Tình hình quy hoạch sử dụng đất ở Việt nam

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác quy hoạch sử dụng đất huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2007 đến 2011 (Trang 28 - 32)

5. Ý nghĩa của đề tài

1.5.Tình hình quy hoạch sử dụng đất ở Việt nam

1.5.1.Tình hình quy hoạch đất đai ở nước ta qua các thời kỳ

1.5.1.1. Thời kỳ 1975 - 1980

Thời kỳ này Chính phủ đã lập quy hoạch trong cả nước, kết quả đạt được là cuối năm 1980 đã xây dựng xong các phương án quy hoạch phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản của cả nước, trong đó coi quy hoạch đất nông nghiệp, lâm nghiệp là luận chứng quan trọng để phát triển. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong quy hoạch đất đai thời kỳ này là số liệu điều tra cơ bản về thống kê

đất đai, về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên chưa đầy đủ. Tính khả thi chưa cao vì chưa tính đến khả năng về đầu tư v.v.

1.5.1.2. Thời kỳ 1981 - 1986

Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V “Xúc tiến công tác điều tra cơ bản lập tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng, nghiên cứu chiến lược kinh tế, xã hội dự thảo kế hoạch triển vọng, kế hoạch cho 5 năm sau (1986 - 1990)”. Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng đã yêu cầu các ngành, các địa phương, các cơ quan khoa học tập trung chỉ đạo chương trình lập tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất ở nước ta trong thời kỳ 1986 - 2000 (lập quy hoạch, kế hoạch sản xuất vùng trọng điểm, khu công nghiệp, du lịch, xây dựng thành phố).

Trong thời kỳ này kết quả đã được nâng lên một bước về nội dung và cơ sở khoa học của quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên trong thời kỳ này quy hoạch sử dụng đất cấp xã chưa được đề cập đến, còn quy hoạch cấp huyện, cấp tỉnh và cả nước đã được đề cập đến nhưng chưa đầy đủ [26].

1.5.1.3. Thời kỳ từ năm 1987 đến năm 1993

Ngày 29/12/1987 Quốc hội khoá VIII thông qua Luật Đất đai và chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố ngày 08/01/1988. Đây là Luật đất đai đầu tiên được ban hành và dành một số điều cho quy hoạch như xác định vai trò, vị trí của công tác quy hoạch và quản lý sử dụng đất trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên Luật Đất đai 1988 chưa nêu ra nội dung của quy hoạch sử dụng đất.

Ngày 15/4/1991 Tổng cục Quản lý ruộng đất (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra thông tư 106/QH-KHKĐ xây dựng quy hoạch sử dụng đất tương đối cụ thể và hoàn chỉnh ở các cấp.

Ngày 18/2/1992 Tổng cục Quản lý ruộng đất đã kịp thời hoàn thành tài liệu hướng dẫn lập quy hoạch phân bổ đất đai cấp xã. Do đó công tác quy hoạch sử dụng đất được đẩy mạnh một bước, đặc biệt là công tác quy hoạch sử dụng đất cấp xã được thực hiện.

1.5.1.4. Thời kỳ từ 1993 đến năm 2003

Ngày 15/10/1993 Luật Đất đai sửa đổi được công bố và có hiệu lực. Trong luật này, các điều khoản nói về quy hoạch đã được cụ thể hoá hơn so với Luật Đất đai năm 1988. Luật Đất đai năm 1993 tăng cường quyền hạn của cơ quan quyền lực Nhà nước trong việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất v.v.[13]

Từ nhận thức rõ tầm quan trọng của Quản lý nhà nước về đất đai nói chung và quy hoạch sử dụng đất nói riêng trong thời kỳ này Luật Đất đai được sửa đổi vào năm 1998 và năm 2001. Đồng thời trong cùng thời gian để tăng cường công tác quy hoạch sử dụng đất trong phạm vi cả nước và căn cứ theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Chính phủ ra Nghị định số 68/NĐ-CP ngày 01/10/2001 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Để thực hiện Nghị định 68/NĐ-CP, ngày 01/11/2001 Tổng cục Địa chính có Thông tư số 1842/TT-TCĐC hướng dẫn thi hành Nghị định 68/NĐ-CP của Chính Phủ [13].

Trong giai đoạn này, Tổng cục Địa chính cho triển khai lập quy hoạch sử dụng đất cả nước và các tỉnh, các huyện. Hầu hết các địa phương trong cả nước đã lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

1.5.1.5. Từ khi có Luật Đất đai 2003 cho đến nay

Để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cũng như đảm bảo quyền quản lý đất đai của Nhà nước theo Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Đất đai 2003 thay cho Luật Đất đai 2001 và Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2004. Trong đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được nhấn mạnh trong Chương 2 Mục 2 của Luật Đất đai năm 2003

Để thực hiện Luật Đất đai 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 181/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành luật, trong đó Chương III Điều 12 cũng ghi cụ thể nội dung quy hoạch sử dụng đất v.v.[5]

Để công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thống nhất trong cả nước Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các Thông tư số 30/2004/TT-BTNMT ngày 01/11/2004 về việc hướng dẫn, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Thông tư số 28/2004/TT-BTNMT ngày 01/11/2004 về việc hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành Quyết định số 04/2007/QĐ-BTNMT về việc ban hành quy trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất v.v.[3]

1.5.2.Công tác lập quy hoạch trên phạm vi cả nước

Luật Đất đai năm 1993 ra đời tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch sử dụng đất đai đầy đủ hơn. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, Nhà nước thực hiện quyền định đoạt về đất đai, nắm được quỹ đất đai đến từng loại, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng

đất, gắn chuyển mục đích sử dụng đất với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có cơ sở để điều chỉnh chính sách đất đai tại mỗi địa phương, chủ động giành quỹ đất hợp lý cho phát triển các ngành, các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa đảm bảo ổn định các mục tiêu xã hội vừa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từng bước chủ động dành quỹ đất hợp lý cho xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng cho công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Qua công tác quy hoạch sử dụng đất đai, UBND các cấp nắm chắc được quỹ đất đai của địa phương mình, có dự tính được nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước.

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được quy định trong Luật Đất đai 1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/NĐ-CP ngày 01/10/2001 quy định nội dung cụ thể về lập và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp địa phương. Từ năm 1994, Chính phủ đã cho triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010. Tuy vậy, cũng phải đến năm 2004, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XI, Quốc hội mới ra Nghị quyết số 29/2004/QH11 thông qua quy hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất đai đến năm 2005; Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tiến hành công tác rà soát quy hoạch sử dụng đất an ninh, quốc phòng và đã được Chính phủ phê duyệt [21].

Nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới của xã hội nói chung và đòi hỏi về công tác quản lý đất đai nói riêng, Luật Đất đai năm 2003 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2004. Khung pháp lý đối với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định rõ: Luật Đất đai 2003 quy định tại mục 2 chương II (gồm 10 điều, từ Điều 21 đến Điều 30); Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai quy định tại chương III (gồm 18 điều, từ Điều 12 đến Điều 29), Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính Phủ quy định tại Chương II (gồm 8 điều, từ điều 3 đến Điều 10).

Luật Đất đai năm 2003 quy định rõ nội dung việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Đối với kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm và kỳ kế hoạch là 5 năm. Việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất là 5 năm một lần gắn với việc kiểm kê đất đai để phục vụ cho công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tốt hơn. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất được lập 10 năm một lần gắn với kỳ quy hoạch sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp xã phải được lập trên nền bản đồ địa chính. Ngoài ra, để cho việc quản lý đất đai được thuận lợi hơn, đất đai được chia

thành 3 nhóm đất chính: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 30/2004/TT-BTNMT và quy trình lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và quy trình lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các cấp và Thông tư số 19/2009/TT-BTNMT ngày 02 tháng 11 năm 2009 quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo kết quả báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường Đến năm 2007, cùng với quy hoạch sử dụng đất đai cả nước, đã có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng xong phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2006 - 2010).

Đối với cấp huyện, đã có 531/681 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành việc lập quy hoạch đến năm 2010 (đạt 78 %); 98 huyện đang triển khai (chiếm 14 %); còn lại 42 huyện chưa triển khai (chiếm 8 %), phần lớn là các đô thị (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).

Đối với cấp xã, đã có 7.676/11.074 xã, phường, thị trấn đã lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 (đạt 68 %); 1.507 xã đang triển khai (chiếm 14 %); còn lại 1.991 xã chưa triển khai (chiếm 18 %). Trong số các xã đã lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 có 1.358 xã đã lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết thể hiện trên bản đồ địa chính theo quy định của Luật Đất đai.

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác quy hoạch sử dụng đất huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2007 đến 2011 (Trang 28 - 32)