- Năm 2005 – 2006: Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, hàng năm đơn vị đã đảm bảo sản xuất 40.000 củ siêu bi và cây Invitro cung cấp cho các đơn vị thực hiện thuộc dự án “Sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tại Nam Định” trong khuôn khổ chương trình phát triển khoai tây Việt - Đức.
- Năm 2007 - 2009: Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN thực hiện dự án “Tiếp nhận công nghệ sản xuất các chế phẩm vi sinh để ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ hải sản và xử lý phế thải nông nghiệp” theo công nghệ của Viện Công nghệ sinh học.
- Năm 2007 - 2010: Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN chủ trì và thực hiện dự án “Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hoá trên quy mô diện rộng tại tỉnh Nam Định” (Thuộc chương trình xây dựng mô hình chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và niền núi) với nhiệm vụ sản xuất giống nấm cấp I, cấp II cung cấp cho các đơn vị sản xuất giống cấp 3 và nuôi trồng nấm trong tỉnh.
- Năm 2009 Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN chủ trì và thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình nuôi trồng và sơ chế nấm tại 4 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc”.
- Bên cạnh đó Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN còn triển khai ứng dụng sản xuất thử nghiệm, khảo nghiệm và ứng dụng một số chế phẩm sinh học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; biên soạn tài liệu, tập huấn,
phổ biến tiến bộ kỹ thuật chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sinh học nông nghiệp mà đối tượng chính là nông dân.
- Nghiên cứu áp dụng công nghệ EM (Công nghệ của Trung tâm công nghệ Việt- Nhật) để sản xuất chế phẩm vi sinh EM phục vụ xử lý môi trường, nuôi trồng thuỷ hải sản. Công nghệ này được người tiêu dùng sử dụng và đánh giá cao, hiện đang tiếp tục được triển khai và nhân rộng.
- Sản xuất thử nghiệm chế phẩm vi sinh EM5 ứng dụng cho cây trồng và vật nuôi tại 2 HTX nông nghiệp xã Quang Trung, Ý Yên; HTX Bảo Xuyên, HTX Tam Thanh, Vụ Bản. Sản xuất thử nghiệm chế phẩm Bokashi xử lý phế thải nông nghiệp tại Trung tâm giống cây trồng Nam Định, xử lý phế thải nấm tại Trung tâm dạy nghề công lập Nghĩa Hưng làm phân bón thay thế một phần phân bón hoá học trong nông nghiệp.
- Phổ biến, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào địa phương: Phối hợp với Trung tâm vùng, Bộ KH&CN tổ chức thử nghiệm phân bón lá ABIO của Đài Loan tại một số đơn vị trong tỉnh
- Phối kết hợp với các phòng thủy sản các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu nhân rộng kết quả ứng dụng chế phẩm Polymic trong nuôi trồng thuỷ sản.
- Thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và sản xuất lúa hàng hoá nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác. Công tác khuyến nông đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các mô hình sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm: + Tiếp tục duy trì việc sản xuất giống lúa lai F1 ở nhiều HTX trong tỉnh, điển hình như Xuân Kiên (Xuân Trường); Trung Lao, Trực Thái, Trực Đại (Trực Ninh); NT Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Đặc biệt trong 2 năm 2007 - 2008, Trung tâm đã phối hợp với công ty TNHH Cường Tân hướng dẫn, chuyển giao thành công công nghệ sản xuất và bao tiêu sản phẩm hạt giống lúa lai 2 dòng TH3-3 cho nông dân. Diện tích sản xuất 411ha, năng suất đạt 23-24 tạ/ha, sản lượng trên 1.000 tấn, góp phần đáp ứng nhu cầu hạt giống lúa lai của các địa phương trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh bạn.
+ Cùng với việc duy trì phát triển sản xuất hạt giống lúa lai, Trung tâm đã nhập, chọn lọc xác định những giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, triển khai xây dựng nhiều mô hình trình diễn như: D.ưu 527, HYT100, Bác Tam ưu 273, Phú ưu 4, N46.... Điển hình như các mô hình ở Giao Tiến (Giao Thuỷ), Hải Nam (Hải Hậu), Minh Tân (Vụ Bản) vụ xuân đạt năng suất 80 - 90 tạ/ha, vụ
mùa 60 - 70 tạ/ha tăng 15-20% so với đại trà. Từ kết quả khảo nghiệm, trình diễn đã bổ sung vào cơ cấu giống các mùa vụ. Vì vậy, những năm qua, bộ giống lúa của Nam Định luôn được đổi mới, được Bộ NN&PTNT đánh giá cao. Việc phát triển sản xuất lúa đã kết hợp giữa bộ giống có năng suất cao và giống lúa chất lượng (BT7, HT1, N46…) đã nâng cao năng suất, chất lượng lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, lúa hàng hoá giá trị, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng.
- Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, công tác khuyến nông còn tập trung xây dựng các mô hình sản xuất các loại rau, củ, quả (áp dụng công nghệ GAP) có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như:
+ Mô hình cây cà chua chế biến xuất khẩu trên đất 2 lúa ở vụ Xuân, vụ Đông với các giống có năng suất cao, chất lượng tốt như: TN005, TN052, TN006, TN0060, Savior,... cho năng suất đạt 35 - 45 tấn/ha/vụ, giá trị thu nhập đạt 40 - 45 triệu đồng/ha, gấp 1,5 - 2,0 lần trồng lúa. Điển hình như HTX Hải Tây (Hải Hậu), Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), Yên Phú (Ý Yên). Nhờ các mô hình đến nay đã hình thành nhiều vùng sản xuất cà chua, rau màu ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng góp phần tăng hệ số sử dụng ruộng đất.
+ Mô hình cây dưa chuột xuất khẩu, năng suất đạt 20-22 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 40 - 45 triệu đồng/ha/vụ, giá trị thu nhập gấp 2 lần trồng lúa, điển hình như tại Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), Trực Nội (Trực Ninh), Minh Thành (Vụ Bản)..., mô hình trồng dưa hấu giá trị thu nhập 40 - 45 triệu đồng/ha/vụ ở các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu; mô hình trồng khoai tây giống Solara (Đức), Diaman (Hà Lan) giá trị thu nhập 25 - 30 triệu đồng/ha/vụ, đã mở rộng ở Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Giao Thuỷ...
- Thực hiện tốt các biện pháp thâm canh tổng hợp và đổi mới giống lạc đã đưa năng suất lạc đạt 45 - 50 tạ/ha. Đến nay, Nam Định là tỉnh có bộ giống lạc phong phú và có năng suất lạc xuân đứng đầu cả nước... Các mô hình thâm canh lạc đã được nhân rộng ở Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-2,5 lần trồng lúa. Để mở nhanh diện tích lạc của Nam Định theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Tỉnh, ngoài vụ lạc xuân là chủ lực, Trung tâm còn hướng tới phát triển cây lạc hè thu và thu đông. Việc chuyển giao công
nghệ phủ màng ni lon đã góp phần mở rộng diện tích lạc và tăng năng suất lạc; hàng năm đã tăng thêm 1.000 ha với năng suất lạc từ 25-28 tạ/ha đã góp phần chủ động giống cho vụ sau và tăng sản lượng lạc hàng hoá.
- Đã thu thập tập đoàn giống lúa gồm trên 180 giống lúa lai, lúa thuần khác nhau đưa vào nghiên cứu, khảo nghiệm. Thông qua đó đã chọn lọc và đưa vào cơ cấu đại trà một số giống lúa có năng suất, chất lượng cao như : Lúa lai D ưu 725, Syn 6, Phú ưu 4, HYT 100 , B-te1, Bắc ưu 025, NDV1...; lúa thuần: N46, TL6, X26, SH2…
- Nghiên cứu, khảo nghiệm 20 giống cà chua. Đã lựa chọn và bổ sung vào cơ cấu sản xuất nhiều giống có năng suất cao, chống chịu tốt với sâu bệnh; Savior, TN006, TH144, TN060.
- Nghiên cứu, khảo nghiệm 8 giống lạc. Đã chọn được giống L23 là giống cho năng suất cao hơn đối chứng 13% bổ sung vào cơ cấu.
- Nghiên cứu và kết luận mật độ cấy, lượng phân Kali cho lúa phù hợp với các vùng sinh thái của tỉnh.
- Chuyển giao nhanh các giống mới vào sản xuất thông qua xây dựng mô hình trình diễn: Khoai tây giống Solara của Đức, giống dưa hấu Hắc Mỹ nhân của Đài Loan, giống dưa chuột bao tử Marilbel, giống dưa trung tử Azắc của Hà Lan, ngô ngọt Sugar 75 (Thái lan), Hoa trân (Trung Quốc )...
- Các mô hình TBKT khác như: Sử dụng phân bón tổng hợp NPK 16:16:8, 5:12:3; phân bón lá KH; phân hữu cơ vi sinh... làm tăng năng suất 5 - 7% đối với các cây trồng và hạn chế sâu bệnh hại. Mô hình gieo lúa sạ hàng giảm 40% lượng giống lúa thuần, giảm công cấy, năng suất tăng 5-10%.
Các mô hình tiến bộ kỹ thuật áp dụng công nghệ sản xuất nông sản an toàn, bảo vệ môi trường (GAP), chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, áp dụng giống mới, các biện pháp thâm canh tổng hợp đã hình thành những cánh đồng trên đất màu với diện tích hàng trăm ha đã đạt 100-150 triệu đồng/ha năm, trên đất 2 lúa mở rộng vụ đông đạt 80-90 triệu đồng/ha năm như : Giao Phong - Giao Thuỷ; Yên Cường, Yên Đồng - Ý Yên; Nam Dương - Nam Trực; Hải Tây - Hải Hậu; Nghĩa Hồng, Nghĩa Hoà - Nghĩa Hưng…
- Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi, góp phần hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong giai đoạn vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã xây dựng các mô hình chăn nuôi:
+ Chăn nuôi lợn hướng nạc: Các tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi như: công nghệ chuồng kín, quy trình cai sữa sớm cho lợn con,...tiếp tục được phổ biến, nhân rộng, thông qua các chương trình, dự án được triển khai đã giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng thu nhập, đồng thời góp phần tích cực chuyển đổi phương thức và quy mô chăn nuôi từ nhỏ lẻ, manh mún, tận dụng sang chăn nuôi trang trại tập trung quy mô vừa và nhỏ theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người chăn nuôi.
+ Chăn nuôi gà ATSH và đảm bảo vệ sinh môi trường: Đã xây dựng các mô hình chăn nuôi gà thả vườn và tập trung. Các hộ đã thực hiện các yêu cầu như chuồng trại xa khu dân cư, khử trùng tiêu độc định kỳ, tiêm vacxin H5N1. Kết quả các mô hình chăn nuôi gà thịt đều không bị mắc dịch cúm H5N1, nông dân yên tâm đầu tư mở rộng.
+ Cải tạo đàn bò theo hướng thịt: Thực hiện dự án “Sind hoá đàn bò”, mỗi năm cho ra đời trên 1.000 con bê lai. Kết quả bò lai Sind trọng lượng thịt tăng từ 30-40% so với bò vàng địa phương.
Thông qua việc triển khai các mô hình phát triển chăn nuôi đã góp phần chuyển đổi phương thức chăn nuôi, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ngày một giảm, xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung với quy mô trên 30 lợn nái, 200 lợn thịt, 1000 gà, vịt…nhiều mô hình trang trại có lãi từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
- Xây dựng mô hình nuôi trồng và khai thác thuỷ sản:
+ Nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ: chú trọng xây dựng mô hình nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, có khả năng xuất khẩu như mô hình nuôi tôm Sú, tôm Chân trắng thâm canh, nuôi cua biển, cá vược, cá song, cá bống bớp, nuôi Sò huyết, nuôi Ngao tăng sản và mô hình một số đối tượng nuôi mới như: cá Chim biển vây vàng, cá Hồng đỏ (cá Chép biển).
+ Nuôi trồng nước ngọt: Cùng với phát triển các đối tượng nuôi truyền thống như mè, trôi, trắm, chép... các mô hình khuyến ngư tập trung phát triển
các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế đang được thị trường ưa chuộng như: cá quả, cá Chim trắng, cá Bống tượng, cá Diêu hồng, ếch, lươn, tôm Càng xanh... các mô hình luân canh, xen canh lúa - cá... Các mô hình nuôi được hướng dẫn các quy định về quản lý cộng đồng, áp dụng công nghệ nuôi sạch, sử dụng thức ăn công nghiệp, các chế phẩm vi sinh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bền vững môi trường (GAP, CoC, BMP). Thông qua mô hình giúp các hộ nuôi nắm được kiến thức cơ bản về quản lý ao nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho các đối tượng nuôi.
+ Trên cơ sở chọn lọc, du nhập thành công các giống thuỷ sản như: cá chép 3 máu, rô phi đơn tính, cá chim trắng, tôm càng xanh, cá Hồng Mỹ đến nay đã phát triển rộng rãi, đồng thời thuần hoá thành công một số loài cá mới như: chim biển vây vàng, cá chép biển, cá xủ đất nước lợ, cá Trôi Trường Giang nước ngọt...
+ Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới về thức ăn chế biến công nghiệp nuôi cá Bống bớp. Tham gia nghiên cứu đề tài phòng trị bệnh cho cá biển, cảnh báo môi trường, xây dựng quy trình ương cá Bống bớp giống và nuôi cá Bống bớp thương phẩm. Tiếp nhận thành công công nghệ sinh sản nhân tạo cá Bống bớp tại Nghĩa Hưng và nhân ra diện rộng tại 3 huyện ven biển.
Nhìn chung các mô hình khuyến ngư đều có hiệu quả tốt góp phần tích cực vào phát triển sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản; duy trì, phát triển nghề khai thác hải sản, các mô hình không chỉ là địa chỉ tin cậy để bà con nông ngư dân trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mà còn được nhiều tỉnh bạn như: Cà Mau, Nghệ An, Thanh Hoá,... đến tham quan học tập.