CHƯƠNG 3 ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG CỦA TỈNH
3.2.7. Hoàn thiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững
Vòng tròn luẩn quẩn không việc làm kém thu nhập nghèo rồi không học hành lại khó kiếm việc…luôn đeo đuổi người nghèo khiến họ khó thoát ra được. Do đó, chính sách giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng là chính sách cơ bản để xóa đói giảm nghèo. Nói đến thất nghiệp thì khu vực nông thôn là nơi mà tình hình này đáng lo ngại nhất, có khá nhiều nguyên nhân nhưng có hai nguyên nhân chính: một là do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm nông dân mất đất, hai là do tính thời vụ của sản xuất Nông nghiệp. Thất nghiệp ở nông thôn trong thời gian qua đã gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cả về kinh tế, xã hội và môi trường, đe doạ sự phát triển bền
vững trong tương lai. Một số giải pháp mà tỉnh cần thực hiện trong thời gian đến đó là:
- Xuất khẩu lao động là một giải pháp tình thế cho người lao động cũng như gia đình họ, tỉnh cần hỗ trợ các đối tượng này trong các khâu tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động, chịu trách nhiệm giao dịch với bên có nhu cầu về các điều kiện tiền lương, nhà ở, thời gian lao động và các thủ tục pháp lý...để người lao động không bị thiệt thòi do kém hiểu biết.
- Không nên lơ là trong công tác tuyên truyền kế hoạch hóa dân số, duy trì tỷ lệ sinh ở mức hợp lý bởi đây có thể là khó khăn cho giải quyết công ăn việc làm và các vấn đề xã hội trong tương lai..
- Thực hiện các biện pháp giải quyết công ăn việc làm tại chổ cho người nông dân theo phương châm “ly điền, ly nông, bất ly hương”. Khôi phục các sản phẩm thủ công truyền thống ở các vùng nông thôn thành những sản phẩm có giá trị kinh tế và phù hợp với thời kỳ kinh tế hiện...có thể nói hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đều có một ngành nghề truyền thống riêng tuy chưa đủ lớn mạnh để vươn ra thị trường bên ngoài nhưng đã phần nào gây dựng được tiếng tăm trên địa bàn. Hiện tại vẫn có một số các ngành nghề vẫn tồn tại và phát triển, tuy nhiên với sự phát triển của các sản phẩm sản xuất công nghiệp không ít các ngành nghề này đang dần ngày càng mai một đi. Để giải quyết công ăn việc làm cho người dân nông thôn cần nghiên cứu phát triển các ngành nghề này theo một hướng khác phù hợp hơn có quy mô và vươn ra thị trường xa hơn. Cụ thể là cần áp dụng một số máy móc và quy trình sản xuất theo lối công nghiệp để tăng năng suất lao động; bản thân người lao động cũng cần được nâng cao tay nghề để không chỉ sản xuất ra những sản phẩm đơn giản, mộc mạc mà còn phải đa dạng về chủng loại, có tính thẩm mỹ cao phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Như vây,
tỉnh cần cùng các địa phương xây dựng định hướng và phát triển các làng nghề một cách có quy hoạch.
- Cho vay vốn giảm nghèo đồng thời kết hợp tư vấn và giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn. Đa phần người nghèo la những người ít học, kém hiểu biết nên càng không có kinh nghiệm trong việc sản xuất, kinh doanh. Khi được giao vốn, không phải ai trong số họ cũng biết sử dụng đồng vốn đó như thế nào cho hiệu quả. Do đó, trước khi cấp vốn người nghèo cần được tư vấn để lên kế hoạch sản xuất kinh doanh có lợi và chắc chắn. Không những thế, đơn vị cấp vốn còn phải đồng hành cùng người nghèo để kiểm tra, giám sát việc sử dụng đồng vốn của họ có đúng mục đích hay không. Việc làm này không những giúp cho người nghèo đạt được mục đích thoát nghèo mà còn giúp bên cấp vốn giảm bớt thất thoát do không thu hồi được vốn bỏ ra.
KẾT LUẬN
Chất lượng tăng trưởng kinh tế thể hiện khả năng khai thác sử dụng nguồn lực và duy trì sự phát triển kinh tế bền vững. Chất lượng tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều nhân tố cả chủ quan và khách quan. Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã duy trì được tăng trưởng kinh tế khá, ổn định trong dài hạn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa theo hướng tích cực, các nguồn lực được huy động còn hạn chế và các vấn đề xã hội đã được giải quyết khá tốt, nghĩa là chất lượng tăng trưởng khá.
Tuy nhiên do tăng trưởng kinh tế của tỉnh xuất phát điểm phát triển kinh tế thấp, quy mô nhỏ, trình độ còn lạc hậu nên tăng trưởng vẫn dựa vào chiều rộng là chủ yếu, các yếu tố chiều sâu chưa được chú ý khai thác và phát huy. Chẳng hạn vẫn dựa vào sự khai thác tài nguyên đất đai, lao động và vốn, nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đó công nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu GDP, công nghiệp chế biến chưa phát triển, … trình độ công nghệ sản xuất còn thấp cũng như toàn bộ nền kinh tế, mức độ trang bị máy móc trong nông nghiệp phát triển còn thấp…
Những năm tới để nâng cao chất lượng tăng trưởng cần chú trọng khai thác các nhân tố phát triển chiều sâu như (1) Hoàn thiện môi trường chính sách; (2) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản; (3) Đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và quản lý vào nền kinh tế; (4) Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; (5) Phát triển nguồn nhân lực như chìa khóa; (6) Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Do thời gian cho phép và kiến thức hạn chế nên bản thân chỉ trình bày hệ thống các giải pháp cơ bản nhất, chung nhất, chưa giải quyết được toàn diện các vấn đề về nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong quá trình nghiên cứu luận văn tốt nghiệp cao học kinh tế chuyên ngành kinh tế phát triển, nhất là các vấn đề về tăng trưởng kinh tế với bất bình đẳng; vấn đề lựa
chọn mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là luận văn giúp bản thân học hỏi rất nhiều kiến thức để tiếp tục nghiên cứu tiếp theo trong quá trình công tác; đồng thời với luận văn này cũng là điều kiện nội tại tăng trưởng kinh tế của tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua mà trong tương lai tỉnh Trà Vinh phải hết sức phấn đấu mới có thể đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo định hướng quy hoạch quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.