Nguyên nhân

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng tại ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Đống Đa (Trang 47)

P. Tiền tệ kho quỹ Quản lý rủi ro

2.3.2.2Nguyên nhân

Về phía chi nhánh

Nguyên nhân đầu tiên là chính sách tín dụng của chi nhánh chưa thật linh hoạt. Cho vay kinh doanh là hoạt động thế mạnh truyền thống của chi nhánh, lợi nhuận từ cho vay kinh doanh mang lại chiếm tỷ trọng rất lớn. Chính sách tín dụng được xây dựng theo hướng ưu tiên đối tượng khách hàng này. Trong khi đó, khách hàng vay tiêu dùng lại gặp nhiều khó khăn hơn khi vay vốn tại chi nhánh. So với các khoản vay kinh doanh, các yêu cầu vay vốn tiêu dùng khó được chấp thuận hơn. Nếu được vay thì lãi suất vay tiêu dùng cao hơn, thời hạn ngắn hơn, giới hạn cho vay cũng thấp hơn… Các điều kiện về tài sản đảm bảo cũng chặt chẽ hơn. CVTD không có đảm bảo bằng tài sản hầu như chỉ có hình thức vay bằng sổ lương. Thủ tục định giá tài sản đảm bảo của chi nhánh khá rườm rà. Tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm chưa cao, chỉ từ 20- 50%. Chính sách khách hàng của chi nhánh còn thiếu cởi mở, chưa thu hút được lượng đông đảo khách hàng vay tiêu dùng đến với chi nhánh.

Công tác marketing về CVTD của chi nhánh chưa được quan tâm. Chính sách sản phẩm chưa tạo ra sự nổi bật cho sản phẩm của chi nhánh so với sản phẩm của các NHTM khác. Mặc dù chi nhánh đã chủ động tìm kiếm khách hàng mới, tìm hiểu thực tế để đưa ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao mới, thoả mãn nhu cầu của khách hàng, xong hoạt động quan trọng này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chính sách marketing của chi nhánh mới chỉ được xây dựng chung chung, chưa hướng tới từng đối tượng khách hàng cụ thể. Việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh đã có nhưng chưa được đầu tư thích đáng nên hiệu quả đem lại không cao. Chính vì vậy mà những cố gắng trong việc nâng cao chất lượng CVTD của chi nhánh chưa đạt được những kết

quả như mong đợi.

Quy trình cho vay mà chi nhánh đang áp dụng đối với các khoản CVTD chưa mang tính linh hoạt. Đây cũng là nguyên nhân gây nên những hạn chế trong hoạt động CVTD. Những điều kiện cho vay còn khắt khe, thủ tục phức tạp, mất thời gian khiến cho nhiều khách hàng vay tiêu dùng tuy có tình hình tài chính và thu nhập tốt, phương án vay khả thi khó tiếp cận được nguồn tín dụng từ chi nhánh. Vẫn biết lĩnh vực CVTD hàm chứa rất nhiều rủi ro, nhưng chi nhánh còn quá chặt chẽ trong việc xác định tài sản cầm cố thế chấp và các thủ tục nhằm tránh rủi ro, sự chặt chẽ đó đã khiến cho nhiều khách hàng không thể vay được vốn.

Một nguyên nhân chủ quan khác không thể không nhắc tới là quy mô và cơ cấu nguồn vốn của chi nhánh. Hà Nội nói chung và Quận Đống Đa nói riêng là nơi tập trung rất nhiều NHTM. Vì vậy, sự cạnh tranh trong việc huy động vốn cũng rất gay gắt, gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn của chi nhánh. Lãi suất huy động mà chi nhánh đưa ra thấp hơn so với các NHTM cổ phần khác, các hình thức huy động chưa hấp dẫn nên quy mô vốn của chi nhánh chưa có sự gia tăng mạnh mẽ. Mặt khác, nguồn huy động của chi nhánh chủ yếu là ngắn hạn. Để đảm bảo khả năng thanh khoản và sự phù hợp về kỳ hạn, chi nhánh không thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn trung dài hạn CVTD. Chính vì vậy, hoạt động nâng cao chất lượng CVTD của chi nhánh vẫn bị kìm hãm.

Bên cạnh nguyên nhân từ phía chi nhánh, những hạn chế trong hoạt động CVTD của chi nhánh còn được lý giải bởi những nguyên nhân thuộc về chính khách hàng vay tiêu dùng.

Về phía khách hàng vay tiêu dùng

Nguyên nhân lớn nhất chính là khả năng đáp ứng các điều kiện vay của người tiêu dùng còn hạn chế. Các khách hàng vay tiêu dùng có đặc điểm là quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính không đồng đều, đa số khách hàng vay

tiêu dùng không có tình hình tài chính tốt. Hơn nữa, khách hàng vay tiêu dùng hầu hết không có người bảo lãnh, lại không có tài sản đảm bảo, hoặc tài sản đảm bảo không đủ tiêu chuẩn. Công tác kiểm tra tài chính của khách hàng cá nhân gặp khó khăn hơn nhiều so với khách hàng doanh nghiệp. Thêm vào đó, trình độ của khách hàng cá nhân không cao, kiến thức quản lý vốn và tài sản yếu kém. Rủi ro đạo đức đối với khách hàng cá nhân lại cao hơn nhiều so với khách hàng doanh nghiệp, công tác kiểm tra giám sát cho vay với đối tượng này tốn nhiều chi phí và phức tạp vì tuy quy mô vay nhỏ nhưng số lượng lại rất lớn. Tất cả những điều đó khiến cho người tiêu dùng khó đáp ứng được các điều kiện vay mà chi nhánh đặt ra. Tuy nhiên trình độ, các điều kiện tài chính và thu nhập của khách hàng cá nhân không thể được cải thiện trong ngắn hạn, bởi đây là yếu tố mang tính xã hội và phụ thuộc vào sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Do đó việc tiếp cận vốn tín dụng của chi nhánh đối với khách hàng cá nhân còn rất khó khăn.

Về phía môi trường kinh doanh

Bên cạnh những nguyên nhân thuộc về chi nhánh và khách hàng, những nguyên nhân từ phía môi trường kinh doanh cũng rất quan trọng và không thể không kể đến.

Hiện nay cho vay tiêu dùng đã trở thành mục tiêu của các tổ chức tín dụng, điển hình là các ngân hàng thương mại cổ phần lớn rất chú trọng đến mảng thị trường đầy tiềm năng này. Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thị phần cho vay tiêu dùng sẽ bị chia sẻ nên quy mô cho vay tiêu dùng tại chi nhánh NHCT Đống Đa còn chưa cao là một lẽ tất yếu. Việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại quốc tế WTO dẫn đến sự mở cửa thị trường tài chính. Những ngân hàng quốc tế, những tập đoàn tài chính lớn mạnh xuất hiện, cung cấp những sản phẩm dịch vụ có chất lượng tốt sẽ thu hút một lượng lớn khách hàng đến với mình. Vì thế, hoạt động nâng cao chất lượng CVTD của chi nhánh sẽ càng khó khăn hơn.

Ngoài ra môi trường pháp lý kém minh bạch, thiếu lành mạnh khiến cho việc nâng cao chất lượng CVTD của chi nhánh gặp nhiều trở ngại. Sự bất hợp lý, cứng nhắc trong công tác hành chính, các văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn gây ra sự lúng túng cho khách hàng khi tiến hành vay vốn. Năng lực quản lý yếu kém của các cơ quan quản lý kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế nói chung và đối với hoạt động CVTD nói riêng. Vì thế mà nhu cầu vay vốn tiêu dùng cũng bị hạn chế rất nhiều. Hơn thế nữa, những quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động của các NHTM lại quá khắt khe. Tất cả những điều này đã gây khó khăn rất lớn đối với hoạt động CVTD của chi nhánh.

Hiện nay chưa có đủ các quy định pháp lý đảm bảo cho người tiêu dùng có nhu cầu vay vốn có thể tiếp cận thường xuyên với nguồn tín dụng của ngân hàng. Những biện pháp hỗ trợ tiêu dùng, bảo lãnh tín dụng cho nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, chính sách hỗ trợ tài chính tín dụng… chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, vay được vốn của ngân hàng nói chung và của chi nhánh nói riêng vẫn là vấn đề khó khăn đối với khách hàng vay tiêu dùng.

Nhìn chung, hoạt động nâng cao chất lượng CVTD của chi nhánh đã đạt được những thành tựu. Song những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động này cũng không ít. Nếu như chi nhánh không có những giải pháp kịp thời thì những hạn chế nêu trên không những không được giải quyết mà ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đe doạ tới sự phát triển của chi nhánh nói chung và tới hoạt động CVTD nói riêng trong tương lai.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng tại ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Đống Đa (Trang 47)