a. Bối cảnh quốc tế
- Xu thế phát triển mạnh mẽ của KH&CN trên thế giới: Cuộc cách mạng công nghệ hiện đại với sự phát triển của các công nghệ cốt lõi của hệ thống công nghệ mới là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá, công nghệ chế tạo vật liệu và năng lượng mới đang tạo ra cho nhân loại những hệ thống sản xuất, hệ thống giao thông và trao đổi hoàn toàn mới, làm thay đổi căn bản không chỉ những xã hội công nghiệp, mà cả những xã hội nông nghiệp truyền thống.
Cùng với quá trình gắn kết giữa KH&CN, mối liên kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sản xuất, kinh doanh cũng ngày càng phát triển. Quá trình từ phát minh khoa học đến sáng chế, phát triển công nghệ và đưa vào ứng dụng trong sản xuất ngày càng rút ngắn.
KH&CN đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, động lực số một cho phát triển KT-XH. Tiềm lực KH&CN ngày càng trở thành lực lượng nòng cốt của sức sản xuất xã hội. Ý thức rõ đầu tư vào KH&CN là đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận, nhiều quốc gia đã giành ưu tiên đầu tư phát triển KH&CN và nâng cao hiệu quả của KH&CN phục vụ phát triển KT-XH.
Hợp tác về KH&CN đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Kinh nghiệm của những nền kinh tế thành công cho thấy, nếu biết cách tranh thủ và tận dụng những ưu thế của các quan hệ hợp tác quốc tế, nếu có một chính sách KH&CN đúng đắn trong chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ thì quãng thời gian tiến hành công nghiệp hoá có thể rút ngắn.
Xu thế trên đây tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho KH&CN của cả nước nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng.
- Xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế: Toàn cầu hoá là xu thế nổi trội, bao trùm tất cả các mặt đời sống KT-XH của các quốc gia trên toàn thế giới hiện
nay. Cốt lõi của xu thế này là toàn cầu hoá về kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ trên các lĩnh vực sản xuất, thương mại, đầu tư, tài chính ...
Hội nhập quốc tế là một nội dung quan trọng của toàn cầu hoá, biểu hiện ở việc các nước chủ động tham gia vào hệ thống phân công lao động quốc tế mới; chủ động tham gia và mở rộng trao đổi thương mại quốc tế; chủ động tham gia vào các hoạt động tài chính quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, chúng ta có nhiều khả năng hơn để tiếp cận được những thành tựu, tiến bộ KH&CN hiện đại của thế giới, tiếp nhận chuyển giao những công nghệ, tiến bộ KH&CN thích hợp mà trong nước chưa làm được để nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực KH&CN thông qua đào tạo và nghiên cứu ở nước ngoài, kích thích đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về kinh tế và KH&CN.
Tham gia vào quá trình toàn cầu hoá, khu vực hoá vừa là thách thức vừa trở thành đòi hỏi tất yếu của mỗi quốc gia. Đối với các nước có trình độ phát triển kinh tế, KH&CN thấp, sức ép cạnh tranh khi tham gia hội nhập sẽ rất lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt.
b. Tình hình trong nước * Về kinh tế - xã hội
- Sau những năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, làm nền tảng cho giai đoạn phát triển mới: nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, liên tục; tình hình chính trị, xã hội ổn định; xu thế dân chủ hoá, xã hội hoá ngày càng mở rộng; đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt; quan hệ hợp tác quốc tế được cải thiện.
- Mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển KT-XH nước ta đến năm 2010 là: Đẩy mạnh CNH, HĐH tập trung xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng quan trọng với công nghệ cao, sản xuất tư liệu sản xuất cần thiết để trang bị và trang bị lại kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu quốc phòng; đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển và xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Chất lượng đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân được nâng lên một mức đáng kể. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được định hình về cơ bản. Nguồn lực con người,
năng lực KH&CN, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Vị thế trong quan hệ quốc tế được củng cố và nâng cao.
- Định hướng chiến lược phát triển KT-XH vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 là:
Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, chuyển mạnh một bộ phận lao động nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ và đi lập nghiệp nơi khác.
Phát triển nền nông nghiệp hàng hoá đa dạng. Cùng với lương thực, đưa vụ đông thành một thế mạnh, hình thành các vùng chuyên canh rau, thịt, trái cây, hoa,.. Phát triển mạnh những ngành công nghiệp chế biến và cơ khí phục vụ nông nghiệp; các cụm, điểm công nghiệp, dịch vụ và làng nghề ở nông thôn.
* Về khoa học và công nghệ
- Nước ta đã có nguồn nhân lực KH&CN tương đối đông đảo với khoảng trên 1,8 triệu cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng trở lên, với trên 30 ngàn cán bộ có trình độ trên đại học (14 ngàn tiến sỹ, 16 ngàn thạc sỹ), khoảng hơn 2 triệu công nhân kỹ thuật. Cả nước hiện có 197 trường đại học và cao đẳng (30 trường ngoài công lập), hơn 1.100 tổ chức nghiên cứu và phát triển thuộc mọi thành phần kinh tế (trong đó có gần 500 tổ chức ngoài nhà nước). Ngoài ra còn có nhiều các cơ sở dịch vụ KH&CN, các phòng thí nghiệm, kiểm định, kiểm nghiệm, trung tâm thông tin KH&CN.... Cơ sở vật chất kỹ thuật của các viện nghiên cứu, các trung tâm KH&CN được tăng cường một bước. Trình độ đội ngũ cán bộ KH&CN được nâng lên, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ hiện đại ở một số ngành và lĩnh vực. Đã xuất hiện một số loại hình gắn kết tốt giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh.
Về ngân sách chi cho KH&CN, từ năm 2000 đã đạt 2% ngân sách chi, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc thực hiện chủ trương đầu tư phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước.
Hoạt động KHXH&NV nhờ bước đầu đổi mới phương pháp tiếp cận, cập nhật kiến thức mới, đã góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho các chủ trương chính sách, cơ chế của Đảng và Nhà nước trong quản lý và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trong thực tiễn quản lý kinh tế, văn hoá , xã hội.
Khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật đã tập trung thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp nhà nước. Các kết quả nghiên cứu cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của đất nước đã góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho các phương án phát triển vùng và lãnh thổ. Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Các chương trình nghiên cứu về công nghệ thông tin, tự động hoá, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ chế tạo máy...đã góp phần nâng cao năng lực KH&CN nội sinh của đất nước, khả năng tiếp thu, làm chủ nhanh chóng nhiều công nghệ tiên tiến nhập của nước ngoài.
Trình độ công nghệ trong một số ngành sản xuất, xây dựng, dịch vụ đã được đổi mới và nâng lên một bước.
Cơ chế quản lý KH&CN đã từng bước được đổi mới. Trình độ nhận thức và ứng dụng KH&CN của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, nhìn chung KH&CN nước ta còn có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển KT-XH.
Năng lực KH&CN còn nhiều yếu kém; trình độ công nghệ của nhiều ngành sản xuất còn thấp và lạc hậu; hệ thống dịch vụ KH&CN (thông tin KH&CN, tư vấn chuyển giao công nghệ, sở hữu công nghiệp, TC-ĐL-CL) còn yếu kém cả về cơ sở hạ tầng cũng như khả năng cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế; cơ chế quản lý KH&CN mặc dù đã được đổi mới nhưng còn chậm, mang nặng tính hành chính; thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu KH&CN, giáo dục - đào tạo và sản xuất - kinh doanh; thị trường KH&CN chậm phát triển; đầu tư của xã hội cho KH&CN còn rất thấp,...