Kết quả định lượng LL-37 được trình bày trong bảng 3.12 cho thấy nồng độ LL-37 trung bình ở nhóm bệnh nhân bị NKTN là 16,2 ± 5,1ng/mL (6,1- 32,01 ng/mL) thấp hơn nồng độ LL-37 của nhóm trẻ nhi không bị bệnh là 20,3 ± 5,9 ng/mL (11,9- 34,3ng/mL). Tuy nhiên so sánh nồng độ LL-37 giữa hai nhóm chúng tôi nhận thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Những nghiên cứu gần đây cho thấy vitamin D đóng vai trò trong việc điều chỉnh việc sản xuất các peptide kháng khuẩn như LL-37 trong các đại thực bào được nuôi cấy [62]. Một nghiên cứu bệnh chứng giữa bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết và những người khỏe mạnh cho thấy LL-37 ở nhóm khỏe mạnh cao hơn có ý nghĩa so với nhóm bệnh (13,37± 2,1ng/mL và 27,2±4,9 ng/mL) [53]. Sự khác biệt này có thể do cỡ mẫu nghiên cứu chúng tôi còn nhỏ. So sánh nồng độ LL-37 theo giới tính chúng tôi nhận thấy ở trẻ trai nồng độ LL- 37 ở nhóm chứng cao hơn có ý nghĩa so với nhóm trẻ bị bệnh (15,8 ± 4,4 và 20,3 ± 5,9 ng/mL). Như vậy trong nghiên cứu của chúng tôi LL-37 có xu hướng cao hơn ở những trẻ khỏe mạnh so với nhóm mắc bệnh.
So sánh nồng độ LL-37 ở nhóm bệnh nhi NKTN với nhóm bệnh nhân lao phổi. Kết quả nồng độ LL-37 trung bình của chúng tôi thấp hơn so với nồng độ LL-37 trung bình ở nhóm bệnh nhân lao phổi (16,2 ± 5,1ng/mL và 49,5 ± 23,8 ng/mL). Sự khác biệt này có thể do trong bệnh lao các phản ứng viêm và các đáp ứng miễn dịch diễn ra mạnh hơn LL-37 được tăng cường huy động và tăng tổng hợp để giết trực khuẩn lao [80].