Bình đồ ảnh là hình ảnh của miền thực địa được thực hiện bằng cách ghép và cắt dán các tấm ảnh đơn và nắn theo mảnh bản đồ. Những tấm ảnh nắn được khử sai số do góc nghiêng của ảnh gây ra, còn sai số của điểm ảnh do địa hình được hạn chế tới mức tối thiểu phù hợp với độ chính xác của bản đồ. Cơ sở nắn ảnh, ghép ảnh là các điểm khống chế được ghi trên bản gốc. Bình đồ ảnh mang các thông tin tối đa bề mặt thực địa, là sản phẩm trung gian để thành lập hay hiện chỉnh bản đồ. Trong trường hợp này, hình ảnh trên bình đồ ảnh được giải đoán và các yếu tố địa hình được đo vẽ trực tiếp trên đó bằng các phương pháp trắc địa hoặc phương pháp đo vẽ lập thể.
Bình đồ ảnh có hai khái niệm là bình đồ ảnh được thành lập thông qua công tác nắn ảnh theo nguyên lý nắn ảnh vùng bằng phẳng và bình đồ ảnh trực giao được thành lập theo nguyên lý ảnh trực giao. Ngày nay, bình đồ ảnh trực giao được thành lập theo dây chuyền công nghệ đo ảnh số.
Sau khi nắn ảnh chế tạo bình đồ ảnh thì có thể sử dụng bình đồ ảnh làm cơ sở đo vẽ địa vật nhằm hoàn thiện nội dung mô tả bản đồ. Các lớp thông tin có thể khai thác từ bình đồ ảnh bao gồm: cơ sở toán học, dân cư, thủy hệ, thực vật, giao thông.
So với bản đồ thì bình đồ chứa nhiều thông tin lớn và địa vật được thực hiện một cách chi tiết và rõ ràng. Các dạng đặc trưng của địa hình có thể dễ nhận biết như chỗ đứt gãy, uốn gấp. Tuy nhiên, bình đồ ảnh cho thấy hình ảnh của các địa vật chưa được chọn lọc khái quát hóa bằng các ký hiệu quy ước dễ đọc như trên bản đồ, đồng thời chưa có các ký kiệu về dáng đất và độ cao. Các đối tượng cần biểu thị trên bản đồ mà không có hình ảnh trên ảnh thì phải được khai thác từ tài liệu hoặc điều tra trong thực địa.
Bình đồ ảnh thường được sử dụng khi thành lập và hiện chỉnh bản đồ địa hình, bản đồ chuyên đề, đôi khi có thể thay thế bản đồ trong công tác khảo sát thăm dò. Trong chiến đấu, là tài liệu quan trọng giúp người chỉ huy trận đánh cũng như bảo vệ mục tiêu quan trọng. Trong huấn luyện, bình đồ ảnh là tài liệu học tập.