4, Điều 9, Luật các Tổ chức Tín dụng số 47/2010/QH12, ngày 16 tháng 06 năm
3.2.KIẾN NGHỊ VỚI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM:
3.2.1.Nghiên cứu, trình chính phủ ban hành quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng:
Để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam trong cuộc đua tranh giành giật khách hàng, giành giật thị phần. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (với nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 4, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số 46/2010/QH12[32], ngày 16 tháng 06 năm 2010) nên nhanh chóng triển khai nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng (theo Khoản 3, Điều 9, Luật các Tổ chức tín dụng, số 47/2010/QH12[30], ngày 16 tháng 06 năm 2010). Những vấn đề cần được quy định cụ thể để kiểm soát được toàn bộ quá trình cạnh tranh, cũng như hành vi cạnh tranh của các ngân hàng thương mại có thể là: (i)Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt
động huy động tiền gửi và biện pháp xử lý cụ thể cho từng hành vi, ví dụ như: tăng lãi suất lên quá cao đến mức bất hợp lý, tặng thưởng hoặc khuyến mại bất hợp lý. (ii) Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động cung cấp dịch vụ để thông qua đó thu hút khách hàng nhằm gia tăng thị phần và biện pháp xử lý cụ thể cho từng hành vi, ví dụ như: miễn phí hoặc giảm phí sử dụng dịch vụ bất hợp lý, cung cấp dịch vụ với giá dưới giá vốn. Nếu có quy định nghiêm cấm các hành vi
cạnh tranh không lành mạnh như trên, môi trường cạnh tranh sẽ trở nên hoàn hảo hơn, cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại hoạt động trên thị trường Việt Nam sẽ lành mạnh hơn, khả năng xảy ra rủi ro hệ thống cũng sẽ giảm thiểu.
3.2.2.Tăng cường hoạt động của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng ở khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh:
Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoạt động càng hiệu quả, môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng sẽ càng thuận lợi, cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại diễn ra càng lành mạnh.
Cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại khi đó sẽ trở thành một cuộc đua tranh về kỹ thuật hoạt động, kỹ năng thiết kế và chào bán sản phẩm, phát triển các kênh phân phối, … trên cơ sở phát huy các nguồn lực nội tại, nắm bắt cơ hội, phối hợp với các điều kiện thuận lợi từ môi trường kinh doanh để tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Hiện tại, ở khu vực thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng hoạt động với mật độ khá dày đặc, trong khi nhân lực của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng lại quá mỏng, khó có thể đảm đang trọng trách. Hoạt động hỗn loạn của các ngân hàng tại những khu vực này hoàn toàn có thể xảy ra, việc các ngân hàng sử dụng các không lành mạnh để cạnh tranh giành giật khách hàng, giành giật thị phần là không thể tránh khỏi, hậu quả sẽ rất khó lường. Vì thế, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường lực lượng cho cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng ở những khu vực này để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra giám sát là hết sức cần thiết.
3.2.3.Xem xét, trình Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank:
Vai trò của Agribank trên thị trường tài chính tiền tệ ở khu vực nông thôn Việt Nam hiện tại và cả trong tương lai là không thể phủ nhận. Rủi ro bất khả kháng trong đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn thường xuyên xảy ra. Vì thế, Agribank cần phải có sự đảm bảo về năng lực tài chính để đương đầu với những rủi ro bất khả kháng. Để giải quyết ổn thỏa vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần xem xét, trình Chính phủ duyệt bổ sung thêm vốn điều lệ cho Agribank để tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng thông lệ quốc tế về hệ số an toàn vốn.
Mặt khác, nhu cầu vốn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân vô cùng lớn, nhất là vốn tín dụng trung và dài hạn; trong khi đó, nguồn vốn huy động của Agribank lại khá hạn chế, khó có thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, việc phải dùng vốn huy động để cho vay theo chỉ định càng làm Agribank gặp khó khăn hơn trong cuộc cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác ở khu vực đô thị. Cho nên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nên xem xét hoặc trình Chính phủ xem xét
khả năng hỗ trợ vốn cho Agribank để phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nguồn vốn hỗ trợ có thể từ ngân sách nhà nước hoặc có thể cho phép Agribank sử dụng một phần tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các chi nhánh tỉnh của Agribank để cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân.