Chiến lược công nghiệp hoá mới của Trung Quốc được bắt đầu từ năm 1978 nhằm thực hiện sự chuyển đổi mang tính lịch sử: một là, chuyển từ một xã hội nông nghiệp nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị; hai là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường. Để thực hiện chiến lược trên Trung Quốc đề ra những giải pháp cơ bản mang tính chiến lược là: phải tập trung hoá, nhân rộng và thực dụng, được nổi bật trong bốn lĩnh vực chủ yếu, nơi mà công cuộc cải cách đã tác động rất nhiều tới tăng trưởng gồm: nông nghiệp, công nghiệp nông thôn, thương mại và các doanh nghiệp nhà nước.
Nhờ việc định ra chiến lược phát triển đúng đắn mà Trung Quốc đã tạo ra nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, trong giai đoạn 1978 - 1995, kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần so với 15 năm trước, GDP có tốc độ tăng trưởng bình quân 8% năm. Về cơ cấu: trong vòng 18 năm lực lượng lao động nông nghiệp đã giảm từ 71% xuống 50% (trong khi Mỹ phải mất 50 năm, Nhật Bản mất 60 năm). Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc mở rộng quan hệ đối ngoại theo 3 hướng:
- Cải cách hệ thống thương mại.
- Giảm bớt quy định gò bó về đầu tư trực tiếp, thành lập và phát triển mạnh các đặc khu kinh tế (đến năm 1993 toàn Trung Quốc có 9000 đặc khu kinh tế hoặc loại hình tương tự) [60, tr. 33].
Trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, Trung Quốc luôn nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với tình tình mới ở mỗi giai đoạn. Nhờ vậy, Trung Quốc đã định ra kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (1996 - 2000) và chiến lược 15 năm với đường lối và chiến lược ưu tiên cơ bản nhằm duy trì tăng trưởng cao và bền vững với 2 nhiệm vụ: tiếp tục chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nên kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc của Trung Quốc và chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng (dựa vào tăng sản lượng) sang tăng trưởng theo chiều sâu (nhờ vào tăng năng suất). Tốc độ tăng trưởng phải đạt 8%/ năm trong 5 năm tới.
Chiến lược đưa ra một chương trình hành động cho tương lai là:
- Duy trì động lực cho công cuộc cải cách. Tập trung cải cách 1000 doanh nghiệp lớn nhất của nhà nước hướng tới tăng trưởng theo chiều sâu.
- Phát triển nguồn nhân lực.
- Đẩy mạnh nông nghiệp
- Bảo vệ môi trường.
Có thể thấy rằng: những thành công mà Trung Quốc đạt được trong hai thập kỷ qua gắn liền với việc hoạch định đúng đắn đúng hướng chiến lược, điều mà ít quốc gia có được.
Tóm lại: Từ những kết quả, những bài học kinh nghiệm của một số nước và vùng lãnh thổ về hoạch định đúng hướng chiến lược phát triển kinh tế, có thể rút ra một số vấn đề cần tham khảo, đó là:
Thứ nhất: Muốn phát triển phải có chiến lược rõ ràng. Chiến lược được đưa ra phải có căn cứ khoa học cơ bản, phù hợp đặc điểm và trình độ phát triển của quốc gia, tận dụng mọi cơ hội để đạt được sự tăng trưởng kinh tế cao.
Thứ hai: Luôn luôn phải thích ứng với bối cảnh quốc tế và các yếu tố bên ngoài để có các phản ứng đúng đắn và thích hợp ở bên trong.
Chiến lược phải thay đổi kịp thời, mềm dẻo, linh hoạt và cần có một chính phủ mạnh để quyết định và điều hành kinh tế. Các chính sách của chính phủ phải hướng tới và tạo môi trường cho thị trường và các lực lượng ngoài nhà nước phát triển.
Thứ ba: Nội dung của chiến lược phải bao gồm những mục tiêu và các giải pháp thích ứng của cả giai đoạn chiến lược (10 - 15 năm) và chia ra nhiệm vụ với các bước đi 5 năm để thực hiện mục tiêu chiến lược.
Thứ tư: Mỗi thành công hay thất bại của các chiến lược phát triển của mỗi quốc gia đều gắn với hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của mỗi nước lúc bấy giờ. Không thể tuyệt đối máy móc áp dụng các kinh nghiệm đó cho quốc gia mình. Chiến lược cần có sự đột phá mới, không có tiền lệ. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng cần chú ý khi hoạch định chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
CHƢƠNG 2