Về nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (Trang 86)

- Một số hạn chế từ các Bộ, ngành:

d) Về nguồn nhân lực

Để thực hiện tốt chính sách phân cấp và nâng cao hiệu quả của phân cấp trong công tác quản lý nhà nước về ĐTNN, việc phải làm thường xuyên và liên tục là phải xây dựng, củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng bộ máy cán bộ, công chức thực thi ở các cấp cơ sở, các cơ quan quản lý đầu tư cấp tỉnh đáp ứng được những yêu cầu mới trong bối cảnh hội nhập. Đây là những người biến chính sách, chủ trương thành hiện thực. Hàng ngày, các quyết sách, luật pháp, chính sách thông qua cách giải quyết vấn đề của các công chức ở chính quyền cơ sở đi vào cuộc sống. Một chính sách mở, thông thoáng nhưng quan điểm thực thi không thông thoáng thì chính sách sẽ không thể được triển khai.

Trong nhiều năm, các cơ quan trung ương luôn nhận định khâu quan trọng nhất, quyết định nhất sự thành công của mọi chính sách là khâu con người, nhưng đó lại luôn là khâu yếu nhất. Cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý đầu tư cả về chuyên môn, ngoại ngữ và đặc biệt là các kỹ năng thẩm định, phân tích và quản lý dự án nhằm hướng tới việc quản lý có hiệu quả nguồn vốn quan trọng này.

Mặt khác, việc tập huấn, quán triệt các đường lối, chính sách mới nhằm quán triệt quan điểm, đồng nhất nhận thức để hướng tới vận dụng thành công chính sách cũng cần được coi trọng. Việc tập huấn cần được tiến hành cho các nhóm đối tượng khác nhau, từ nhóm ra quyết định, nhóm tư vấn, tham mưu và nhóm tổng hợp, phân tích... thì hiệu quả của công tác tập huấn mới được nâng cao.

Bên cạnh nhân lực quản lý, chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần được chú trọng, với một số nét chính sau:

- Đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch tổng thể về đào tạo nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% vào năm 2010. Theo đó, ngoài việc nâng cấp đầu tư hệ thống các trường đào tạo nghề hiện có lên ngang tầm khu vực và thế giới, sẽ phát triển thêm các trường đào tạo nghề và trung tâm đào tạo từ các nguồn vốn khác nhau.

- Nghiên cứu điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Thực hiện các giải pháp nhằm đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động vào thực tế cuộc sống để ngăn ngừa tình trạng đình công bất hợp pháp, lành mạnh hóa quan hệ lao động theo tinh thần của Bộ luật Lao động, bao gồm:

+ Tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về lao động, tiền lương phù hợp trong tình hình mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động đối với người sử dụng lao động nhằm đảm bảo điều kiện làm việc và đời sống cho người lao động.

+ Nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động thông qua phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đảm bảo chính sách, pháp luật về lao động và tiền lương được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Một phần của tài liệu Phân cấp quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (Trang 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)