Mỗi ao còn được bố trí 1 máy cho ăn, đặt ở một góc ao, cách bờ ao 12m. Vị trí đặt máy cho ăn chú ý không gần quạt nước để tránh thức ăn bị cuốn trôi vào khu vực giữa rốn của ao. Cấu tạo 1 máy cho ăn bao gồm 3 phần chính. Một hệ thống điện tự động, điều chỉnh chu kì thời gian mô tơ tự động chạy rải thức ăn và thời gian mô tơ nghỉ. Một mô tơ với công suất 3 HP (2,2 Kw/h), tác dụng làm quay trục rải đều thức ăn. Một thùng đựng thức ăn, có thể đựng được 100 kg thức ăn. Khu vực tôm ăn rộng đường kính 14m - 20m.
Hình 3.3. Bảng điều khiển tự động máy cho tôm ăn
Hình 3.4. Mô tơ của máy cho tôm ăn
Hình 3.5. Thùng đựng thức ăn của máy cho tôm ăn
Hệ thống trang thiết bị phụ hỗ trợ
Máy bơm nước: đủ loại và kích cỡ từ 10, 15, 20 HP. Hệ thống điện lưới của trại: Toàn bộ hoạt động của hệ thống máy móc phục vụ cho sản xuất bằng điện 3 pha với trạm biến áp có công suất 160KvA- 22kw, máy phát điện dự trù 380v dùng để chạy cho toàn hệ thống khi bị mất điện. Sàng ăn (nhá) là dụng cụ để kiểm tra lượng thức ăn mỗi bữa ăn. Thông qua đó để điều chỉnh lượng thức ăn cho lần sau chính xác hơn. Hình dạng kích thước của sàng: Có dạng hình vuông, kích thước (80cm x 80cm). Dụng cụ chài tôm có đường kính 4 m.
Ngoài ra cơ sở nuôi được trang bị nhiều thiết bị khác phục vụ cho sản xuất như: xô chậu, cân tiểu ly liểm tra tốc độ tăng trưởng của tôm và các thiết bị đo yếu tố môi trường ao nuôi. Nhìn chung cơ sở vật chất của trại nuôi được đầu tư, bố trí rất phù hợp cho quá trình vận hành, hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, cơ sở nuôi vẫn chưa có hệ thống ao xử lý nước thải, nguồn nước lấy vào và thải ra cùng 1 mương dẫn chung. Do vậy sẽ là mối nguy cơ cho trường hợp khi ao nuôi tôm thải ra ngoài mầm bệnh dễ phát tán gây nguy cơ đại dịch lớn và ô nhiễm môi trường khu nuôi.