Thách thức tại thị trường nội địa

Một phần của tài liệu Dự báo kết quả đàm phán hiệp định thương mại xuyên thái bình dương (tpp) trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Cơ hội và thách thức với việt nam (Trang 61)

KHI THAM GIA HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP)

3.2.2Thách thức tại thị trường nội địa

3.2.2.1 Sự tiếp cận mạnh mẽ của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài

Khi tham gia đàm phán Hiệp định TPP, dịch vụ là mảng mà mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam hạn chế và dè dặt nhất. Khác với cách thức đàm phán “chọn – cho” của WTO, phương pháp “chọn – bỏ” trong đàm phán thương mại dịch vụ của Hiệp định TPP sẽ khiến mức độ mở cửa thương mại dịch vụ rất mạnh mẽ, đây cũng chính là bất lợi lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực mạnh mẽ, kinh nghiệm lâu năm và uy tín trên thế giới (đặc biệt các doanh nghiệp Hoa Kỳ) có thể khiến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Việt nam gặp khó

khăn nghiêm trọng. Ví dụ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính – lĩnh vực mà Hoa Kỳ chiếm ưu thế tuyệt đối – các ngân hàng Hoa Kỳ đang mở ngày càng nhiều chi nhánh tại Việt Nam, bước dạo đầu cho đầu tư của các tập đoàn tài chính Hoa Kỳ tại nước ta. Với dự báo cam kết có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, các tập đoàn tài chính Hoa Kỳ với tiềm lực vốn khổng lồ có thể chi phối mạnh mẽ đến hoạt động tài chính trong nước khi rất nhiều ngân hàng Việt Nam đang rơi vào tình thế khó khăn. Đây chính là thách thức lớn nhất về mặt kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam.

3.2.2.2 Môi trường kinh doanh trong nước thiếu minh bạch và chưa thuận lợi cho kinh doanh

Hệ thống pháp lý và các quy định của Việt Nam nhìn chung kém phát triển hơn các đối tác khác của Hiệp định TPP, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm, thiếu tính nhất quán và khó dự báo. Việc cải thiện đưa hệ thống này lên mức tương xứng với các đối tác là khá khó khăn, đòi hỏi một quá trình nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận và lâu dài, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Tuy sẽ có một số ưu tiên ngoại trừ được áp dụng dành cho nước đang phát triển, nhưng lộ trình sẽ phải thay đổi dần dần, và Việt Nam cần tích cực trong việc nghiên cứu để cải thiện hệ thống pháp lý. Với hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu xảy ra tranh chấp trong kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài và sẽ rất thiệt thòi nếu đưa tranh chấp ra các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế.

Hệ thống quản lý hành chính của Việt Nam khá phức tạp, gây phiền hà, và tốn nhiều thời gian. Đây có thể coi là một trong những điểm yếu lớn nhất của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy Nhà nước đã và đang cố gắng cải cách hành chính, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình làm việc với các cơ quan công quyền Nhà nước, điều này gây tốn kém lãng phí, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hơn nữa, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu chưa đảm bảo được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ về cơ sở hạ tầng thấp

nhưng giá cả lại đắt đỏ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vừa và nhỏ - đối tượng doanh nghiệp chủ yếu của xã hội, chưa nhận được sự hỗ trợ kinh doanh, hướng dẫn, tạo điều kiện cần thiết từ các cơ quan Nhà nước. Thêm vào đó vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ nhà nước và tư nhân. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang chiếm độc quyền trong nhiều lĩnh vực dịch vụ, được hưởng nhiều đặc quyền và ưu đãi về thương mại mặc dù kinh doanh thua lỗ hoặc không hiệu quả. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ rất khó để thay đổi được vị thế của mình tại thị trường dịch vụ trong nước.

3.2.2.3 Doanh nghiệp nội địa chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường

Như đã nói ở trên, hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam đều có quy mô nhỏ và rất nhỏ, thiếu kinh nghiệm và yếu về khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong khâu quản lý chất lượng dịch vụ. Các công ty này thiếu những nguồn lực quan trọng để phát triển hoạt động như: vốn; công nghệ; nguồn nhân lực (đặc biệt là nhân lực chất lượng cao); kinh nghiệm quản lý; thông tin; và tri thức thị trường. Và các doanh nghiệp này sẽ mất rất nhiều thời gian để cải thiện tình hình của mình. Đối với các doanh nghiệp khác đã thành công trong nước, thách thức đặt ra là làm sao phát triển để đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, nhu cầu từ thị trường nội địa ngày càng tăng và các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài với nhiều yếu tố thuận lợi vượt trội có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam khiến cho các doanh nghiệp nội địa có nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà.

Một phần của tài liệu Dự báo kết quả đàm phán hiệp định thương mại xuyên thái bình dương (tpp) trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Cơ hội và thách thức với việt nam (Trang 61)