D) CÂU HỎI, BÀI TẬP, NỘI DUNG ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN CỦA CHƯƠNG
a. Nguồn điện Suất điện động Định luật Ôm
* Nội dung kiến thức
- Nguồn điện:
+ Muốn có dòng điện trong vật dẫn thì phải tạo ra ở hai đầu vật dẫn một hiệu điện thế. Cơ chế để tạo ra hiệu điện thế nhằm duy trì dòng điện đó là nguồn điện hay máy phát điện và nguyên nhân tác dụng trong nguồn gọi là suất điện động.
+ Nguồn điện bao giờ cũng có hai cực luôn luôn ở trạng thái nhiễm điện trái dấu và giữa hai cực đó có một hiệu điện thế. Để tạo ra các cực nhiễm điện như vậy cần thực hiện một công để tách các êlectron ra khỏi nguyên tử trung hòa, rồi chuyển các êlectron và ion dương được tạo thành như thế ra khỏi mỗi cực. Và lực thực hiện công này gọi là lực lạ.
- Suất điện động của nguồn điện là đại lượng đo bằng thương số của công A của các lực lạ làm di chuyển điện tích dương q bên trong nguồn điện và độ lớn của điện tích dương q đó. Nguồn điện đầu tiên sinh ra dòng điện không đổi khá lớn và tồn tại cho đến ngày nay là pin và acquy, gọi chung là nguồn điện hóa học.
- Định luật Ôm cho đoạn mạch được xây dựng từ thực nghiệm, mặc dù vẫn có thể suy ra định luật này từ ĐLBT năng lượng và định luật Joule (tìm được từ thực nghiệm).
* Một số lưu ý khi dạy học
- Khi dạy học về điều kiện để có dòng điện giáo viên nên sử dụng phép so sánh tương tự trong từng bước hình thành kiến thức: Bằng thí nghiệm hoặc mô tả thí nghiệm cho HS so sánh dòng điện và dòng nước chảy trong ống với hai bình đựng nước thông nhau từ đó suy ra rằng muốn duy trì dòng điện lâu dài trong dây dẫn thì phải duy trì hiêu điện thế lâu dài ở hai đầu dây.
- Các vấn đề về định luật Ôm cho đoạn mạch HS đã được học kỹ ở lớp 9. GV chỉ cần giúp các em ôn tập và hệ thống hóa lại các kiến thức và yêu cầu phát biểu chính xác định luật Ôm.
- Khi nói về nguồn điện không đổi (còn gọi là nguồn điện một chiều) là nguồn điện sinh ra dòng điện không đổi. Nhưng về nguyên tắc, các lập luận đó ứng dụng cho các nguồn điện khác. Vì vậy chỉ gọi chung là nguồn điện.
- Cần lưu ý cho học sinh: đôi khi người ta dùng thuật ngữ điện trở tương đương cho cả mạch nối tiếp lẫn song song (không dùng khái niệm điện trở toàn phần đối với mạch nối tiếp). Đối với mạch gồm các điện trở mắc hỗn hợp (cả nối tiếp và song song) thì dùng khái niệm điện trở tương đương. Giáo viên dùng thuật ngữ điện trở tương đương cho cả mạch mắc nối tiếp, mạch mắc song song và mạch mắc hỗn hợp để tạo một sự thống nhất về thuật ngữ trong toàn bộ sách giáo khoa vật lý của bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
- Cần chú ý nhắc lại cho học sinh phân biệt công thức tính điện trở của mạch mắc nối tiếp, mạch mắc song song với công thức bộ tụ ghép nối tiếp và ghép song song để khỏi lẫn lộn.