Giải pháp về quy hoạch phát triển làng nghề

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề ở huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình (Trường hợp làng nghề đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân) (Trang 85)

Làng nghề tiểu thủ công nghiệp là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nông thôn nói riêng và kinh tế huyện nói chung, là một yếu tố cấu thành nông thôn mới, góp phần CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Để thực hiện được việc phát triển kinh tế gắn với giữ gìn được giá trị văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái thì quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, ngành nghề nông thôn là điều quan trọng hàng đầu. Trong đó có qui hoạch phát triển làng nghề và qui hoạch vùng nguyên liệu cho làng nghề.

Căn cứ Nghị quyết của UBND tỉnh Ninh Bình, vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoa Lư lần thứ XXI và định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện đến năm 2015, tiến hành nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện, đồng thời xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, ngành nghề nông thôn của huyện theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, phát triển các làng nghề, cụm công nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn. Xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, bền vững phù hợp với năng lực sản xuất, lợi thế của từng vùng gắn với nhu cầu của thị trường, quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, làng nghề phải phù hợp với quy

hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn; gắn quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp với việc phát triển ngành nghề. Ưu tiên quỹ đất để phát triển ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống; quy hoạch đất dịch vụ liền kề với các cụm công nghiệp để tạo việc làm đối với những lao động bị thu hồi đất để xây dựng các cụm công nghiệp. Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng đa dạng hoá ngành nghề, phát triển làng nghề, tiếp thu nghề mới, chủ động về nguyên liệu để phát triển làng nghề ổn định và vững chắc.

Định hướng của tỉnh và huyện tập trung duy trì và phát triển làng nghề Đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân, đây là địa phương đã có các làng nghề truyền thống, nhân dân có tay nghề cao.

Quy hoạch làng nghề Đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích 23 ha đối diện với khu làng nghề cũ ở 2 thôn Xuân Phúc và Xuân Thành. Việc quy hoạch làng nghề Đá mỹ nghệ Ninh Vân sẽ khắc phục được tình trạng điểm sản xuất xen kẽ với khu dân cư, gây cản trở giao thông, gây tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch vùng nguyên liệu cho làng nghề gồm các dãy núi bao quanh thôn Xuân Phúc, Xuân Thành, Dưỡng Thượng, Dưỡng Hạ, Phú lăng, Vạn lê, Hệ Dưỡng với diện tích khoảng 200-300ha. Các dãy núi này khai thác không ảnh hưởng tới du lịch, đồng thời tiến hành ngay việc khảo sát, thăm dò để phát hiện ra loại đá phục vụ cho làng nghề Đá mỹ nghệ tại các quả núi đang cho khai thác để phục vụ 2 nhà máy xi măng Hệ Dưỡng và xi măng Duyên Hà. Trước mắt, cần tận dụng nguồn nguyên liệu đá đã được quy hoạch với diện tích gần 100 ha, kết hợp với các doanh nghiệp khai thác đá và vật liệu xây dựng để khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu tránh lãng phí. Ngoài ra, các làng nghề vừa sử dụng nguyên liệu tại chỗ và nguyên liệu nhập từ nơi khác để chủ động nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và kinh doanh.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề ở huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình (Trường hợp làng nghề đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân) (Trang 85)