Một số khuyến nghị trong thời gian đàm phán Hiệp định TPP

Một phần của tài liệu Dự báo kết quả đàm phán hiệp định thương mại xuyên thái bình dương (tpp) trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Cơ hội và thách thức với việt nam (Trang 63)

KHI THAM GIA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP)

3.3.1 Một số khuyến nghị trong thời gian đàm phán Hiệp định TPP

3.3.1.1 Tận dụng vị thế trong đàm phán, kết hợp với các nước có cùng vị thế và điều kiện để đưa ra các yêu cầu đàm phán phù hợp với lợi ích của mình

Trong số các đối tác tham gia đàm phán Hiệp định TPP, Hoa Kỳ là nước lớn nhất nên chắc chắn các đề xuất, yêu cầu và ý kiến của Hoa Kỳ sẽ có ảnh hưởng nhất đến tiến trình đàm phán và kết quả của Hiệp định TPP, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất so

với 7 nước còn lại; ngoài ra Việt Nam đã kí kết các FTA với Australia, New Zealand (AANZFTA) và Brunei, Singapore, Malaysia (AFTA), đang đàm phán với Peru và sẽ ký FTA với Chi Lê; do đó nếu kí kết Hiệp định TPP thì quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các đối tác này cũng không thay đổi đáng kể. Vì thế trong quá trình đàm phán, Hoa Kỳ vẫn là đối tác chính và việc đàm phán của Việt Nam chủ yếu là với Hoa Kỳ.

Đối với Hoa Kỳ, Hiệp định TPP có ý nghĩa quan trọng với Hoa Kỳ vì nó mang lại nhiều lợi ích thực sự. Việt Nam có thể tin tưởng rằng quá trình đàm phán đang diễn ra thực chất vì thực tế Hiệp định TPP là thỏa thuận thương mại lớn duy nhất hiện nay mà Hoa Kỳ đang đàm phán. Ngoài ra, khi chưa có Malaysia gia nhập đàm phán, Việt Nam là mục tiêu quan trọng Hoa Kỳ hướng đến trong đàm phán (vì các nước khác trong khu vực hoặc là đã có FTA với Hoa Kỳ – ví dụ Singapore; hoặc không có quan hệ thương mại đáng kể với Hoa Kỳ - ví dụ Brunei). Do đó, Việt Nam có thể tận dụng vị thế đó của mình để đưa ra các yêu cầu thích hợp khi đàm phán với Hoa Kỳ.

Khi Malaysia gia nhập quá trình đàm phán, lợi thế của Việt Nam có bị san sẻ cho nước này. Việt Nam cũng có thể cân nhắc kết hợp với Malaysia và nhóm các nước có quyền lợi tương tự để đàm phán những vấn đề cả hai cùng quan tâm đối với thị trường Hoa Kỳ và phù hợp với điều kiện của mình, điều này sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với đối tác lớn này.

3.3.1.2 Lựa chọn phương án đàm phán phù hợp

Mỗi nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP có một trình độ phát triển kinh tế khác nhau và lợi thế cạnh tranh khác nhau trong quan hệ thương mại quốc tế. Vì vậy việc cân nhắc lựa chọn phương án đàm phán thích hợp là rất quan trọng. Việt Nam có thể phải cân nhắc phương án tiếp cận một biểu cam kết chung cho tất cả các đối tác còn lại trong Hiệp định TPP hoặc với mỗi đối tác lại thiết lập một biểu cam kết riêng? Một biểu cam kết chung có thể làm hài lòng tất cả các đối tác đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải mở cửa gần như toàn bộ các lĩnh vực. Điều này có thể gây khó khăn cho Việt Nam trong quá trình thực hiện hiệp định nếu đối tác mạnh hơn

và Việt Nam đang bảo hộ nhiều hơn. Phương án đàm phán mỗi quan hệ song phương lại có một biểu cam kết riêng sẽ rất phức tạp trong quá trình xây dựng nhưng về lâu dài sẽ giúp Việt Nam có lộ trình tiếp cận thị trường phù hợp với từng đối tác.

Trong các đối tác của Hiệp định TPP, có những nước có điều kiện và trình độ phát triển tương tự Việt Nam, và có nhóm những nước phát triển hơn. Việt Nam cần tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các nước có điều kiện tương tự mình, cùng nhau đàm phán những vấn đề cần sự hậu thuẫn từ nhiều nước (đặc biệt các vấn đề liên quan đến đãi ngộ đặc biệt với các nước kém phát triển hơn). Việt Nam cũng có thể áp dụng cách đàm phán theo nhóm nước như vậy khi đàm phán các vấn đề hóc búa với những đối tác có chung quan điểm và mối quan ngại. Đây chính là lợi ích của đàm phán đa phương so với đàm phán song phương.

Ngoài ra, trong tương lai, số lượng quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định TPP sẽ tăng lên. Sự tham gia của mỗi đối tác sẽ khiến cục diện giữa các đối tác thay đổi khi lợi ích giữa các đối tác thay đổi. Vì vậy Việt Nam cần tính toán lại nội dung và các phương thức đàm phán mỗi khi có đối tác mới tham gia. Thông qua Hiệp định TPP, Việt Nam có thể có cùng lúc FTA với nhiều đối tác nhất có thể với mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ, tuy nhiên điều này cũng chính là nguyên nhân gây khó khăn cho việc kết thúc đàm phán. Do đó, việc xây dựng một phương án đàm phán phù hợp với từng giai đoạn càng có ý nghĩa quan trọng.

3.3.1.3 Lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình đàm phán

Malaysia là một ví dụ mà Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ chế lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP. Malaysia là nước muộn nhất tham gia chính thức đàm phán Hiệp định TPP. Nước này đã dành cả giai đoạn nửa đầu năm 2010 để nghiên cứu thông tin về đàm phán TPP, những nội dung của Hiệp định và sau đó tiến hành tham vấn nội bộ về kỳ vọng của các nhóm lợi ích đối với đàm phán Hiệp định TPP.

Việt Nam tuy tham gia Hiệp định TPP từ giai đoạn đầu nhưng chỉ với tư cách thành viên liên kết. Hơn một năm sau Việt Nam mới tham gia với tư cách

thành viên đầy đủ. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó chúng ta không có cuộc tham vấn nào với các nhóm lợi ích trong nước và cộng đồng doanh nghiệp. Việc tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các nhóm lợi ích có ý nghĩa quan trọng để tránh những tác động bất lợi đối với nền kinh tế, đảm bảo các cam kết trong Hiệp định sẽ có lợi ích đối với các nhóm lợi ích. Gần đây, Bộ công thương đã tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về các lĩnh vực đàm phán của Hiệp định TPP ví dụ như từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tập đoàn bưu chính viễn thông, Tổng công ty hàng hải Việt Nam,v.v... Ta cần tiếp tục duy trì và thực thi tốt cơ chế lấy ý kiến của các nhóm lợi ích dựa trên thực tế đàm phán.

3.3.1.4 Tăng tốc độ đàm phán để kết thúc sớm quá trình đàm phán

Diễn biến quá trình đàm phán Hiệp định TPP có thể nói phụ thuộc rất nhiều vào đối tác lớn nhất – Hoa Kỳ. Trong nội bộ nước này, bên cạnh những nhóm quyền lợi ủng hộ việc tham gia Hiệp định TPP, vẫn có nhiều nhóm phản đối hoặc nghi ngờ về lợi ích của Hiệp định TPP. Hơn nữa, cũng có nhiều lo ngại về việc TPP sẽ không được Nghị viện thông qua dù đàm phán xong xuôi. Những yếu tố này có tác động không nhỏ tới các đối tác của Hiệp định TPP – trong đó có Việt Nam. Do đó, chúng ta cần cân nhắc để xác định lộ trình đàm phán phù hợp, tránh trường hợp đàm phán kéo dài dở dang hoặc rơi vào tình trạng chờ đợi chỉ vì tình hình chính trị tại Hoa Kỳ không thuận lợi hoặc không thích hợp. Những biến động về chính trị (ví dụ Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2012) có thể sẽ làm đình đốn quá trình đàm phán, sau đó thay đổi nội dung đàm phán và Việt Nam sẽ mất rất nhiều công sức để đàm phán lại từ đầu. Vì thế ta nên cố gắng để kết thúc sớm quá trình đàm phán, chí ít trong những vấn đề cốt lõi.

3.3.1.5 Không cần quá chú trọng đến yêu cầu tiếp cận thị trường dịch vụ các nước đối tác TPP

Như đã phân tích ở trên, khi tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội lớn để tiếp cận thị trường dịch vụ các nước đối tác TPP. Tuy vậy, trên thực tế dịch vụ của Việt Nam chưa có sự đầu tư đáng kể ở thị trường nước ngoài do năng lực cung cấp dịch vụ của các nhà cung cấp Việt Nam vẫn còn yếu kém. Thêm

vào đó các nhà cung cấp Việt Nam cũng rất khó để cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ bản địa tại thị trường các đối tác của Hiệp định TPP do đa phần đều là các đối thủ cạnh tranh có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm lâu năm và uy tín trên thế giới. Ngoài ra bản thân các thị trường thương mại dịch vụ của các đối tác TPP hiện nay đã mở cửa tương đối rộng, nên cam kết trong TPP có thể có ý nghĩa không lớn. Do đó, Việt Nam không cần quá chú trọng đến các cam kết về mở cửa thị trường thương mại dịch vụ ở các nước đối tác Hiệp định TPP, trừ một số ngoại lệ liên quan đến một số ngành dịch vụ Việt Nam có thế mạnh như dịch vụ phần mềm, v.v...

3.3.1.6 Mạnh dạn hơn trong việc mở cửa thị trường dịch vụ trong nước và chỉ giới hạn những nhóm dịch vụ cần bảo hộ ở những lĩnh vực nhạy cảm

Rõ ràng ta có thể thấy rất nhiều lợi ích đối với thị trường dịch vụ trong nước khi gia nhập Hiệp định TPP: đó là một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nhờ có sự cải cách thể chế, phát luật của Nhà nước, các chính sách ưu đãi mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài; thêm vào đó, sự gia nhập thị trường của các cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ giúp người dân trong nước có nhiều sự lựa chọn với giá cả hợp lý và chất lượng cao; quan trọng nhất sẽ là động lực thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ trong nước tự đổi mới, cải tiến để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này sẽ giúp Việt Nam phát triển nhiều ngành dịch vụ mới trong tương lai và theo kịp trình độ thế giới. Chính vì thế, Việt Nam cần mạnh dạn hơn trong việc mở cửa thị trường dịch vụ trong nước, đặc biệt là những dịch vụ về cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội trong nước.

Tuy nhiên, các nhà đàm phán cũng cần chú ý về các cam kết ở những lĩnh vực nhạy cảm (liên quan đến an ninh quốc gia hay an ninh tiền tệ.v.v...) ví dụ dịch vụ tài chính,v.v... Đối với những lính vực này, Việt Nam cần giới hạn mức độ mở cửa và có lộ trình mở cửa dần dần dành cho các đối tác.

Một phần của tài liệu Dự báo kết quả đàm phán hiệp định thương mại xuyên thái bình dương (tpp) trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Cơ hội và thách thức với việt nam (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(82 trang)
w