Giải pháp về nguồn vốn cho phát triển làng nghề

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề ở huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình (Trường hợp làng nghề đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân) (Trang 90)

Vì vốn là yếu tố đầu vào không thể thiếu trong quá trình tổ chức sản xuất. Nhất là do đặc thù của các sản phẩm Đá mỹ nghệ cần số vốn rất lớn trong trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh. Trong khi, mức tích luỹ của dân cư trong làng nghề còn thấp, khả năng tiếp cận với các nguồn vốn khác còn rất hạn chế, sự liên kết, hợp tác kinh tế với các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại khác để khai thác nguồn vốn còn yếu; môi trường đầu tư cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề chưa đủ sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư vào khu vực làng nghề. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển các làng nghề cần thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, làng nghề cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, bên cạnh đó, huyện cần xây dựng kế hoạch và hợp lý hoá cơ cấu vốn đầu tư cho phát triển các làng nghề bằng nguồn vốn ngân sách.

Đa dạng hoá các hình thức huy động vốn để tập trung đầu tư phát triển làng nghề. Cần kết hợp giữa nội lực và ngoại lực thành nhân tố tổng hợp để phát triển nhưng nhân tố nội lực vẫn giữ vai trò chủ đạo. Vì thế, thu hút vốn cho phát triển làng nghề cần có tổng lực các nguồn vốn: Vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn tự có của doanh nghiệp, vốn của dân cư,…đồng thời tranh thủ các nguồn vốn khác từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoặc thông qua hình thức liên kết kinh tế bằng việc cung ứng nguyên liệu, vật liệu, thiết bị hay ứng vốn trước cho các cơ sở sản xuất và người ứng vốn, thiết bị sẽ bao tiêu sản phẩm.

Thay đổi chính sách thuế đối với các sản phẩm của các làng nghề. Đổi mới cơ chế, chính sách thuế, chính sách tín dụng phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của làng nghề đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Trước hết, cần sắp xếp lại các sắc thuế, giảm bớt số lượng sắc thuế, giảm thuế cho các đối tượng như: Cơ sở sản xuất kinh

doanh mới thành lập, song có triển vọng phát triển sản xuất, thị trường ổn định, thu hút được nhiều lao động và giữ gìn được giá trị bản sắc văn hoá của dân tộc; cơ sở sản xuất sản phẩm xuất khẩu; cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chống ô nhiễm môi trường.

Hệ thống ngân hàng cần mở rộng tín dụng cho các làng nghề với sự bảo lãnh của chính quyền địa phương. Tổ chức các hình thức Quỹ tín dụng nhân dân cổ phần…Đơn giản hoá thủ tục cho vay đối với các cơ sở sản xuất của làng nghề. Cần tăng khả năng vay vốn bằng tín chấp cho làng nghề. Cần ưu tiên cho vay đối với các ngành mà địa phương đang khuyến khích phát triển.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề ở huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình (Trường hợp làng nghề đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân) (Trang 90)