ chính là vì nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi. Cách nung gốm truyền thống bằng những lò đốt củi đã khiến cho gốm Phù Lãng luôn mới nhưng lại vẫn giữ được những nét nguyên sơ bí ẩn, luôn là sự khám phá và sáng tạo không giới hạn. Nhiều tác phẩm về mặt lý thuyết tưởng như thất bại nhưng lại tạo ra những hiệu quả thẩm mỹ không ngờ có giá trị nghệ thuật cao mà những người làm ra nó cũng không thể tưởng tượng nổi. Xương đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển màu gan gà, với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen (thường gọi là men da lươn). Câu "Nhất xương nhì da, thứ ba dạc lò" là để nói về công nghệ làm gốm đầy kỳ công để cho ra đời những sản phẩm đẹp, mang hồn đất Kinh Bắc của người dân Phù Lãng.
Gam màu chủ đạo của gốm Phù Lãng vẫn là gam trầm nguyên thuỷ, tưởng như nó đứng một cõi riêng bên ngoài cuộc sống hiện đại, nhưng lại không phải vậy, nó đi vào cuộc sống tự nhiên như khí trời. Gốm Phù Lãng có nét sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu... mà người ta gọi chung là men da lươn.. Nếu vẻ đẹp của Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, những nét vẽ tinh tế, thì hồn cốt của Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn này. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi
theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép các đề tài: tứ linh, nghê, hạc, mặt hổ phù, chữ Thọ, cánh sen, sóng nước… Đối với những sản phẩm được sản xuất đại trà như gốm dân dụng, người Phù Lãng rất ít trang trí. Tuy nhiên, gốm Phù Lãng có ưu thế ở chất men màu tự nhiên, bền và lạ, dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.
Trên cái chất liệu mà hàng trăm năm trước cha ông từng dùng, những nghệ nhân của làng gốm đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau, từ bình hoa đến các vật dụng trang trí khác như đèn ngủ, các bức phù điêu, gạch trang trí, tranh…. Các đường nét có thể được vẽ, khắc chìm hay đắp nổi… thậm chí khoét lỗ nhằm khắc hoạ chân dung một thiếu nữ, một bông hoa sen được cách điệu, một con thuyền, những mái ngói lô xô, những ô cửa sổ… hay đơn giản hơn đó chỉ là những mảng khối đầy ngẫu hứng theo phong cách Châu Âu để tạo ra những “mắt” gốm. Cũng vì lẽ đó mỗi sản phẩm gốm Phù Lãng là một cá thể được tạo ra bởi sự sáng tạo của bàn tay và khối óc người thợ cùng với sự thăng hoa của tạo hoá, là sự tri ân giữa đất và người.
Năm 1998 gốm mỹ thuật bắt đầu xuất hiện khi có những nghệ nhân thế hệ mới được đào tạo từ trường mỹ thuật. Người khởi đầu cho dòng sản phẩm này là anh Vũ Hữu Nhung, hiện là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Các nghệ nhân với kiến thức được học tại các trường mỹ thuật đã thổi hồn vào đất, sáng tạo và phát triển những tinh hoa của nghề gốm với nghệ thuật tạo hình khối, hoa văn mới lạ. Nhiều sản phẩm và mẫu gốm mới như tranh gốm, lọ hoa gốm, ấm chén gốm, gốm trang trí, gốm ốp tường, lư hương... đã ra đời và được thị trường đón nhận. Thương hiệu gốm Ngọc từ những xưởng gốm mỹ thuật bắt đầu đến được với thị trường nội địa và thế giới. Nhiều doanh nghiệp gốm tại Phù Lãng giờ đã mở những chi nhánh, cửa hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh . Hay như Gốm Ngọc đã chủ động đưa sản
phẩm của mình lên mạng Internet. Bước đầu các sản phẩm Gốm Ngọc đã được khách hàng quan tâm chú ý. Gốm Ngọc cũng đang tự thành lập cho mình 1 website riêng với sự giúp đỡ của Hội Nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh… Gốm Ngọc hiện đang có 2 cơ sở sản xuất tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh, mỗi xưởng sản xuất có khoảng 20 lao động. Sản phẩm Gốm Phù Lãng hiện đã có mặt tại nhiều nước Đông Nam Á, Nhật Bản, châu Âu… và được đánh giá cao bởi nó không chỉ là sản phẩm thủ công 100% mà còn bởi sự độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao.
Từ khi xuất hiện những xưởng gốm mỹ thuật, du khách đến với làng nghề Phù Lãng nhiều hơn. Khách đi tour được dẫn thẳng tới các xưởng gốm thăm các công đoạn làm nghề và chọn mua sản phẩm. Khoảng hơn một năm lại đây, dân du lịch “bụi” rất mê đến Phù Lãng bởi mỗi góc vườn, mỗi con đường, mỗi bờ rào là một khuôn hình bình dị, cùng những sản phẩm gốm mộc mạc hấp dẫn du khách. Khách du lịch quốc tế đến đây chủ yếu là mua sản phẩm mỹ thuật, bởi vì đây là những món đồ nhỏ gọn. Còn những người khách đặc biệt đam mê, họ sẽ đặt hàng mua theo dạng hàng xuất khẩu. Do đặc trưng của gốm Phù Lãng là dáng gốm mộc mạc, thô phác, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và đậm nét điêu khắc nên mua làm quà chủ yếu là khách nội địa.
* Đối sánh gốm Phù Lãng và gốm Bát Tràng.
Nói đến gốm Việt Nam ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thì không thể không kể đến gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng. Không thể nói loại gốm nào là nhất bởi mỗi một dòng gốm có một vẻ đẹp và sắc thái riêng không dễ gì pha trộn. Cho dù công đoạn làm gốm có thể giống nhau ở một vài khâu nào đó nhưng mỗi loại gốm lại có cái bí quyết để tạo nên nét riêng biệt trong từng sản phẩm của mình. Mỗi một sản phẩm đều chứa đựng trong nó giá trị nhân văn to lớn của mỗi một cộng đồng người. Chính điều đó là yếu tố quyết định
nhất đến sự phát triển du lịch của làng nghề. Trong phạm vi luận văn này, tác giả không có tham vọng đưa đến cho người đọc cái nhìn khái quát, toàn vẹn về tất cả loại gốm nổi tiếng, nhưng tác giả cũng tiến hành so sánh một số tiêu