Học sinh phải biết tự bảo vệ mình

Một phần của tài liệu GIÁO DỤC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ (Trang 125 - 128)

II. Những hànht động học sinh có thể làm để thích ứng BĐKH

1. Học sinh phải biết tự bảo vệ mình

1.1. Hình thành ý thức thường trực phòng chống thiên tai

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra thì con người phải chủ động phòng chống thiên tai. Để chủ động phòng chống thiên tai thì việc hình thành ý thức thường trực, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng chống là hết sức quan trọng.

Chẳng hạn, vào mùa mưa lũ thì mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư nơi thường có nguy cơ bão lũ xảy ra phải chuẩn bị sẵn các điều kiện. Có thể kể ra một số sự chuẩn bị cần thiết như sau: thuyền hoặc bè, mảng phục vụ cho đi lại; lương thực thuốc men cần thiết cho thời gian bão lũ cũng như thời gian khắc phục hậu quả bão lũ.

Với các nhà trường và các em học sinh cũng phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phòng chống bão lũ cùng cộng đồng địa phương. Mỗi học sinh cũng tự có ý thức chuẩn bị các phương tiện để tự bảo vệ mình, như chuẩn bị sẵn áo mưa khi đi học, nếu có mưa bão lớn thì bình tĩnh và không nên cố đi qua các sông suối nguy hiểm, tìm nơi tạm trú nhà bạn bè hoặc các gia đình nơi gần nhất. Ở nhà vào mùa mưa bão, các em cần sắp xếp quần áo, đồ dùng học tập ngăn nắp, chuẩn bị sẵn các túi nilon để gói bọc quần áo, sách vở và các dụng cụ cần thiết nếu có nguy cơ mưa bão, lũ lụt.

Những chuẩn bị như vậy tuy đơn giản, song có hiệu quả rất lớn giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lũ, tự khắc phục được một phần thiệt hại trước khi có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

1.2. Kĩ năng bơi lội giúp học sinh tự cứu mình khi mưa lũ hoặc khi gặp nguy hiểm sông nước

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho giáo viên và học sinh các kỹ năng phòng, chống, bảo vệ ứng phó với những tình huống bất thường của thiên tai, BĐKH. Cung cấp những kiến thức cơ bản về các yếu tố, nguy cơ và cách phòng, chống một số tai nạn thường gặp do thiên tai như: đuối nước, điện giật; đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống các loại dịch, bệnh sau thiên tai.

Bên cạnh đó, các đơn vị, trường học cần phối hợp chính quyền địa phương chủ động rà soát, kiểm tra phát hiện các nguy cơ gây tai nạn, thương tích để khắc phục kịp thời, đặc biệt chú ý ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa; nơi gần ao, hồ, sông, suối...; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên; có biện pháp bảo vệ tài sản của đơn vị, trường học khi xảy ra mưa, bão.

* Các giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em ở Việt Nam:

Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và thanh niên dưới 19 tuổi. Trung bình mỗi năm từ 2005 – 2009, tỉ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam là 13/100.000 trẻ.

Nhằm hạn chế tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em, Việt Nam đã triển khai nhiều việc như: (1) tăng cường truyền thông thay đổi hành vi nguy cơ, phòng chống đuối nước; (2) triển khai can thiệp giảm thiểu nguy cơ tại cộng đồng; (3) tăng cường năng lực sơ cấp cứu đuối nước; (4) lồng ghép tiêu chí phòng chống đuối nước trong chương trình xây dựng mô hình cộng đồng, trường học và gia đình an toàn. Hàng năm, Chính phủ đều ra chỉ thị về việc triển khai công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Đến nay, trên cả nước đã tổ chức được gần 200 lớp dạy bơi cho trên 3500 trẻ biết bơi. Nhận thức về phòng chống đuối nước trong cộng đồng cũng được nâng cao. Lồng bơi đã được ghi nhận là sáng kiến công nghệ mới trong phòng chống đuối nước ở trẻ em. Tại các tỉnh triển khai công tác phòng chống đuối nước, tỉ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm 5% so với trước khi có can thiệp. Trong thời gian tới, Kế hoạch phòng chống đuối nước liên ngành giai đoạn 2011 – 2015 sẽ được xây dựng và triển khai với mục tiêu giảm ít nhất 30% tỉ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em.

Cần một cách khác để phòng chống đuối nước – một cách giúp mọi người có thể sống sót nếu chẳng may bị rơi xuống nước, dù họ chưa hề biết bơi. Đó là kỹ thuật “Bơi tự cứu” hay “Bơi sống sót”. Kỹ thuật “Bơi tự cứu” rất đơn giản, không tốn kém, ai cũng có thể tập dượt trước cả trong tư duy lẫn thực hành để sử dụng khi chẳng may bị rơi xuống nước. Với phương pháp này, người không biết bơi, khi rơi xuống nước vẫn có thể sống sót nhờ thực hiện 4 bước sau đây:

+ Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.

+ Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.

+ Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước, người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.

+ Trong quá trình chuyển động lên xuống, tới trước khi đầu nhô trên mặt nước hãy nhớ há miệng to thở vào nhanh và sâu, khi chìm dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.

1.3. Kĩ năng phòng chống điện giật khi mưa lũ

Để đề phòng tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa bão, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai có thể gây ra, học sinh cũng như cộng đồng dân cư phải lưu ý một số điều sau:

– Khi mưa bão, hạn chế ra đường để tránh bị cây đổ, đường điện bị đứt dễ xảy ra tai nạn. Cần thường xuyên kiểm tra các đường dây, ổ điện trong gia đình. Khi bị mưa ngập thì tốt nhất nên ngắt cầu dao điện toàn bộ nhà, đề phòng nước ngập các ổ điện, dò điện gây nguy hiểm. Không tự ý sửa chữa đường điện khi đang có mưa bão; không lên sân thượng khi đang mưa dông để thông tắc thoát nước vì có thể đường dây điện đi qua các sân thượng, mái hiên rất nguy hiểm nếu dò điện. Khi có sấm sét lớn cần tắt tivi, tháo angten để tránh bị sét đánh hỏng các thiết bị điện.

– Các thiết bị điện như bình nóng lạnh, máy giặt cần phải được nối đất. Với những thiết bị có vỏ kim loại như bình nóng lạnh, cần gắn thiết bị tự cắt điện khi bị rò. Khi nhà ngập nước, để đảm bảo an toàn, nên ngắt cầu dao điện. Khi có người bị điện giật, hãy ngắt cầu dao điện, đẩy nạn nhân khỏi vật dẫn điện bằng ghế gỗ, sào tre. Hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim, cơ miệng rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại cấp cứu 115.

– Khi mưa bão xảy ra, nghiêm cấm các trường hợp thả diều, bắn chim, bắn pháo hoa có băng kim loại vào đường dây, trạm điện; lắp đặt angten, biển quảng cáo, kéo lưới bắt cá, họp chợ, lập bến xe, để kho tàng gần đường dây, trạm điện; tự ý xây dựng hoặc cơi nới nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ lưới điện cao áp.

– Đặc biệt, khi mưa to, gió lớn, nếu phát hiện thấy các hiện tượng bất thường như: dây tải điện rơi xuống, cây cối đổ vào đường dây điện, trạm điện, cột điện đổ, sứ vỡ, phóng điện, trạm điện bị ngập nước, cần báo ngay cho chính quyền hoặc công an, bộ đội nơi gần nhất.

– Cấp cứu khi bị điện giật: Trong các nhà trường, khu dân cư nên có tập huấn cấp cứu khi bị điện giật, nhất là cấp cứu tại chỗ khi có bão lũ. In và phát các tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật cấp cứu.

1.4. Kĩ năng phòng chống dịch bệnh trong và sau thiên tai, mưa lũ

Thiên tai mưa lũ thường đẩy con người vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và điều kiện sống khắc nghiệt, đe dọa sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, vào mùa mưa lũ, thiên tai, các em học sinh nên cùng gia đình chuẩn bị dự phòng trước các điều kiện lương thực, thuốc men, đồ dùng cần thiết để thực hiện được những chỉ dẫn dưới đây:

– Tuyệt đối phải ăn chín uống sôi vì sau bão lụt, hầu hết các nguồn nước, nhất là nước giếng khơi, đều bị ô nhiễm bởi xác gia súc, gia cầm, phân người, động vật, các rác thải sinh hoạt xâm nhập vào giếng do lụt. Đây là nguyên nhân gây các bệnh như tả, thương hàn, lỵ, tiêu chảy cấp. Nếu bắt buộc phải dùng nước trong các giếng đã bị ngập thì phải xử lý bằng những cách sau đây: đánh phèn, dùng phèn chua với liều lượng hoà 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) vào 20 lít nước (dùng can nhựa để đo lượng nước cần đánh phèn), hay múc một gáo nước hoà tan hết lượng phèn tương ứng với thể tích nước cần làm trong, sau đó cho vào chum, vại, lu, thạp hay thùng nước, khuấy đều chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua thì lấy vải sạch để lọc nước, loại bỏ cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi nước trong. Khử trùng nước bằng hoá chất Cloramin B 0,25g, mỗi viên Cloramin B hàm lượng 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước. Nếu dùng Cloramin B bột thì dùng với liều lượng 10mg/lít. Ví dụ: Một thùng nước 30 lít cần 0,3g bột Cloramin B loại 27% clo hoạt tính. Các giếng khơi bị ngập lụt cần đảo giếng, khử trùng bằng Cloramin B trước khi dùng.

– Vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, xung quanh nhà, xử lý rác, nhất là xác động vật, bằng cách đào hố chôn rác và xác súc vật, khai thông cống rãnh, không để ao tù nước đọng, tạo điều kiện cho muỗi, nhất là muỗi vằn phát triển.

– Sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh, tuyệt đối không ăn rau sống, không sử dụng các loại thực phẩm ôi thiu, biến chất, các loại rau quả đã bị úa vàng, ngập nước, thịt các loại gia súc, gia cầm chết.

– Mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay phòng muỗi đốt, dùng nhang xua muỗi, diệt muỗi vì nguy cơ tái bùng phát sốt xuất huyết do muỗi lan truyền là rất lớn.

– Phòng chống các bệnh về đường hô hấp bằng cách mặc ấm, giữ kín vùng ngực, cổ; không tắm nước lạnh, nhất là với học sinh nhỏ tuổi... Uống nước trà nóng hay trà gừng rất tốt cho sức khỏe.

– Phòng bệnh về mắt và các bệnh ngoài da khác như viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), viêm da do nấm, nấm kẽ chân, kẽ tay.

Một phần của tài liệu GIÁO DỤC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ (Trang 125 - 128)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w