Sau chiến thắng mùa xuân 1975 cách nhìn về Việt Nam của nhiều nước tư bản và các nước đang phát triển khác trước. Đồng thời trong quan hệ đối ngoại quan điểm của Việt Nam cũng có sự thay đổi chuyển dần từ đối đầu sang hợp tác và hoà bình trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và độc lập của mỗi nước. Các nước thuộc khu vực II đã dần có thiện cảm, lập quan hệ và tháo dần những rào cản trong các quan hệ với Việt Nam. Việt Nam đã tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với một loạt các nước phát triển như Nhật, Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức, Thuỵ Điển, các vùng lãnh thổ và các nước đang phát triển như: Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Công, Nam Triều Tiên, Thái Lan, Singapore.... Nhờ vậy tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu sang khu vực II trong tổng kim ngạch chiếm 46,8% (năm 1986) [42, tr. 107].
Tuy nhiên thời kỳ trước đổi mới (1975 - 1986) Việt Nam đã gặp không ít khó khăn và đứng trước những thử thách lớn ngày càng bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế đối ngoại. Một trong những nguyên nhân đó là Việt Nam chưa thoát ra khỏi cách làm ăn theo cơ chế cũ, mặt khác trong giai đoạn này Việt Nam lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, tình hình các nước trong phe xã hội chủ nghĩa Đông Âu đang có những dấu hiệu biểu hiện của sự khủng hoảng sâu sắc cả về kinh tế và chính trị nên không thể giúp đỡ Việt Nam về kinh tế như trước đây nữa. Nguồn vốn và vật tư thiết bị, nguyên liệu từ các nước này đổ vào Việt Nam bị hạn chế, giảm đi rất nhiều, làm cho tình hình sản xuất trong nước tăng chậm, lưu thông hàng hoá bị đình đốn, giá cả tăng nhanh, lạm phát ngày một trầm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Mỹ lại vẫn tiếp tục thực hiện chính sách cấm vận và phong toả Việt Nam trên tất cả các mặt, làm cho Việt Nam đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Nền kinh tế đối ngoại, trong đó có ngoại thương Việt Nam vẫn chưa thể vươn mạnh lên, phát huy đúng vị trí, vai trò quan trọng của nó trong nền kinh tế. Và điều đó làm cho nó không thể giúp cho nền kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng chậm phát triển.
Mặc dù trong hoàn cảnh tình hình quốc tế không thuận lợi và chúng ta gặp phải không ít khó khăn như vậy, xuất nhập khẩu vẫn phát triển (xem biểu 2)
Căn cứ vào số liệu thống kê trong biểu 2 về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 1976 - 1986 có thể thấy rằng: năm 1976 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1226,8 triệu rúp - đô la, đến năm 1986 đạt 2978,1 triệu rúp - đô la. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm: 11,73%. Tình hình xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng không đều nhau. Xuất khẩu hàng hoá sang khu vực II có chiều hướng tăng nhanh hơn: tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 17,23%, trong khi đó xuất sang khu vực I tăng 14,35%. Còn về nhập khẩu: hàng nhập khẩu từ khu vực I có chiều hướng tăng nhanh hơn khu vực II (khu vực I tốc độ nhập khẩu bình quân hàng năm là 12,75%, khu vực II là 3,66%) . Tốc độ tăng trưởng của xuất nhập khẩu trong biểu 2, cho thấy: chúng ta đã chú trọng nhiều đến xuất khẩu, tăng xuất khẩu sang khu vực II là bước đầu tạo cơ hội để thâm nhập thị trường thế giới, từng bước tham gia vào lộ trình hội nhập với kinh tế thế giới. Tuy nhiên nhập siêu vẫn là đặc trưng cơ bản của cán cân thương mại suốt cả thời kỳ và mức độ đáp ứng ngoại tệ từ xuất khẩu cho nhập khẩu vẫn ở mức thấp: năm 1986 chỉ đạt 31,8%. Những mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất phải kể đến: sắt thép, xăng dầu, máy móc, thiết bị. Hàng tiêu dùng chúng ta cũng phải nhập khẩu khá nhiều như: đường, sữa, vải.... thậm chí cả lúa gạo. Trong giai đoạn 1976 - 1985 nước ta đã nhập khẩu 60 triệu mét vải các loại và gần 1,5 triệu tấn lương thực (quy gạo). Còn xuất khẩu, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các nông sản phẩm, lâm sản, thuỷ sản và hàng thủ công mỹ nghệ. Đến năm 1985 trong tổng kim ngạch xuất khẩu, hàng nông - lâm - thuỷ sản chiếm hơn 60%, gần 30% là hàng công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp.
Biểu 2: Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam giai đoạn 1976 - 1986 ĐVT: triệu rúp - đô la Năm Tổng kim ngạch Trong đó Khu vực I Khu vực II Xuất khẩu Nhập khẩu Cán cân
thương mại
Xuất khẩu Nhập khẩu Cán cân thương mại 1976 1226,8 132.9 557.5 -414.6 89.8 446.6 -356.8 1977 1540,9 221.2 505.5 -284.3 103.3 712.9 -611.8 1978 1630,0 246.7 518.2 -271.5 80.1 785.0 -704.9 1979 1846,6 235.0 797.8 -562.8 85.5 728.3 -642.8 1980 1652,8 225.0 755.1 -529.2 112.7 559.1 -446.4 1981 1783,4 235.0 947.8 -712.3 165.6 434.4 -268.8 1982 1998,8 337.1 1087.9 -750.8 189.5 384.3 -194.8 1983 2143,2 381.3 1140.5 -759.2 235.2 386.2 -151.0 1984 2394,6 407.9 1232.6 -824.7 241.7 512.4 -270.7 1985 2555,9 425.8 1408.1 -982.3 272.7 449.3 -176.6 1986 2978,1 438.9 1659.4 -1220.5 384.1 495.7 -11.0
(Nguồn: Số liệu thống kê 1976 - 1990, NXB Thống kê HN, 1991)
Trong giai đoạn 1975 – 1986, nguyên tắc làm nền tảng cho việc hình thành cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động ngoại thương là Nhà nước độc quyền về ngoại thương với nội dung chủ yếu:
- Các hoạt động ngoại thương đều được kế hoạch hoá với một hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh chặt chẽ và được chỉ đạo tập trung từ trung ương.
- Các hoạt động ngoại thương đều do các tổ chức kinh tế quốc doanh thực hiện.
- Các hoạt động về thương mại, về kinh tế với các nước do Nhà nước đảm nhiệm. Cơ chế quản lý tập trung bao cấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu và phát triển các mặt hàng xuất khẩu. Việc xuất khẩu theo hạn ngạch và những mặt hàng Nhà nước giao cho theo chỉ tiêu pháp lệnh đã l àm triệt tiêu tính cạnh tranh trong hoạt động ngoại thương về hàng hoá, về chất lượng và mẫu mã, chủng loại hàng hoá... Và nó cũng chính là nguyên nhân làm cho chúng ta không phát triển được sản xuất hàng hoá cho xuất khẩu. Trước tình trạng trì trệ của nền kinh tế, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, Khoá IV đã đề ra một số biện pháp nhằm cải biến cơ chế quản lý hoạt động ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu. Song nguyên tắc cơ bản của cơ chế quản lý ngoại thương vẫn là độc quyền ngoại thương, tuy nhiên đã có một số sửa đổi.
Thứ nhất, sửa đổi công tác kế hoạch hoá xuất khẩu. Trong sửa đổi kế hoạch xuất khẩu, Nhà nước thu hẹp các chỉ tiêu pháp lệnh đối với xuất khẩu, cho phép xuất khẩu theo hai loại: xuất khẩu theo kế hoạch và ngoài kế hoạch.
Thứ hai, mở rộng quyền hoạt động ngoại thương cho các địa phương, thông qua các đơn vị kinh tế quốc doanh ngoại thương của địa phương, từ đây hình thành hai quy chế xuất khẩu khác nhau: hàng xuất khẩu trung ương và hàng xuất khẩu địa phương..
Thứ ba, mở rộng quyền xuất khẩu trực tiếp cho các Liên hiệp xí nghiệp. Theo quy định này, Bộ Ngoại thương là bộ quản lý nhà nước về ngoại thương, còn các bộ chủ quản của các xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu được quyền hoạt động ngoại thương (Bộ quản lý ngành).
Thứ tư, dành cho các địa phương một tỷ lệ ngoại tệ thu được từ xuất khẩu địa phương để nhập khẩu vật tư phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu địa phương và cho kinh tế địa phương. Từ đây đã hình thành chế độ tự cân đối ngoại tệ đối với các địa phương.
Những sửa đổi này đã làm giảm bớt phần nào tính tập trung cao của công tác quản lý ngoại thương của Nhà nước Trung ương, đã phần nào tạo cơ hội cho các xí nghiệp và địa phương được chủ động tích cực tham gia vào việc khai thác và tổ chức sản xuất, tổ chức nguồn hàng địa phương để tăng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế địa phương nói riêng, song về cơ bản những sửa đổi này vẫn không thoát khỏi khuôn khổ độc quyền ngoại thương của Nhà nước. Đây cũng là đặc thù của cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hoá tập trung và là đặc trưng riêng có của các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây.