Tác động của BĐKH trên phạm vi toàn cầu

Một phần của tài liệu GIÁO DỤC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ (Trang 43 - 47)

1. Một số biến đổi của các hệ tự nhiên và hệ sinh thái

Theo quy luật về tính thống nhất và hoàn chỉnh trong lớp vỏ địa lý, khi có bất kỳ một thành phần nào trong số các quyển thành phần là thạch quyển, khí quyển, thủy quyển, thổ nhưỡng quyển và sinh quyển thay đổi thì lập tức sẽ dẫn đến sự thay đổi của cả hệ tự nhiên trên Trái Đất. Sự nóng lên của Trái Đất, sự mở rộng của các đại dương cũng như sự thu hẹp diện tích các lục địa do nước biển dâng, sự xuất hiện ngày càng nhiều và mức độ ác liệt của các thiên tai đã có tác động lớn và sâu sắc tới các hệ tự nhiên. Đó là sự mở rộng của vòng đai nhiệt đới về phía hai cực của Trái Đất, sự thu hẹp của vành đai băng tuyết trên các đỉnh núi cao, sự mất đi của nhiều loài sinh vật do không thích nghi nổi với những biến động mạnh mẽ của khí hậu.

Khí hậu là một thành phần rất quan trọng, nhiều khi có ý nghĩa quyết định đến các hệ sinh thái. Trong số các hệ sinh thái đã được định hình và ổn định tại các vùng tự nhiên trên Trái Đất, có nhiều hệ sinh thái dễ bị tổn thương, bị biến đổi sâu sắc do sự BĐKH như các hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái của vùng đồng bằng thấp ven biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái núi cao... Ảnh hưởng của sự BĐKH có thể là trực tiếp (do nhiệt độ tăng, thiên tai nhiều), có thể là gián tiếp (nước biển dâng) nhưng đều có tác động sâu sắc đến các hệ sinh thái mà rõ nét nhất là sự suy giảm của đa dạng sinh học, sự xuất hiện của nhiều loại bệnh dịch cho con người và sinh vật nói chung.

2. Tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực kinh tế – xã hội

Các lĩnh vực kinh tế – xã hội của con người tại các quốc gia trên thế giới rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, tác động của BĐKH tới các lĩnh vực kinh tế – xã hội cũng có các mức độ và quy mô khác nhau.

2.1. Tác động của BĐKH đối với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp

Đối với sản xuất nông nghiệp, sản lượng nông nghiệp có thể tăng do lượng CO2 tăng; nhưng đất trồng sẽ bị suy thoái nhiều hơn do bị tổn thất chất hữu cơ, nhiễm mặn và xói mòn; chăn nuôi gia súc gia cầm bị giảm do giá thức ăn tăng, dịch bệnh nhiều. Các tai biến thiên nhiên như bão lụt, hạn hán sẽ làm mất mùa, đời sống của nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đối với rừng và thảm thực vật tự nhiên, BĐKH theo chiều hướng nóng lên sẽ mở rộng phạm vi sinh sống của cây họ Dầu ra khỏi vùng nhiệt đới và lên các đai cao hơn ở miền núi; diện tích rừng rụng lá và các cây chịu hạn sẽ mở rộng do tình trạng khô hạn kéo dài; một số loài ưa lạnh như pơmu, hoàng đàn, lát hoa, trầm

hương... bị suy thoái, thậm chí bị tuyệt chủng. Tình trạng sâu bệnh trong thảm thực vật tự nhiên cũng gia tăng và kèm theo đó là nguy cơ cháy rừng do bị khô hạn kéo dài.

Đối với thủy sản, hậu quả do BĐKH làm nước biển dâng gây thiệt hại đáng kể cho hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cửa sông, ảnh hưởng đến điều kiện sống của các loài thủy sản nước ngọt. Theo dự báo, ước tính trữ lượng của các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế có thể bị giảm đi tới 1/3 so với hiện tại.

2.2. Tác động của BĐKH đối với công nghiệp và xây dựng.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản, bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu luôn có sự biến động. Nguồn cung cấp nước cho nhiều ngành công nghiệp như năng lượng, dệt, khai thác và chế biến khoáng sản... cũng gặp rất nhiều khó khăn do không chủ động điều tiết được.

2.3. Tác động của BĐKH đến ngành giao thông vận tải và du lịch

Đối với ngành giao thông vận tải, sự BĐKH nói chung là bất lợi. Các thiên tai như bão, lũ lụt, trượt lở đất có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều loại phương tiện giao thông đường hàng không, đường thủy, đường bộ, đường sắt. Nhiệt độ tăng làm tiêu hao năng lượng của các động cơ, chi phí cho đổi mới công nghệ hạn chế chất thải KNK càng tăng lên, chi phí cho đảm bảo an toàn giao thông, nạo vét luồng lạch cho giao thông thủy cũng rất tốn kém.

Đối với ngành du lịch, BĐKH theo xu thế Trái Đất nóng lên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kéo dài mùa du lịch hè khiến cho miền biển và miền núi có cơ hội phát triển loại hình du lịch nghỉ mát, nghỉ dưỡng. Đồng thời cũng cần phải lường trước và nhìn nhận những khó khăn do sự BĐKH gây ra. Các bãi tắm ven biển và trên đảo vốn đã định hình nhiều năm với các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch sẵn có sẽ bị thu hẹp lại, cảnh quan rạn san hô dưới nước, rừng ngập mặn ở khu vực bãi triều bị biến đổi. Dòng khách du lịch trong nước và quốc tế biến động bất thường do lệ thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu và những thiên tai khác. Chi phí cho các chuyến du lịch trở nên đắt đỏ hơn...

2.4. Tác động của BĐKH đối với sức khỏe và đời sống của con người

Tác động của BĐKH gây ra đối với sức khỏe và đời sống của con người có thể là những tác động trực tiếp hoặc những tác động gián tiếp.

Những tác động trực tiếp là nhiệt độ tăng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ làm cho con người chóng mệt mỏi, giảm năng suất lao động, giảm sức đề kháng

nên dễ bị bệnh. Nước biển dâng dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, thu hẹp và phải di chuyển nơi cư trú sinh sống của con người, nguồn nước sạch bị ô nhiễm làm đời sống bị xáo trộn, khó khăn.

Những tác động gián tiếp do đa dạng sinh học giảm; năng suất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp giảm; sâu bệnh nhiều làm ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và đời sống. Ảnh hưởng của BĐKH đến các ngành kinh tế cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống của con người.

3. Tác động của BĐKH đối với các châu lục và khu vực đặc biệt

BĐKH diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên biểu hiện và tác động của nó tại các châu lục trên thế giới rất khác nhau.

Sự tăng nhiệt độ lớn nhất diễn ra ở khu vực phía Bắc của Bắc Mỹ, phía Bắc Á và Trung Á. Nhiệt độ tăng ít hơn ở Nam Á và Đông Nam Á vào thời kỳ mùa hạ, ở phía Nam của Nam Mỹ vào thời kỳ mùa đông. Nhiệt độ tăng không lớn lắm ở Bắc Đại Tây Dương và quanh vùng biển Nam Cực.

Các dự báo cho thấy lượng mưa sẽ tăng lên ở các khu vực vĩ độ cao, của bán cầu Bắc cả trong mùa hạ và mùa đông; ở các vĩ độ trung bình của bán cầu Bắc, vùng nhiệt đới châu Phi và Nam Cực vào mùa đông, Nam Á và Đông Nam Á vào mùa hạ. Ở châu Úc, Trung Mỹ và Nam Phi lượng mưa giảm vào mùa đông.

Tác động của BĐKH cũng diễn ra không đồng đều trên các khu vực. Nói chung các vùng đồng bằng thấp và dải ven biển, đảo là nơi chịu ảnh hưởng to lớn và sâu sắc nhất của BĐKH.

Nước biển dâng sẽ làm ngập lụt các vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn của các sông lớn trên thế giới. Đồng bằng sông Nin ở Ai Cập, sông Hằng ở Banglađet, sông Mê Công ở Việt Nam là 3 vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng. Nhiều đảo có độ cao dưới 3m đều có nguy cơ bị phủ ngập.

Tại các khu vực hoang mạc và bán hoang mạc, tình trạng khô hạn có thể trở nên tồi tệ hơn do tình trạng khô hạn, hạn hán kéo dài.

Các khu vực bị ngập nhiều nhất trên thế giới

Một phần của tài liệu GIÁO DỤC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w