5. Kết cấu của đề tài
1.5.1. Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu công
nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc
Thành công trong thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc chính là việc coi nhà đầu tư là công dân Vĩnh Phúc.
Với hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn như Piaggio (Italia), Honda, Toyota (Nhật Bản), Foxconn, Compal, Fullpower (Đài Loan), G.O. Max, Kumho, Lotte (Hàn Quốc), YCH (Singapore)... rầm rộ tiến quân vào Vĩnh Phúc, không thể phủ nhận được rằng, địa phương này là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn FDI, ngoài các biện pháp tích cực cải thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đào tạo nhân lực, thì cải cách các thủ tục hành chính luôn được đặt lên hàng đầu. Trước đây, theo quy định, nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký kinh doanh trong 15 ngày, nhưng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã rút ngắn xuống còn 5 ngày, thậm chí có dự án còn chưa tới 3 ngày.
Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, như hướng dẫn thực hiện lập hồ sơ dự án, giảm thời gian thực hiện các thủ tục về cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, giúp các doanh nghiệp thực hiện khắc dấu, đăng ký mã số thuế một cách nhanh nhất, để các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án. Vì vậy, một số doanh nghiệp mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục hành chính để triển khai xây dựng cơ bản.
Ngoài việc cải thiện phần mềm để tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn, Vĩnh Phúc còn chủ động thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư. Tỉnh Vĩnh Phúc đã biên soạn tài liệu giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh; in sách “Vĩnh Phúc – Điểm đến của các Nhà đầu tư”bằng tiếng Nhật Bản; dịch và lồng tiếng đĩa phim 3D giới thiệu quy hoạch TP. Vĩnh Phúc do Tập đoàn
Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản) lập và quy hoạch thành 4 thứ tiếng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và tiếng Anh; chuẩn bị các tài liệu giới thiệu về tiềm năng du lịch, các khu giải trí, sân golf... Các tài liệu này đã được giới thiệu tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan. Mục tiêu của hoạt động xúc tiến đầu tư này là tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, để duy trì sự tăng trưởng, nâng cao cả chất lượng và số lượng các dự án đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là dòng vốn FDI, tỉnh Vĩnh Phúc đã kiên trì tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện tốt công tác cải cách các thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý nhà nước đối với các dự án sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng cam kết và quy định của pháp luật để tiếp tục duy trì thứ hạng là một trong những tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, Vĩnh Phúc luôn coi trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có thu hút FDI. Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc – Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”, tỉnh Vĩnh Phúc luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng thời luôn sát cánh, cùng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Vĩnh Phúc sẽ tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nước sạch.
1.5.2. Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương nghiệp của tỉnh Hải Dương
Kể từ khi có những dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Hải Dương cho đến nay, cùng với sự nỗ lực tối đa của chính quyền và nhân dân toàn tỉnh,
với những chính sách linh hoạt, hiệu quả, phát huy lợi thế của tỉnh và được sự giúp đỡ, ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 8/2012, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 234 dự án FDI còn hiệu lực đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5.641,3 triệu USD.
Tổng diện tích đất mà tỉnh cho các doanh nghiệp ĐTNN thuê (cả trong và ngoài các KCN) là hơn 1.000 ha, mang lại hiệu quả vượt trội so với đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp thuần tuý, cả về giá trị sản phẩm và hiệu quả sử dụng lao động, cụ thể: giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất nông nghiệp thuần tuý tại Hải Dương đạt trung bình 85 triệu đồng/ha/năm, so với đất sử dụng cho ĐTNN là 17,4 tỷ đồng/ha/năm; lao động trung bình 8-10 lao động/ha đất nông nghiệp so với trung bình khoảng 70 lao động/ha đất công nghiệp của ĐTNN hiện nay. Khi toàn bộ đất công nghiệp quy hoạch được lấp đầy, các chỉ số này có triển vọng sẽ được nâng cao hơn nữa .
Các doanh nghiệp FDI tại địa bàn đã góp phần quan trọng đưa tỉnh Hải Dương trở thành một trong những địa phương có thu ngân sách trên 1000 tỷ đồng/năm vào năm 2002 và trên 5700 tỷ đồng vào năm 2011, khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.
Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào KCN được lãnh đạo tỉnh chia sẻ tại hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài là:
1. Sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất từ tỉnh đến cơ sở là nhân tố quyết định dẫn đến thành công, đặc biệt khi giải quyết những khó khăn, phức tạp nảy sinh trong quá trình doanh nghiệp ĐTNN thực hiện dự án, hoặc triển khai công tác giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của cấp trên.
2. Sự đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về chủ trương thu hút nguồn vốn ĐTNN có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực
tiễn. Thực tế 25 năm qua đã chứng minh rằng, việc kết hợp hai nguồn lực trong nước và nguồn vốn nước ngoài đã tạo nên động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển xã hội với tốc độ cao và ổn định tại địa phương.
3. Tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế nhận thức đứng đắn chủ trương và chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, tích cực tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nội lực để thu hút các nguồn vốn FDI vào địa phương.
4. Thủ tục hành chính cần đơn giản hoá, giảm bớt phiền hà, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh; chính quyền cần đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp đỡ và kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp triển khai đầu tư kinh doanh.
5. Việc thu hút các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước không thuộc nguồn ngân sách để xây dựng, phát triển các KCN, CCN tập trung có ý nghĩa hết sức quan trọng, khơi dậy mọi tiềm năng, phát huy nội lực nhằm phát triển KTXH tại địa bàn. Thực tế cho thấy toàn bộ các KCN đã đầu tư hạ tầng tại tỉnh Hải Dương đều do các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn đầu tư, góp phần sử dụng vốn có hiệu quả, giảm tải cho ngân sách nhà nước.
6. Cùng với việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, cần chủ động và đặc biệt quan tâm, chú ý xây dựng hạ tầng xã hội trong quá trình đầu tư xây dựng các KCN, CCN nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.
7. Công tác xúc tiến, vận động đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm hướng vào các nhà đầu tư lớn, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư với sự tham gia trực tiếp của Lãnh đạo tỉnh, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư ngay từ ban đầu tiếp xúc, làm việc; đồng thời chú trọng đến việc giữ mối liên hệ thường xuyên, liên tục với các dự án tốt, các nhà đầu tư tiềm năng.
1.5.3. Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu công nghiệp của tỉnh Lào Cai nghiệp của tỉnh Lào Cai
Từ năm 1996 đến nay, Lào Cai đã có 58 dự án FDI được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 562,2 triệu USD, trong đó bao gồm một số dự án lớn, có tính trọng điểm của tỉnh như: Dự án Khai thác mỏ sắt Quý Sa và xây dựng nhà máy gang thép Việt – Trung, với tổng mức đầu tư 337,5 triệu USD; Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Séo Chung Hô với tổng mức đầu tư 37,9 triệu USD…
Luật Đầu tư 2005 xác định việc phân cấp mạnh cho UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cũng như quản lý hoạt động đầu tư và giảm bớt những dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực tình hình đầu tư nước ngoài vào Lào Cai kể từ năm 2006 đến nay.
Mặc dù số lượng dự án FDI giai đoạn 2006 đến nay chỉ bằng 81,2% của giai đoạn 1996 – 2005, song tổng vốn đầu tư cam kết gấp 10,5 lần, mức đầu tư bình quân dự án gấp 12,9 lần. Giai đoạn 2006 – 2008, công tác thu hút FDI của Lào Cai đạt được nhiều kết quả khả quan, tích cực, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh.
Trong những năm qua, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, việc gia tăng kiểm soát thị trường tài chính đã gây ra những tác động, ảnh hưởng mạnh đến khả năng huy động vốn, thực hiện dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tiến độ triển khai và chất lượng thực hiện dự án FDI trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn đạt nhiều kết quả khả quan, vốn đầu tư giải ngân tăng mạnh qua các năm: Năm 2011 tổng vốn đầu tư giải ngân đạt 84,6 triệu USD, gấp 6,7 lần năm 2010; trong 6 tháng đầu năm 2012, vốn giải ngân FDI ước đạt 43,1 triệu USD, gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến hết tháng 7-2012, tổng vốn giải ngân của các dự án FDI tại tỉnh ước đạt 205 triệu USD, bằng 39,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lào Cai sở hữu những lợi thế nhất định trong thu hút nguồn vốn FDI về phát triển ngành du lịch, dịch vụ, khai thác và chế biến khoáng sản do Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị - là “cầu nối” giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với Việt Nam và các nước ASEAN, có nguồn khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, nhiều tiềm năng phát triển thủy điện, môi trường đầu tư được đánh giá là hấp dẫn (Chỉ số PCI năm 2010 đứng thứ hai, năm 2011 đứng thứ nhất toàn quốc).
Hiện nay, Lào Cai đang tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Công tác cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư tiếp tục được chú trọng với việc địa phương đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong các quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế... trên Cổng Thông tin điện tử Lào Cai mà đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thời gian thành lập doanh nghiệp, chi phí gia nhập thị trường...
Với vị thế nằm trên tuyến hành lang kinh tế quan trọng Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lào Cai là trọng điểm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để thu hút đầu tư, Lào Cai đang tăng cường thông tin công khai, chính xác, đầy đủ về quy hoạch phát triển công nghiệp, các cơ chế khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp FDI; hoàn thiện cơ chế về đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư...nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chương 2
THỰC TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO KHU CÔNG NGHIỆP THỤY VÂN – VIỆT TRÌ – PHÚ THỌ